Thứ Bảy, 26/10/2024 11:31 SA
Điểm thi môn Lịch sử thấp: Phản ánh đúng thực trạng học của học sinh
Chủ Nhật, 22/07/2018 06:30 SA

Nhiều thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp nhưng chưa thực sự thích môn Lịch sử - Ảnh: THÚY HẰNG

Năm 2018, Lịch sử tiếp tục là môn có điểm thi thấp nhất trong số các môn với khoảng 80% thí sinh có điểm thi dưới trung bình. Kết quả này phần nào phản ánh thực trạng dạy và học môn Lịch sử trong trường học mà ngành Giáo dục phải nghiêm túc suy nghĩ.

 

Thí sinh chọn nhiều nhưng kết quả lại thấp

 

Năm nào tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình ở môn thi Lịch sử cũng thấp và năm nay cũng không ngoại lệ. Tại Phú Yên, điểm trung bình môn Lịch sử là 3,66 điểm, không có thí sinh nào đạt điểm từ 9 trở lên. Đáng nói là kết quả này không bất ngờ với các giáo viên dạy môn Lịch sử tại các trường phổ thông. Theo các giáo viên dạy bộ môn này, thí sinh hiện nay chủ yếu thi môn Lịch sử (trong tổ hợp bài thi Khoa học xã hội) chỉ để xét tốt nghiệp chứ rất ít em chọn môn này trong tổ hợp xét tuyển đại học. Các em chọn thi môn Lịch sử để tốt nghiệp thì đương nhiên chỉ cần tránh được điểm liệt. Còn lại dồn hết sức để học 3 môn chính cho xét tuyển đại học. Việc học và thi đối phó kiểu như vậy thì điểm thi thấp là điều không tránh khỏi.

 

Với một kỳ thi 2 mục đích thì sự tính toán của các thí sinh thể hiện rất rõ. Những thí sinh dự thi môn Lịch sử với mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ có điểm số tốt hơn hẳn so với những thí sinh chỉ dự thi để tốt nghiệp. Thí sinh Lê Nguyễn Quỳnh Như, Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Trong đề thi Lịch sử, kiến thức lớp 11 chiếm 2 điểm, không chỉ nhớ mà còn phải hiểu. Những bạn không thích môn Lịch sử, thường khi ôn sẽ bỏ qua chương trình lớp 11; rồi bỏ thêm 2 điểm những câu hỏi nâng cao nữa. Còn 6 điểm và để đạt 6 điểm này không dễ chút nào. Em xét tuyển khối C vào đại học nên chăm chút môn Lịch sử khá nhiều. Kết quả, môn Lịch sử em đạt 7 điểm”.

 

Thực tế trước đây khi chưa có bài thi tổ hợp, để thí sinh tự chọn môn thi thì Lịch sử luôn là môn có ít thí sinh chọn nhất, chỉ hơn 10%. Khi đưa Lịch sử vào tổ hợp Khoa học xã hội thì tỉ lệ thí sinh chọn còn cao hơn tổ hợp Khoa học tự nhiên, như năm nay là trên 50% thí sinh chọn. Đó có thể là điều đáng mừng. Tuy nhiên, số lượng thí sinh chọn thi tăng lên nhưng điểm thi môn Lịch sử ngày càng thấp đi là điều ngành Giáo dục phải suy nghĩ.

 

Cần thay đổi cách chọn bài thi

 

Năm nay, các câu hỏi trong đề thi môn Lịch sử được ra theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh, tức không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay trả lời các câu hỏi máy móc theo khuôn mẫu có sẵn. Thay vào đó chú trọng phần vận dụng kiến thức của lịch sử trong việc giải quyết các vấn đề. “Có lẽ đây là một trong những lý do căn bản khiến kết quả thi môn Lịch sử không cao như những môn khác”, cô Nguyễn Thị Cẩm Giao, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nói. Một giáo viên của Trường THPT Lê Thành Phương thì nhìn nhận: Kết quả thi môn Lịch sử có nhiều điểm dưới trung bình là do cách các em chọn bài thi tổ hợp. Đề thi môn Lịch sử những năm gần đây luôn yêu cầu các em không chỉ nhớ mà còn phải hiểu. Với cách ra đề này, nếu các em học hành nghiêm túc thì vẫn có thể đạt điểm trên trung bình. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh chọn môn Lịch sử để xét đại học, cao đẳng chiếm rất ít. Đa phần các em có lực học không khá trong tổ hợp Khoa học tự nhiên mới chọn tổ hợp Khoa học xã hội.

 

Từ khi Bộ GD-ĐT chuyển hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm đối với các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội, đa phần giáo viên đã thay đổi phương pháp giảng dạy, đó là sau mỗi bài học đều có các câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra các em. Giáo viên làm theo chủ đề, dạy từng sự kiện, các em nắm và liên hệ các sự kiện. Vấn đề cốt lõi là cách các em học, đầu tư cho môn học như thế nào. Theo các giáo viên, nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều học sinh có điểm môn Lịch sử dưới trung bình là do học sinh thường coi môn học này là môn phụ. Trong số học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, ngoài một số ít các em chọn vì đam mê và vì yêu môn Lịch sử để xét tuyển đại học, cao đẳng thì đa phần các em chọn tổ hợp này do tâm lý sợ tổ hợp Khoa học tự nhiên, cho rằng tổ hợp Khoa học xã hội sẽ dễ làm trắc nghiệm đạt điểm cao hơn. Đặc biệt, môn Địa lý và Giáo dục công dân được xem là 2 môn “cứu cánh” trong tổ hợp này. Từ đó, các em hình thành tâm lý xem nhẹ việc học môn Lịch sử, chỉ cần học để không “dính” điểm liệt.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek