Có khả năng theo dõi liên tục thân nhiệt của người bệnh cũng như phát tín hiệu cảnh báo, gọi điện, nhắn tin cho người thân trong những trường hợp cấp bách, thiết bị theo dõi và cảnh báo thân nhiệt thông minh TWD do Phạm Quốc Bảo (Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) thiết kế là giải pháp cần thiết khi gia đình có người già hoặc trẻ em bị bệnh.
Từng tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI với giải pháp tương tự, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên giải pháp của Quốc Bảo chỉ nhận được giải khuyến khích. Tuy nhiên, nhận thấy thiết bị của mình đang theo đuổi rất cần thiết cho cộng đồng nên Bảo không ngại khó khăn để vừa hoàn thành chương trình học ở trường, vừa nâng cấp thiết bị cũ lên một bước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Kết quả, sau một thời gian tìm tòi, thử nghiệm, Bảo đã cho ra đời thiết bị theo dõi và cảnh báo thân nhiệt thông minh TWD. Thiết bị này là một bảng mạch khép kín giao tiếp với bên ngoài qua bộ phận đo nhiệt và bộ phận thông báo, báo động. Bên trong bảng mạch, các linh kiện được bố trí hợp lý giúp giảm diện tích bảng mạch. Sản phẩm được xây dựng trên nền tảng hệ sinh thái lập trình nhúng Arduino và dựa trên ngôn ngữ lập trình C/C++ thông dụng trên thế giới.
Bảo cho biết, các thành phần chính trong bo mạch được em thiết kế gồm: Bộ nguồn, bộ phận đo nhiệt, bộ phận xử lý và bộ phận thông báo, báo động. Khi khởi động nguồn, cảm biến nhiệt độ DS18B20 sẽ hoạt động, đo nhiệt độ cơ thể đưa về bộ phận xử lý. Nếu thân nhiệt ở giới hạn bình thường, hệ thống đèn LCD LED sẽ không sáng. Khi thân nhiệt người dùng vượt qua ngưỡng an toàn, bộ xử lý sẽ phát tín hiệu báo động, đèn trên thiết bị sẽ đổi màu.
Nếu nhiệt độ trên mức max, đèn sẽ sáng màu đỏ, nếu dưới mức min, đèn sẽ sáng màu xanh; đồng thời chuông báo động và màn hình hiển thị sẽ tự động bật khi thân nhiệt vượt ngưỡng an toàn. Sau khi cảnh báo tại chỗ, thiết bị sẽ báo động qua điện thoại cho người thân. Ngoài ra, nếu muốn kiểm tra nhiệt độ một cách trực quan, TWD có thể được sử dụng như một nhiệt kế đơn thuần, rất tiện lợi và đa năng. Đặc biệt, vào ban đêm, nếu đèn nhấp nháy hoạt động mà người dùng không thấy được thì chuông báo động cũng sẽ hoạt động cùng lúc để gây sự chú ý.
Chia sẻ về sản phẩm của mình, Phạm Quốc Bảo cho biết, khi người già hoặc trẻ em bị bệnh, khả năng tự chăm sóc, tự sơ cứu hoặc kịp thời báo tin cho người thân là điều khó khăn và sự chậm trễ này có thể gây ra guy hiểm. Như một “người thân” bên cạnh, thiết bị sẽ phát tín hiệu gọi điện, gửi tin nhắn cho những số điện thoại người thân đã được cài đặt trong máy để có biện pháp sơ cứu, chữa trị kịp thời.
Hiện tại, chi phí chế tạo cho một thiết bị khoảng 800.000 đồng. Giá này có thể rẻ hơn nếu làm hàng loạt, nên ai cũng có thể liên hệ với Bảo để sở hữu sản phẩm này. Là một học sinh chuyên Lý, Bảo cho biết mình muốn theo đuổi đến cùng những giải pháp thiết thực phục vụ cho sức khỏe cộng đồng. Em cũng mong muốn sản phẩm của mình được nhà đầu tư quan tâm, để cùng phối hợp hoàn thiện và cho ra đời những sản phẩm có giá thành rẻ mà gia đình nào cũng cần đến.
Đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII, giải pháp “Thiết bị theo dõi và cảnh báo thân nhiệt thông minh TWD” của Quốc Bảo được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao, tiếp tục được chọn tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc. Và giải pháp này tiếp tục mang về cho Bảo giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIV (2016-2017).
THÁI HÀ