Tốc độ việc làm đang tăng trưởng rất mạnh với những nhóm ngành nghề đào tạo phong phú. Vì vậy, học sinh rất dễ bị rối không biết nên chọn ngành nghề theo năng lực bản thân hay nhu cầu của xã hội, trong khi việc chọn ngành nghề đặc biệt quan trọng và phụ thuộc nhiều yếu tố.
Đừng cố vào đại học mà chọn sai ngành
Con đường học tập luôn rộng mở đối với các thí sinh khi các cấp học từ đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề đều rộng cửa. “Với cơ cấu ngành nghề như hiện nay cùng dự báo xu hướng việc làm trong những năm tới, việc học trường nào, bậc học nào không quan trọng, mà quan trọng là chọn được ngành học phù hợp cùng thái độ học tập đúng đắn để tăng cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường”, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Chí Trường đã nói như vậy tại Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018 do Báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Phú Yên vừa tổ chức tại Trường đại học Phú Yên.
Theo đó, ông Trường chia sẻ: Các em phải xác định được “mình sẽ làm công việc gì trong 4-5 năm tới”, không nên lựa chọn ngành nghề chạy theo số đông. Vì thực tế những năm gần đây cho thấy rất nhiều sinh viên bị buộc thôi học do không theo kịp chương trình đại học. Vậy nên, ngay từ đầu các em phải xác định năng lực và đam mê của mình để xem có đủ sức vượt qua những yêu cầu khi vào giảng đường đại học hay không. Các em đừng cố vào đại học để rồi “ngồi nhầm chỗ”.
Lời “cảnh báo” của ông Trường làm nhiều học sinh có mặt tại chương trình tư vấn dè dặt và thực tế hơn khi đặt các câu hỏi liên quan đến việc chọn ngành, chọn trường. Em Võ Đệ, học sinh Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu, hỏi: Ngành Quản trị kinh doanh trường nào đào tạo tốt nhất, học phí ra sao, cơ hội việc làm như thế nào, thưa các thầy? Tư vấn cho câu hỏi này, TS Trần Thế Hoàng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh thẳng thắn nói: Học quản trị kinh doanh chọn trường nào? Dĩ nhiên các em hãy chọn nhóm trường phù hợp với mình và phù hợp với kinh tế tài chính của gia đình. Sống thành phố thì chi tiêu nhiều, học chương trình quốc tế, tiếng Anh, chất lượng cao thì phải 50 triệu đồng/năm, còn các trường chưa tự chủ tài chính thì chừng 8-9 triệu đồng/năm. Nhóm ngành quản trị kinh doanh đào tạo các nhà quản trị, quản lý điều hành doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn lớn, đa quốc gia. Ngoài ra, nếu không thích làm công ty, trong nhà nước, thì chúng ta có thể tự khởi nghiệp bằng kiến thức của bản thân chúng ta.
Một học sinh tên Thi, Trường phổ thông Duy Tân thì băn khoăn: “Em thích ngành Công nghệ môi trường nhưng sợ học ra không có việc làm, vì nhiều người học ngành này ra trường không có nhiều cơ hội xin được việc làm”. Nói về điều này, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cho hay: Mảng môi trường có các ngành: Khoa học môi trường, Kỹ thuật môi trường, Quản lý môi trường, Kinh tế tài nguyên môi trường. Tại sao các ngành này khó tìm việc làm, vì chủ yếu là làm trong các cơ quan quản lý nhà nước, như sở TN-MT, phòng TN-MT, ban quản lý các khu công nghiệp. Nếu các em nhăm nhăm vào làm trong các cơ quan nhà nước như thế thì khó thiệt. Trong khi, các ngành này rất dễ xin việc tại các công ty dịch vụ môi trường.
Nỗ lực càng cao, cơ hội có việc làm càng lớn
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, cơ hội việc làm ở ngành nghề nào cũng có nhưng ngoài chuyên môn cao cần hội đủ các kỹ năng như: kỹ năng thực hành, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật. Có việc làm hay không phụ thuộc một phần rất lớn vào sức học của các em. Chính vì thế, bản thân mỗi người phải tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết để bước vào đời.
Theo các chuyên gia tư vấn, khi nắm bắt được các xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, hiểu về những xu hướng đó thì cơ hội nghề nghiệp sẽ cao hơn. “Nhóm ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ thuật công nghệ, nông lâm, giao thông, điện tử… là những ngành trong tương lai sẽ phát triển và nhu cầu nhân lực rất cao. Tuy nhiên, để theo những ngành nghề này, các em cần phải có những tố chất nhất định. Tùy từng ngành lại đòi hỏi những tố chất đặc trưng”, PGS-TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết. Còn PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh khuyên rằng: “Trường A có thể là tốt nhất nhưng có thể không tốt với bạn, vì học phí hoặc điểm chuẩn cao quá. Vậy thì điểm thấp nên chọn xuống một trường thấp hơn để phù hợp với mình hơn. Ngành hot chưa hẳn đã hot nếu chúng ta chưa trang bị đầy đủ kỹ năng để đáp ứng được công việc hoặc chưa tự tin, can đảm để thay đổi mình trước những đổi thay của xã hội”.
Có thể với mỗi học sinh, việc xác định nghề nghiệp hiện tại là chưa rõ ràng. Song dù lựa chọn bất cứ ngành nghề nào, các em hãy đừng chạy theo xu hướng đám đông. Quan trọng nhất là xác định được thế mạnh của bản thân kết hợp với xu hướng nghề nghiệp, không ngừng học tập tích lũy kiến thức, nỗ lực càng cao thì cơ hội càng lớn.
THÚY HẰNG