Theo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, ở khoản 3 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
Việc có nhiều đổi thay trong tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm trong năm 2018 là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi băn khoăn, liệu học sinh giỏi có dám vào sư phạm? Bởi ngành sư phạm không phải là ngành hot lại khó xin được việc làm sau khi tốt nghiệp. Chia sẻ về điều này, TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên nói: “Tuyển những người có học lực khá, giỏi vào học sư phạm là điều mà nhiều trường có đào tạo lĩnh vực này mong muốn. Tuy nhiên, thực tế nhiều học sinh giỏi không muốn vào sư phạm. Điều này cũng dễ hiểu vì thực tế đã chỉ ra rằng, từ nhiều năm nay, không ít sinh viên ngành sư phạm ra trường không có việc làm, hoặc có xin được việc cũng không có sự ổn định lâu dài, mức thu nhập lại thấp so với những ngành nghề khác”. TS Trần Lăng cho rằng, muốn học sinh giỏi vào sư phạm nên có chính sách đãi ngộ hấp dẫn và cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp. Một khi thực hiện được những chính sách này, ngành sư phạm không cần phải quy định tiêu chuẩn đầu vào cũng sẽ tuyển được học sinh khá, giỏi.
Thay đổi tuyển sinh ngành sư phạm ngay trong năm 2018, tức là Bộ GD-ĐT đã nhìn thấy rất rõ những bất cập trong tuyển sinh lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện Bộ GD-ĐT chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm. Bên cạnh đó, tại các trường sư phạm đang tồn tại nhiều trình độ đào tạo khác nhau. Vì lẽ đó, trước mùa tuyển sinh 2018, những băn khoăn về việc ngành sư phạm có tuyển đủ chỉ tiêu hay không, có đủ sức hấp dẫn học sinh giỏi hay không… vẫn đang là một sự ngóng trông, mong mỏi. “Chỉ cần đảm bảo đầu ra đối với sinh viên sư phạm là tôi cho con học sư phạm liền”, một phụ huynh có con đang học lớp 12 năm học 2017-2018 nói chắc nịch.
Ngành sư phạm cần những người tâm huyết với sự nghiệp trồng người, nhưng số thí sinh giỏi chọn học nghề này ngày càng khan hiếm. Nếu ngay từ năm 2018, cùng với việc thay đổi chất lượng đầu vào cho ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT có thể “bật tín hiệu” đảm bảo được việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp thì chí ít, chất lượng đầu vào có thể tăng và cũng có thể lấy được các sinh viên từ khá trở lên.
MẠNH THÚY