Năm 2017, thế giới phải chứng kiến và đối mặt với nhiều thảm họa thiên tai cũng như hàng loạt thách thức nhân đạo.
Hãng tin AFP của Pháp đã liệt kê ra năm sáng kiến được đánh giá là đã góp phần tăng sức bền bỉ của các cộng đồng cư dân, giúp người dân vượt lên trên những khó khăn để cải thiện cuộc sống. Tại TP New York của Mỹ, những gia đình sống tại các khu dân cư Gowanus Canal và Park Slope đã xây dựng một cơ chế gọi là Mạng lưới điện TransActive để trao đổi phần năng lượng Mặt Trời dư thừa giữa các gia đình, tạo điều kiện cho toàn cộng đồng được sử dụng năng lượng sạch.
Mô hình tương tự đã được áp dụng tại Úc, Phần Lan và Nam Phi. Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là bước đầu cho một cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu, khi mà các cộng đồng dân cư nắm quyền kiểm soát trực tiếp nguồn tiếp cận năng lượng của mình và thúc đẩy giai đoạn chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch.
Tận dụng lợi thế của cách mạng công nghệ, giới trẻ Niger đã có sáng kiến thành lập một bản đồ về mối đe dọa của lũ lụt.
Tại quốc gia thuộc hàng nghèo nhất thế giới này, nơi lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 56 người và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà trong năm 2017, một nhóm 20 các "điều tra viên" gồm các sinh viên và thanh niên từ OpenStreetMap Niger, đã lập ra bản đồ những vùng dễ xảy ra lụt lội tại hai quận của thủ đô Niamey trên smartphone.
Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, nhóm đã lập danh sách được hơn 15.000 khu vực và tòa nhà đứng trước nguy cơ cao. Dữ liệu này được gửi tới Bộ Nội vụ Niger để hỗ trợ các nỗ lực giảm nhẹ thiên tai.
Trên đảo Lombok của Indonesia, những lát bánh ngô giòn tan và món tôm nhuyễn đã biến những phụ nữ làm nội trợ sống phụ thuộc vào thu nhập bấp bênh của người chồng trở thành trụ cột tài chính trong gia đình.
Đây là kết quả của một dự án dạy phụ nữ cách chế biến và đóng gói các đặc sản địa phương hướng tới đa dạng hóa nguồn thu nhằm hỗ trợ nữ giới và những người nghèo có công việc ổn định. Khởi đầu từ một cộng đồng duyên hải kém phát triển, dự án này sau đó đã được nhân rộng áp dụng tại các thị trấn lớn của Indonesia.
Sau trận động đất 7,1 độ richter hồi tháng Chín vừa qua cướp đi khoảng 369 sinh mạng và đẩy hàng nghìn người vào cảnh "màn trời chiếu đất" tại Mexico, các kiến trúc sư đã đề nghị người dân tại thị trấn Jojutla, bang Morelos, quyên góp các chai nhựa rỗng.
Những chai này sau đó được đổ đầy gạch đá và các tổ chức nhân đạo địa phương dạy người dân sử dụng vật liệu tự chế này để dựng các lều trú ẩn khẩn cấp và đơn giản. Giới chuyên gia cho biết loại vật liệu được gọi là "gạch đóng chai" này có sức chống chịu bền bỉ gấp bốn lần so với bêtông trong trường hợp xảy ra động đất.
Tại châu Phi, nhiều nước đang tìm kiếm sáng kiến để trợ giúp y tế cho thai phụ sau sinh, đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng cho hàng triệu em bé gái và phụ nữ tại các nước đang phát triển.
Cameroon huấn luyện các đại sứ cộng đồng làm nhiệm vụ vận động, khuyến khích phụ nữ có biểu hiện bệnh lý sau khi sinh chủ động tới cơ sở y tế điều trị.
Tanzania cung cấp hỗ trợ tài chính để đưa người bệnh tới các bệnh viện. Burundi thiết lập các đường dây nóng cho phụ nữ tại các khu vực hẻo lánh và Ethiopia đẩy mạnh huấn luyện các bác sĩ sản khoa và ngoại khoa.
Bên cạnh đó, nam giới cũng được yêu cầu tham gia các "khóa học cho người chồng" để giúp họ hiểu rõ về các rủi ro khi sinh đẻ tại nhà và nạn tảo hôn.
Theo TTXVN, Vietnam+