Thực tế thời gian qua cho thấy, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường sư phạm chưa đảm bảo cân đối về cơ cấu, trình độ và ngành nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, theo từng vùng miền, địa phương. Vậy nên, sinh viên sư phạm ra trường khó kiếm việc làm, đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ. Từ thực tế này, tại hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm, trường đại học có đào tạo sư phạm, do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức, một trong những nội dung được lãnh đạo bộ này và các trường nêu ra để triển khai ngay từ năm 2018 là đào tạo sư phạm phải gắn với nhu cầu sử dụng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định từ năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành xác định nhu cầu nhân lực sư phạm trong các giai đoạn trung và dài hạn, xây dựng kế hoạch đặt hàng, tuyển dụng và phân công công việc sau khi đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo cơ chế đặt hàng dựa trên cơ sở nhu cầu của địa phương và năng lực của cơ sở đào tạo.“Đã đến lúc, ngành sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng, đây vừa là trách nhiệm chính trị vừa là trách nhiệm xã hội”, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh. Đối với việc khắc phục tình trạng thừa giáo viên những năm trước để lại, bộ trưởng cho rằng, đây là việc chưa thể khắc phục ngay nhưng phải làm từng bước. Trong đó, các trường sư phạm cần chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của địa phương để xây dựng chương trình đào tạo chuyển đổi sao cho phù hợp.
Tại Phú Yên, dù chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành sư phạm chưa có việc làm, tuy nhiên, theo các đơn vị tuyển dụng giáo viên, số lượng thí sinh dự tuyển viên chức, giáo viên luôn vượt rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, không ít sinh viên sư phạm tốt nghiệp trên 5 năm vẫn chưa tìm được một chỗ dạy tại các trường học. Đây cũng là lý do vì sao những năm gần đây, các ngành đào tạo sư phạm (ngoại trừ hai ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học) của Trường đại học Phú Yên luôn chật vật trong công tác tuyển sinh. Vừa qua, tại buổi làm việc với Trường đại học Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà yêu cầu, từ năm học 2018-2019, trường này phải xây dựng kế hoạch lộ trình giảm, đi đến không tuyển sinh ngoài tỉnh đối với khối sư phạm, mở các ngành đào tạo mới; chuyển đổi cơ cấu giáo viên, cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với xu thế, yêu cầu của xã hội… trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi thực hiện.
Với mạng lưới hệ thống cơ sở đào tạo sư phạm hiện nay trên toàn quốc là trên 120 cơ sở nên dù cho 2 năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT rất quyết tâm trong việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào sư phạm, cụ thể năm 2017 giảm 20% so với năm 2016 nhưng trên thực tế cả nước vẫn có 100 cơ sở tuyển sinh và số lượng vào các trường khoảng 54.000 chỉ tiêu vào sư phạm. Trong khi đó nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở các phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT hiện nay rất ít. Khoảng 50-60% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm từ đó mới dẫn đến ngành sư phạm chỉ trở thành lựa chọn của những học sinh có học lực trung bình, hoặc chỉ là nguyện vọng 2 của một vài em có học lực khá. Hy vọng với giải pháp đào tạo giáo viên trên cơ sở đề xuất của địa phương sẽ góp phần hóa giải những tồn tại, hạn chế trong đào tạo lĩnh vực sư phạm trong thời gian tới.
QUỲNH ANH