Thứ Sáu, 01/11/2024 23:25 CH
Liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp: Lợi ích kép
Chủ Nhật, 31/12/2017 08:27 SA

Học nghề điện tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - Ảnh: THÚY HẰNG

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và xã hội. Qua đó “bắt tay” với doanh nghiệp để giải quyết khâu đầu ra cho người học, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động.

 

Nhìn từ “lợi ích kép”

 

Theo thống kê của Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, đến nay nhà trường đã kết nối với hơn 150 doanh nghiệp trong cả nước, trong đó ký hợp tác toàn diện với gần 50 doanh nghiệp nhằm phối hợp xây dựng chương trình đào tạo; mời các chuyên gia tại doanh nghiệp tham gia giảng dạy với nhà trường; hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tiếp nhận sản phẩm do trường sản xuất cho doanh nghiệp; tiếp nhận giáo viên thực tế tại doanh nghiệp; tuyển dụng người học sau tốt nghiệp. Đặc biệt, nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp đưa người học thực tập tại các doanh nghiệp, kết hợp “học đi đôi với hành” nhằm rèn luyện kỹ năng nghề, giúp người học tiếp cận với thiết bị mới, quy trình sản xuất, kinh doanh thực tế tại doanh nghiệp. Vì thế, người học khi được các doanh nghiệp nhận vào làm việc đều bắt kịp với yêu cầu thực tế sản xuất. Em Lê Trung Hưng, sinh viên năm cuối đang thực tập tại Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang, cho hay: “Em học ngành cơ khí, được thực tập tại công ty chuyên ngành này nên rất thuận lợi. Tại đây, chúng em được trực tiếp tham gia quy trình sản xuất của công ty nên từng bước hình thành được tác phong của một công nhân chuyên nghiệp”.

 

TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, cho biết: “Việc gắn công tác đào tạo nghề của nhà trường với nhu cầu của các doanh nghiệp tạo ra lợi ích kép. Một mặt, chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng cao do doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nhà trường có môi trường thực hành tốt nhất, đồng thời giám sát quá trình đào tạo và chất lượng của người học sau khi ra trường. Mặt khác, thông qua việc phối hợp này, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…”.

 

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cũng tập trung đẩy mạnh công tác điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và xã hội. Trường đã tổ chức đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao như cơ khí, điện, điện tử, may… Do đáp ứng đúng nhu cầu của các doanh nghiệp nên hai năm gần đây dù có nhiều khó khăn, song nhà trường vẫn tuyển sinh đủ và vượt chỉ tiêu được giao. Thầy Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo của trường, cho hay: “Đào tạo nghề kết hợp với doanh nghiệp có thế mạnh là người học nghề ngoài việc học lý thuyết, còn được thực tập ngay trên các máy móc, thiết bị đang sử dụng tại doanh nghiệp, do đó có thể vận dụng được những kiến thức đã học, đồng thời nâng cao được kỹ năng nghề. Doanh nghiệp có thể sử dụng được ngay lực lượng lao động này sau khi tốt nghiệp”.

 

Gắn kết với doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở vấn đề tìm chỗ thực hành cho sinh viên hay xin học bổng, đa số trường hiện nay đang hướng tới việc giúp sinh viên có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang (Khánh Hòa), đánh giá: “Không chỉ có Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, công ty chúng tôi luôn tạo điều kiện để sinh viên đến thực tập, thực hành nghề. Muốn có được sản phẩm nhân lực đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng, chúng tôi chủ động đặt hàng nhà trường với những thông số cụ thể như: ngành nghề, số lượng, trình độ, kỹ năng, tính cách, tác phong...”. Cũng theo ông Hoàng, doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ mô hình này vì có cơ hội theo dõi và tuyển chọn được những sinh viên giỏi, có năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu của mình, không phải tốn nhiều thời gian để đào tạo lại.

 

Khuyến khích doanh nghiệp liên kết đào tạo nghề

 

Có thể thấy, việc chuyển hướng dạy nghề trong các cơ sở đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, cũng như chất lượng lao động. Tuy nhiên, lâu nay cách làm này chủ yếu do các trường nỗ lực “tạo quan hệ”, còn các doanh nghiệp chưa chủ động phối hợp.

 

Để khuyến khích các doanh nghiệp cũng như tạo hành lang liên kết trong đào tạo nghề, Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành Thông tư 29 quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Theo thông tư này, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo được khuyến khích hợp tác tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số môn học lý thuyết và thực hành, cả đào tạo từ xa ở một số mô đun. Trong đó, doanh nghiệp có thể đảm nhận 40% chương trình đào tạo. Với quy định này, các trường sẽ tập trung đào tạo các học phần, mô đun thực hành cơ bản, còn lại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các mô đun kỹ năng nghề tại đơn vị cho học sinh, sinh viên…

 

TS Trần Kim Quyên nhìn nhận: Thực tế từ lâu, các trường đã chủ động tìm đến doanh nghiệp để mời họ tham gia chương trình đào tạo nhưng do chưa có quy định nào cụ thể về việc này nên vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Vậy nên thông tư này là hành lang pháp lý để các trường mạnh dạn liên kết chứ không dè dặt vì ngại trái quy định. Nếu thực hiện tốt điều này, học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp sớm hơn, học chương trình sát với thực tế, từ đó tích lũy nhiều kiến thức hơn.

 

“Việc doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo với trường nghề là cơ hội để các trường xác định lại thế mạnh và năng lực của mình, quy hoạch ngành nghề phù hợp với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp cũng như tại địa phương. Vậy nên việc Bộ LĐ-TB-XH ban hành thông tư quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại thời điểm này không chỉ góp phần tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp cùng các trường có một hành lang pháp lý rõ ràng, linh hoạt, thuận lợi theo nhu cầu mà còn góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực cần thiết, kịp thời trong nước và quá trình hội nhập”, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang, nói.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek