Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề nghị các tỉnh, thành tổ chức rà soát và đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đến từng cơ ở giáo dục theo các cấp học.
Theo lãnh đạo bộ, việc này nhằm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Trên cơ sở rà soát thực trạng, các địa phương xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của các giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025.
Bộ cũng đề nghị các địa phương báo cáo về thực trạng các điểm trường lẻ của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, những chủ trương của tỉnh về việc dồn ghép các điểm trường lẻ.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai từ năm học 2019-2020.
Để thực hiện thành công, bên cạnh đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thì vấn đề cơ sở vật chất là một trong những mối băn khoăn nhất của nhiều chuyên gia giáo dục.
Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa mới, Chương trình này đã soạn theo yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội là phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam nên không đòi hỏi thiết bị gì đắt tiền. Tuy nhiên, chương trình vẫn đòi hỏi các địa phương phải đảm bảo sĩ số trong mỗi lớp phải đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, là tối đa chỉ 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Nhưng trên thực tế, đây chỉ là con số mơ ước của các trường công, nhất là ở các thành phố lớn. “Lớp quá đông thì kê bàn ghế cũng khó chứ chưa nói đến tổ chức các em hoạt động hoặc dẫn các em đi hoạt động bên ngoài khuôn viên nhà trường. Trong điều kiện giao thông hiện tại mà một giáo viên dẫn 60 em thì ngay bản thân tôi cũng thấy sợ”, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.
Theo Vietnam+