LTS: Cuộc thi viết “Tấm gương nhà giáo Việt Nam” năm 2017 do Bộ GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh và tri ân những nhà giáo có cống hiến xuất sắc, tiêu biểu cho sự nghiệp GD-ĐT. Trong 40 bài viết đạt giải của cuộc thi, ngành Giáo dục Phú Yên đóng góp 2 bài. Báo Phú Yên trích đăng bài viết “Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, người nặng tình với nghề sư phạm” đạt giải tư của cô giáo Lê Thị Thu Trang, Trường THCS Ea Trol (huyện Sông Hinh).
…Từ trung tâm thị trấn Hai Riêng, tôi ngược hướng mặt trời mọc, theo quốc lộ 29 đi về Trường THCS Ea Bar để gặp lại đồng nghiệp cũ của mình, đó là cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, người đã gắn bó dưới một mái trường cùng tôi suốt 10 năm trước. Mặc dù hiện không còn công tác chung nhưng tôi vẫn còn nguyên những ấn tượng về sự nhiệt tình trong công tác chủ nhiệm, đặc biệt là công tác vận động học sinh bỏ học đến trường của cô Hạnh.
Theo tiếng gọi con tim
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh sinh ra và lớn lên ở TP Hoa Phượng Đỏ. Hơn 14 năm trước, vừa rời khỏi giảng đường đại học, Hạnh được ba mẹ cho vào thăm cậu ruột ở nông trường cà phê Ea Bá, huyện Sông Hinh. Lần đầu đến với mảnh đất miền Tây của Phú Yên, cô gái 21 tuổi đã bị thu hút bởi những đứa trẻ tóc đỏ hoe khét nắng, đầu trần, tay xách bịch cơm trắng và tí muối ớt lùa bò… Vậy là Hạnh quyết định rời quê để vào đây lập nghiệp. Quyết định của cô con gái út vấp phải nhiều cản trở từ ba mẹ, họ hàng và bạn bè, nhưng Hạnh đã quyết…
Tàu bắt đầu lăn bánh hướng Bắc - Nam. Hạnh ngồi tựa đầu vào thành tàu, nhìn qua ô cửa sổ, mường tượng về những tháng ngày sắp tới tại huyện Sông Hinh xa xôi. Nơi ấy, rồi có là quê hương thứ hai của Hạnh? Xen lẫn với những háo hức là nỗi lo và sự nhớ nhà vừa mới chớm…
Cậu Thành nộp hồ sơ xin việc ở Phòng GD-ĐT huyện Sông Hinh cho Hạnh. Hơn nửa tháng sau, Hạnh có quyết định đi dạy ở Trường THCS bán trú Ea Bar, sau này đổi thành Trường THPT Tôn Đức Thắng. Để tiện cho việc giảng dạy, Hạnh chuyển đến ở khu tập thể của trường. Cô được bố trí ở chung phòng với tôi và cô Nguyệt. Căn phòng 6m2 nhỏ xíu, đủ kê chiếc giường, một cái bàn để soạn giáo án và một góc nhỏ để nấu ăn. Hạnh sinh ra ở thành thị, được gia đình cưng chiều nên không rành chuyện bếp núc. Mỗi chuyện nấu cơm cũng làm cô giáo trẻ lóng nga lóng ngóng. Dưới tài quân sư của tôi và cô Nguyệt, chỉ trong vòng hơn một tháng, Hạnh đã thành thạo nữ công gia chánh.
Vào những đêm trăng sáng, cả ba chúng tôi thường đi dạo xuống cầu Ea Bar, ngắm ánh trăng vàng sóng sánh như mật. Hạnh rất thích ngắm những vì sao lấp lánh trên dải ngân hà và tìm ông Thần Nông đội mũ đỏ. Hạnh kể, khi cô còn bé, bà ngoại cô vẫn bảo rằng, chòm sao Thần Nông đầy sức mạnh và nhân từ, là sứ giả báo trước của mùa xuân. Trong khoảnh khắc đẹp ấy, Mỹ Hạnh ước rằng, học sinh nghèo vùng cao Ea Bar em nào cũng được đi học và trở thành người có tri thức để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của quê hương Sông Hinh.
Cảm hóa học trò bằng tình thương yêu
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh giảng dạy bộ môn Ngữ văn kiêm công tác chủ nhiệm lớp. Những năm trước đây, học sinh ở các xã Ea Bá, Ea Lâm và học sinh vùng giáp ranh Đắk Lắk đều nội trú. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, các em hễ xảy ra xích mích, bệnh đau hay buồn vì nhớ nhà, hoặc thắc mắc về những kiến thức chưa hiểu trên lớp... đều đến cô báo cáo và được cô Mỹ Hạnh giải đáp, chia sẻ, động viên.
Tháng 10, mảnh đất cao nguyên Sông Hinh chính thức bước vào mùa mưa. Mưa triền miên cả ngày không ngớt hạt, mưa bạc trắng giữa không gian. Mùa mưa đến, cũng là lúc cô Hạnh lo nhất, lo học trò vắng học vàbỏhọc. Những khi đó, cô Hạnh và giáo viên trong trường đi vận động học sinh ra lớp rất vất vả. Để đảm bảo sĩ số lớp, nhiều giáo viên chủ nhiệm phải đến tận nhà đưa đón học trò đi học.
Mỹ Hạnh chia sẻ: “Năm học 2010-2011, lớp tôi chủ nhiệm có em Tính, là một học sinh cá biệt, thường xuyên hút thuốc, uống rượu, gây gổ, vắng học không phép liên tục. Khi các học trò sang nhà Tính chơi, ba em cộc cằn nói rằng: “Chúng mày chơi làm gì với thằng mất dạy đó” khiến các em rất ngạc nhiên và sửng sốt. Mong muốn tìm hiểu hoàn cảnh của Tính nên sau buổi sinh hoạt lớp, mặc dù đã quá trưa, mệt và đói, trời lại lất phất mưa, nhưng tôi vẫn mượn xe máy đến nhà em. Nhà Tính ở thôn Eamkeng, cách trường 16km. Con đường đến nhà em đầy đất đỏ, mưa xuống nhão nhoét, trơn như mỡ. Nhiều đoạn trơn và lầy, tôi phải xuống xe, tháo dép, bấm chặt đầu ngón chân xuống đường mà lội bộ. Nhà của em làm bằng tranh tre, mái lá tuềnh toàng, không có vật gì giá trị, ngoài cái tivi cũ và bộ bàn ghế nhựa... Khi tôi đến, ba của Tính đang đi nhậu. Mẹ của em rơm rớm nước mắt nói: “Chồng tui đi nhậu hoài à, nhậu về là đánh chửi vợ con”. Nói rồi, hai hàng nước mắt chị lăn dài trên gò má đen sạm…
Từ sau hôm đến nhà Tính, hiểu được hoàn cảnh của em, cô Mỹ Hạnh thấy thương em hơn, thường xuyên tâm sự và động viên. Cô trích ra ít tiền lương ít ỏi, cho em mua sách vở. Tính dần được cô Hạnh cảm hóa, trở nên ngoan hơn và học hành tiến bộ.
Một chiều cuối tháng 5, sau giờ ôn tập chuẩn bị cho học sinh thi tốt nghiệp THPT, cô MỹHạnh nán lại sân trường, ngắm những chùm phượng vĩ khoe mình trong nắng muộn. Tính nhẹ nhàng đến ngồi bên, rụt rè đưa cô Hạnh cuốn lưu bút và nói: “Em rất cảm ơn cô. Cô là ân nhân đã cứu cuộc đời em. Chính cô đã giáo dục em bằng sự quan tâm, tình yêu thương và sự thấu hiểu…”. Nói đến đây, Tính nghẹn lời, rơm rớm nước mắt.
Cô Mỹ Hạnh cũng xúc động:
- Em còn nhớ, trong một bài giảng, cô đã dẫn lời của nhà văn Nam Cao không?
- Vâng, em nhớ. “Chao ôi, đối với những người ở xung quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, xấu xa, bần tiện, toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thương và không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương”.
- Đúng vậy. Cô Mỹ Hạnh nói. Rồi cô nắn nót viết trong cuốn lưu bút của Tính:
Ea Bar, ngày… tháng… năm…
Em Tính!
Cô mong em luôn có niềm tin và nghị lực trong cuộc sống. Cô tin em sẽ thành công.
Niềm hạnh phúc với nghề
Một chiều cuối hạ, trời xanh biếc và sáng như tấm gương, tôi cùng cô Nguyệt và cô Mỹ Hạnh rủ nhau đạp xe đến suối Tân An chơi. Trong khi tôi và cô Nguyệt ngồi trên một mỏm đá bên bờ suối, thõng chân xuống khuấy nước đùa nghịch như trẻ con, thì cô MỹHạnh ngả mình trên thảm cỏ xanh mướt bên bờ suối ngắm nhìn bầu trời cao rộng và những đám mây thong thả trôi. Đang miên man với trời mây, chợt điện thoại Hạnh có tin nhắn. Cô mở ra xem và mừng rỡ đọc cho chúng tôi cùng nghe: “Thưa cô, em là Trần Minh Tính đây ạ. Em đã thi đậu vào Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ba em đã bỏ rượu, không còn đánh đập mẹ em nữa. Ông đã xin vào làm ở nhà máy cao su Ea Bar. Mẹ em cũng đã xin được việc ở công ty cà phê. Ba mẹ và em rất biết ơn cô”.
Tối hôm ấy, ăn cơm xong, MỹHạnh ra trước cửa phòng nội trú hóng mát. Không khí thật trong lành, hương thơm của cỏ hoa đại ngàn theo cơn gió đưa lại. Trên trời, hàng ngàn ngôi sao lấp lánh. Theo thói quen, cô Hạnh đưa mắt tìm ông Thần Nông đội mũ đỏ - chòm sao Thần Nông đầy sức mạnh và nhân từ, là sứ giả báo trước của mùa xuân.
* * *
Với những gì biết về cô Mỹ Hạnh, tôi thực sự ngưỡng mộ tấm lòng yêu thương, sự quan tâm chia sẻ của cô với học trò, đặc biệt là phương pháp giáo dục bằng sự thấu cảm đối với học trò “cá biệt”. Hơn 14 năm gắn bó với nghề sư phạm, cô đã miệt mài truyền lửa cho các thế hệ học trò ở vùng đất bazan trưởng thành... Trên đường từ xã Ea Bar xuôi về thị trấn Hai Riêng, tôi thầm nghĩ rằng, cô Mỹ Hạnh dù chưa có nhiều tấm bằng khen, giấy khen, dù chưa đạt được nhiều danh hiệu của các cấp, các ngành nhưng cô xứng đáng là nhà giáo như lời Bác Hồ dạy: “…Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…”.
LÊ THỊ THU TRANG