Ứng dụng nguồn bức xạ, hạt nhân góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh mặt lợi ích, tác hại do sự cố bức xạ, hạt nhân gây ra có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Để bảo đảm kiểm soát an toàn, an ninh các nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh, PGS-TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn tỉnh Phú Yên”.
PGS-TS Nguyễn Văn Hùng kiểm tra thiết bị đo phóng xạ cầm tay - Ảnh: THÁI HÀ |
Nhận thức đúng về an toàn bức xạ
Việc ứng dụng các nguồn năng lượng bức xạ trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, an ninh đang ngày càng phổ biến ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh lợi ích có thể nhìn thấy rõ, việc ứng dụng nguồn năng lượng bức xạ vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất an toàn bức xạ và mất an ninh các nguồn bức xạ, gây thiệt hại to lớn về kinh tế và làm người dân hoang mang.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Hùng, bức xạ nhân tạo đầu tiên được phát hiện là tia X (1895) và từ đó đến nay được ứng dụng mạnh mẽ trong y tế: chụp X-quang, chụp cắt lớp CT, xạ trị. Còn trong công nghiệp, bức xạ được ứng dụng trong các máy kiểm tra mối hàn, kiểm tra mật độ dung dịch trong đường ống (phổ biến trong ngành Dầu khí), thiết bị kiểm tra chiều dày giấy, thiết bị đo độ ẩm, thiết bị làm sạch không khí và sử dụng nhiều nhất trong các nhà máy nhiệt điện hạt nhân… Trong nông nghiệp, bức xạ được dùng để chiếu xạ triệt sản côn trùng, chiếu xạ diệt khuẩn thực phẩm thay cho hóa chất (chiếu xạ thanh long, bưởi… trước khi xuất khẩu). Năng lượng bức xạ, hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế. Tuy nhiên, bức xạ cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh học bình thường của các mô sống, nên khi con người tiếp xúc với bất kỳ loại nào trong số các loại bức xạ ion hóa: bức xạ alpha, beta, các tia gamma, tia X và nơtron, đều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã ghi nhận nhiều sự cố trong việc quản lý an toàn bức xạ. Cụ thể từ năm 2012 đến nay, nước ta đã xảy ra 4 sự cố bức xạ được các cơ quan chức năng xử lý an toàn như: sự cố nguồn phóng xạ uranium bị bỏ rơi tại xã Bắc Lạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; sự cố kẹt nguồn phóng xạ trong giếng khoan của Liên doanh Viet - Nga (Vietsovpertro); sự cố lơ là trong việc quản lý thiết bị đo độ chặt và độ ẩm nền đường “Troxler” chứa nguồn gamma Cs-137 và nguồn neutron Am-Be của Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên (năm 2015), sự cố phát hiện nguồn phóng xạ tại Công ty CP xi măng Chiềng Sinh (Sơn La)…
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Văn Hùng, có nhiều loại bức xạ, mỗi loại ảnh hưởng tới sức khỏe con người theo cách thức và mức độ khác nhau. Nếu hiểu về các loại bức xạ, người ta có thể áp dụng biện pháp cần thiết để khai thác lợi ích và ngăn chặn tác hại từ chúng. Do đó, trong tình hình ứng dụng bức xạ ngày càng phổ biến như hiện nay, để việc ứng dụng kỹ thuật bức xạ, hạt nhân mang tính bền vững, lâu dài, mang lại hiệu quả thì việc xây dựng các kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ trong quá trình sử dụng có ý nghĩa rất quan trọng.
Sẵn sàng ứng phó khi có sự cố
Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân (UPSCBXHN) đã được khoảng 30 tỉnh thành trong nước nghiên cứu, xây dựng. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, trình độ và quy mô ứng dụng bức xạ cũng như đặc thù văn hóa của từng vùng miền nên phải có sự nghiên cứu xây dựng kế hoạch UPSCBXHN cho riêng từng tỉnh, thành phố. Trong kế hoạch UPSCBXHN, việc chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo đội ngũ cán bộ để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra là một nhiệm vụ cần thiết giúp bảo đảm kiểm soát an toàn, an ninh các nguồn phóng xạ.
Trước các vấn đề thực tiễn đặt ra, nhóm tác giả đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá về tình hình ứng dụng bức xạ hạt nhân và các mối nguy cơ tiềm tàng trong việc sử dụng các nguồn bức xạ trên địa bàn tỉnh. Sau đó, 3 kịch bản và 3 quy trình tương ứng điển hình về UPSCBXHN có khả năng xảy ra trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng gồm: ứng phó với tình huống nguồn phóng xạ bị rơi khi vận chuyển, nguồn phóng xạ bị hở, bị đổ vỡ và phát tán ra ngoài môi trường; phát hiện nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát. Cùng với đó, nhóm tác giả mở lớp tập huấn và diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cho cán bộ quản lý và những người tham gia trực tiếp UPSCBXHN trong tỉnh.
Trong đợt tập huấn và diễn tập này, các học viên được tiếp cận kiến thức cơ bản về an toàn bức xạ; một số sự cố bức xạ và hạt nhân đã xảy ra trên thế giới và Việt Nam và bài học kinh nghiệm; kế hoạch UPSCBXHN cấp tỉnh đồng thời triển khai kịch bản điển hình về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân với các nội dung như: Thực hành sử dụng trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng và các thiết bị ghi bức xạ và đo liều bức xạ; thực hành diễn tập “Ứng phó sự cố đối với tình huống rơi nguồn phóng xạ trong quá trình vận chuyển”. Trong hai ngày tập huấn và diễn tập, các tình huống đưa ra trong kịch bản đã được các học viên thực hiện tốt và rất chuyên nghiệp.
“Thuyết minh đề tài đưa ra ban đầu là xây dựng 3 kịch bản ứng phó với các tình huống mất an toàn bức xạ dễ xảy ra, nhưng sau đó, do thấy cần thiết, nhóm tác giả đã xây dựng thêm kịch bản thứ 4. Thời gian tới khi nguồn phóng xạ được ứng dụng nhiều hơn (xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế, Nhà máy điện hạt nhân Tuy An…) thì hằng năm, chúng tôi sẽ cố gắng bổ sung thêm các kịch bản mới để khi có tình huống xảy ra sẽ có cách ứng phó tốt nhất”, Th.S Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết.
Nhận xét về kết quả đề tài đạt được, TS Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Viện Nghiên cứu hạt nhân cho rằng, đề tài đã điều tra tổng thể tình hình ứng dụng bức xạ trên địa bàn tỉnh Phú Yên, phân tích các nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ, xây dựng được bản kế hoạch UPSCBXHN trên địa bàn tỉnh. Kết quả của đề tài góp phần nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ cho người dân trong tỉnh; bước đầu xây dựng được cơ chế phối hợp và lực lượng UPSCBXHN của tỉnh Phú Yên.
AN NAM