Thứ Năm, 09/01/2025 14:55 CH
Chọn đúng nghề để khởi nghiệp
Chủ Nhật, 12/11/2017 09:08 SA

Sinh viên học nghề Điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - Ảnh: THÚY HẰNG

Tình trạng tốt nghiệp đại học không xin được việc làm hiện là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Tâm lý phải học đại học đã dần thay đổi trong nhận thức của học sinh và phụ huynh nên một số bạn trẻ đã mạnh dạn chọn học nghề để bảo đảm sau khi ra trường có thể sống bằng nghề mình yêu thích.

 

Năng lực phụ thuộc thái độ học tập

 

Tại Hội nghị sơ kết một năm đào tạo nghề phổ thông cho học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh do Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa tổ chức, thầy Trần Viết Hoành, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Tuy Hòa) chia sẻ, thầy có một người cháu tốt nghiệp ngành Cơ khí của trường này cách đây một năm và hiện đang làm việc với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Qua tìm hiểu thì được biết đó là cựu sinh viên Phạm Hoàng Trọng, ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí khóa 36 (2013-2016). Trọng là lớp trưởng CĐCK36A năm đó.

 

Hoàng Trọng cho biết: “Hồi đó, việc chọn ngành, chọn trường đều do em tự tìm hiểu và quyết định. Sở dĩ em chọn học ở trường địa phương, một phần là do mức học phí và các chi phí đào tạo phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình nông thôn như gia đình em. Mặt khác, Cơ khí là ngành học dễ có việc làm hơn nhiều ngành khác, vì thị trường lao động luôn thiếu. Tuy nhiên, trong quá trình học em nhận ra một điều rất quan trọng, đó là để có được việc làm sau khi ra trường phụ thuộc rất nhiều vào thái độ học tập của người học”.

 

Hoàng Trọng lý giải, nhắc đến kỹ sư cơ khí nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những người suốt ngày tay cầm tuốc vít, máy khoan, máy hàn... mặt mũi lem luốc để hoàn thiện những sản phẩm, máy móc, thiết bị phục vụ đời sống, sản xuất. Với kỹ thuật hiện đại, quy trình làm việc có thể đỡ vất vả hơn nhưng nếu muốn trở thành một kỹ sư cơ khí giỏi, người làm nghề phải thật sự siêng năng, cần cù, kiên trì, cẩn thận và tận tâm với công việc. Có yêu nghề chúng ta mới có quyết tâm thực hiện và miệt mài với nghề.

 

Tháng 6/2016, Phạm Hoàng Trọng tốt nghiệp cử nhân Cơ khí với tấm bằng loại giỏi và được nhận vào làm việc tại một công ty xây dựng ở Bình Dương cùng một người bạn với mức lương thử việc 7 triệu đồng/tháng. Làm việc tại đây được 5 tháng, Trọng chuyển sang làm việc với Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn, ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Đó là mức thu nhập “đỉnh” đối với một sinh viên vừa khởi nghiệp. “Từ lúc chuyển sang chỗ làm mới với mức thu nhập cao, em có điều kiện phụ giúp cha mẹ nuôi em gái đang học đại học. Bây giờ, cha mẹ em đã nhẹ bớt gánh lo”, Hoàng Trọng chia sẻ.

 

Quả thật, trước sự phân vân của nhiều học sinh khi chưa định hình một nghề cho bản thân, thì câu chuyện của Hoàng Trọng thật sự là minh chứng cho việc chọn nghề nào cũng phải xuất phát từ sở thích, đam mê, điều kiện gia đình và xu hướng lao động. Khi xác định được nghề cần học rồi thì việc chọn trường không khó. Bởi học trường nào không quan trọng, mà quan trọng là thái độ, ý thức học tập của bản thân mỗi người. “Hiện nay, các ngành nghề đều phát triển, vì vậy các em không phải lo lắng về việc làm sau này, mà các em hãy cứ học thật tốt thì cơ hội sẽ đến. Năng lực phụ thuộc vào thái độ, trách nhiệm và kế hoạch học tập của bản thân các em”, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa nói.

 

Không ngừng trau dồi kỹ năng nghề nghiệp

 

Tại chương trình Giao lưu doanh nhân - thắp sáng ước mơ khởi nghiệp trong sinh viên do Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa tổ chức vừa qua, các doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã giải đáp thêm về thắc mắc của học sinh, sinh viên liên quan đến việc làm. Họ chỉ ra rằng nhóm ngành nghề đang cần tỉ trọng lao động cao như kỹ thuật công nghệ (công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử…), kinh tế - tài chính - ngân hàng, kiến trúc - xây dựng, du lịch - nhà hàng - khách sạn… Dù học nghề gì thì các em cũng nên có kế hoạch học tập, trang bị nhiều kỹ năng, đặc biệt là ngoại ngữ, giải quyết tình huống… Đây là những lợi thế khi dự tuyển các vị trí việc làm.

 

Trước câu hỏi của nhiều sinh viên “Chúng em nên chọn học nghề có thu nhập cao hay chọn nghề phù hợp với năng lực của bản thân?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang, cho biết nghề nào cũng có thu nhập cao nếu có năng lực thật sự và ngược lại, nếu không có năng lực thì nghề sẽ tự đào thải mình.

 

Thực trạng thị trường lao động luôn diễn biến mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và nhân lực lành nghề chuyên môn. Do đó, luôn xảy ra tình trạng thừa - thiếu cục bộ trong nhu cầu lao động. Có một nghịch lý đang diễn ra tại thị trường lao động nước ta là doanh nghiệp thiếu lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hội nhập, trong khi đó nhiều sinh viên sau khi được đào tạo ra trường phải làm trái ngành, trái nghề, thậm chí thất nghiệp. Doanh nghiệp luôn cần nhiều nhân lực hài hòa cả ba yếu tố: Kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…). Điều này không phải sinh viên nào cũng đạt được. Thực tế tuyển dụng cho thấy, sinh viên có rất nhiều kiến thức về chuyên môn nhưng vẫn khó khăn trong tìm việc, đa phần là do các em yếu kỹ năng. Kết quả học tập không tốt là một hạn chế lớn nhưng kết quả học tập có tốt mà kỹ năng thái độ không tốt thì vẫn không được tuyển dụng.

 

Thị trường lao động trở nên khắt khe nên sinh viên không chỉ học kiến thức chuyên môn mà còn phải trang bị đầy đủ kỹ năng và có thái độ tích cực, hành động tích cực nhằm nắm chắc cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek