Ngày 11/11, tại TP Cần Thơ, Hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam tổ chức hội nghị Tim mạch học can thiệp toàn quốc lần thứ 5. Với chủ đề “Cùng nhau tiến bước”, hội nghị thu hút gần 2.000 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều chuyên gia tim mạch can thiệp hàng đầu ở Việt Nam và các nước: Pháp, Ý, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Singapore, Cuba, Lào…
Hội nghị có nhiều phiên, tập trung vào các chủ đề: Tối ưu hóa điều trị bệnh mạch vành, Ngoại khoa và tim mạch can thiệp, Can thiệp trong tổn thương thân chung và chia nhánh động mạch vành, Can thiệp qua đường ống thông cho rối loạn nhịp tim, Can thiệp cho tổn thương mạn tính động mạch vành, Can thiệp cho các bệnh lý tim bẩm sinh, Can thiệp cho tổn thương mạch không phải động mạch vành… Gần 200 bài báo cáo khoa học do các chuyên gia trình bày tại hội nghị đã mang đến cái nhìn toàn diện về những vấn đề quan trọng trên lĩnh vực tim mạch nội khoa và đặc biệt là cập nhật các tiến bộ trong tim mạch can thiệp.
Đặc biệt, các đại biểu tham dự hội nghị có thể theo dõi một số ca can thiệp do các chuyên gia tim mạch can thiệp hàng đầu thực hiện tại phòng thông tim Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ và được truyền hình trực tiếp, cho thấy những bước tiến ấn tượng của Việt Nam trên lĩnh vực chuyên sâu này.
Chặng đường hơn 20 năm phát triển của tim mạch can thiệp Việt Nam có dấu ấn của các bác sĩ can thiệp tiên phong và thế hệ bác sĩ can thiệp đầu tiên ở Việt Nam - những người đã biến điều tưởng chừng không thể thành có thể. Đến nay, cả nước có hơn 60 trung tâm tim mạch, trong đó hơn 10 trung tâm tim mạch đã thực hiện được các kỹ thuật can thiệp tiên tiến nhất. Tim mạch can thiệp trở thành mũi nhọn của y học Việt Nam hiện đại, có trình độ ngang tầm với y học ở các nước phát triển trên thế giới.
NGỌC LAN