Những ngày qua, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang làm “nóng” nghị trường Quốc hội khi Chính phủ đề xuất trước Quốc hội thông qua việc lùi thời hạn thực hiện chương trình thêm một hoặc hai năm, thay vì thực hiện đúng tiến độ là năm học 2018-2019 như kế hoạch ban đầu.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước Quốc hội cho biết, căn cứ tình hình xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và chuẩn bị điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc đến tháng 9/2017 và cơ sở phân tích lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo yêu cầu của Nghị quyết 88, có thể thấy nếu triển khai theo lộ trình trên thì chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới cũng như điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới chưa bảo đảm. “Nếu triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018-2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng, khó nhận được sự đồng thuận, yên tâm của xã hội”, ông Nhạ cho hay. Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022. Như vậy, so với lộ trình được quy định trong nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ chậm lại một năm ở các lớp tiểu học, hai năm ở các lớp THCS và ba năm ở các lớp THPT.
Là phụ huynh có con gái sẽ vào lớp 1 năm học 2018-2019, tôi thở phào nhẹ nhõm khi Quốc hội đang xem xét vấn đề lùi thời hạn áp dụng chương trình mới. Lúc đầu khi mới công bố chương trình, không riêng gì tôi mà hầu hết phụ huynh có con em sẽ vào lớp 1 trong năm học 2018-2019 khá quan tâm trước thông tin năm học này sẽ thí điểm với cấp tiểu học cả chương trình lẫn bộ sách giáo khoa mới. Ai cũng lo vì con em mình vào lớp 1 sẽ học luôn chương trình mới mà bản thân nhiều phụ huynh chưa hình dung hết về sự thay đổi này. “Việc xin lùi thời hạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là điều cần thiết. Vì lùi thời hạn để bồi đắp chất lượng là điều nên làm”, chị Lê Thị Anh Thư ở huyện Phú Hòa thẳng thắn nói.
Việc lùi lại một năm, tức là năm học 2019-2020 mới áp dụng chương trình mới, cũng tạo điều kiện để các giáo viên chủ động hơn trong tiếp cận, nắm bắt và thực hiện chương trình mới. Đồng thời, bản thân giáo viên cũng không ngồi chờ đợi, mà chủ động từng bước chuẩn bị về hồ sơ dạy học, thay đổi phương pháp, tổ chức hoạt động dạy học theo hướng tích cực… “Khi có chương trình môn học, có sách giáo khoa, giáo viên có thời gian nghiên cứu cũng như tự bản thân mình có những điều chỉnh phù hợp, kết hợp với việc tập huấn, bồi dưỡng từ phía bộ, sở, phòng, chắc chắn giáo viên sẽ chủ động và đáp ứng tốt chương trình mới này”, một giáo viên cho hay.
Việc lùi lại một năm thực hiện chương trình mới và áp dụng theo lộ trình như Chính phủ đề xuất mới đây được nhiều người đồng tình. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Yên, với việc điều chỉnh này, ngành Giáo dục sẽ yên tâm về mặt thời gian để chuẩn bị về cơ sở vật chất hay đưa ra những hướng giải pháp cụ thể cho từng đơn vị.
Quả thật, khi thực hiện một chương trình lớn, có tính đột phá của ngành Giáo dục rất cần có lộ trình phù hợp và có thời gian để lắng nghe ý kiến đóng góp, rút kinh nghiệm, điều chỉnh nếu cần để chương trình được phù hợp nhất, ưu việt nhất.
MẠNH THÚY