Thứ Năm, 07/11/2024 02:33 SA
Khó áp dụng thi THPT quốc gia trên máy tính
Chủ Nhật, 08/10/2017 09:00 SA

Từ năm 2021 trở đi, thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia có thể được làm bài thi trên máy tính thay vì thực hiện bài thi trên giấy như hiện nay. Đây là một trong các thông báo chính thức về kỳ thi này và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2018 vừa được Bộ GD-ĐT công bố. Điểm mới này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của các chuyên gia giáo dục và các trường. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư cho hay, việc tổ chức cho học sinh làm bài thi THPT quốc gia trên máy tính là một ý tưởng hay, tuy nhiên, với lộ trình có thể tiến đến làm bài thi trên máy tính từ năm 2021 như Bộ GD-ĐT đặt ra e rằng khó có thể thực hiện được. Việc áp dụng thi trên máy chỉ khả thi khi áp dụng trên một bộ phận thí sinh, chứ khó có thể triển khai đại trà ở quy mô một kỳ thi quốc gia vì hạ tầng ở các địa phương chưa đảm bảo.

 

Theo các trường, thi trên máy tính có nhiều ưu điểm hơn so với cách thức tổ chức hiện nay như: đảm bảo tính khách quan, giảm thiểu nhiều khâu cồng kềnh, tốn kém trong tổ chức thi… Tuy nhiên, để thực hiện được phương án này, ngoài chuẩn bị phương án tổ chức, đặc biệt là ngân hàng đề thi trực tuyến và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các trường thì việc giúp học sinh làm quen với hình thức thi này cũng phải bắt đầu ngay bây giờ để tránh tình trạng học sinh bỡ ngỡ. “Trước nay, học sinh đã quen với hình thức học và trình bày bài tập trên giấy vở. Do đó, nếu chuyển hình thức làm bài trên giấy sang làm bài trên máy vi tính, các em sẽ không quen. Chẳng hạn như bài thi Ngữ văn, nếu áp dụng thi trên máy tính, học sinh sẽ phải luyện tập cách đánh máy nhanh thì mới có thể làm tốt bài thi”, một giáo viên chia sẻ.

 

Mặt khác, nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính, các thí sinh sẽ không tránh khỏi những lo lắng và lúng túng khi làm bài bởi chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì thế, các em rất dễ mắc các lỗi kỹ thuật do chưa quen sử dụng. Cho nên, để giảm thiểu cũng như tránh “lỗi” thì ngay từ bây giờ học sinh cần phải rèn thêm nhiều kỹ năng và tốc độ gõ bàn phím thuần thục hơn chứ không chỉ là những kiến thức trên sách vở.

 

Nhìn vào tương lai xa hơn, câu hỏi nhiều người quan tâm là kỳ thi THPT quốc gia sẽ còn duy trì tới khi nào? Bởi theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ GD-ĐT công bố, việc đánh giá học sinh sẽ được đổi mới với dự kiến: Việc xét tốt nghiệp THPT sẽ giao cho các trường. Để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Điều này cũng có nghĩa, nếu Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng đại trà thì kỳ thi THPT quốc gia sẽ không còn lý do để tồn tại nữa. Đến nay, dự thảo về chương trình mới này chưa được “chốt” nên phương án trên vẫn còn bỏ ngỏ.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek