Bộ GD-ĐT đã có quy định cụ thể về việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng vì khó khăn về biên chế giáo viên, kinh phí, nên sau 6 năm, nội dung này vẫn chưa được các trường học thực hiện một cách bài bản. Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục triển khai các giải pháp để đẩy mạnh công tác này, nhằm góp phần phát triển nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh.
Hướng đi mới trong dạy kỹ năng sống
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, năm học 2017-2018, Trường phổ thông Duy Tân(TP Tuy Hòa) đã đưa giáo dục kỹ năng sống vào dạy chính khóa thay vì lồng ghép. Để công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chuyên nghiệp và bài bản, nhà trường đã tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Tâm lý giáo dục. Chương trình học được đầu tư để thu hút học sinh bằng cách sử dụng giáo án điện tử, các giáo cụ trực quan sinh động, phương pháp làm việc nhóm, thảo luận, chơi trò chơi vận động, đóng kịch, đố vui… Một số bài được thiết kế dưới dạng mô phỏng các gameshow truyền hình nổi tiếng, xem phim, thực hành giải quyết tình huống để học sinh tự suy ngẫm, rút ra ý nghĩa bài học.
Không dừng lại ở những tiết học trên lớp, nhà trường còn khuyến khích học sinh trao đổi các vướng mắc với giáo viên qua facebook; đồng thời tăng cường tổ chức các buổi thực hành, dã ngoại. Mới đây, nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi 1/10 và Tết Trung thu, trường đã tổ chức cho học sinh khối lớp 10, 11 làm lồng đèn trung thu, thăm và tặng quà cho người có công, người già không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, người khuyết tật, người tâm thần lang thang đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh. Em Nguyễn Thị Mỹ Thương, học sinh lớp 11S4B, chia sẻ: “Trước đây, em chỉ lo học, rất ít tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Tuy nhiên, qua buổi thiện nguyện này, em thấy mình cần phải chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn và sống vì cộng đồng hơn. Em rất thích giờ học giáo dục kỹ năng sống của trường vì được học những bài học bổ ích, có thêm kỹ năng để giải quyết các tình huống trong cuộc sống”.
Thầy Phạm Văn Tín, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Duy Tân, cho hay: “Bên cạnh dạy chữ, việc dạy làm người, những kỹ năng mềm cũng rất quan trọng. Thực tế cho thấy, những học sinh có kỹ năng sống tốt, sau này sẽ dễ tìm được việc làm và thành công trong cuộc sống. Sắp tới, nhà trường sẽ tuyển dụng thêm giáo viên dạy kỹ năng sống và mời các chuyên gia để chia sẻ với học sinh về các vấn đề liên quan đến tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên”.
Không chỉ trong các trường phổ thông, ở các trường mầm non, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cũng đã được coi trọng. Để giúp trẻ trang bị kỹ năng sống, từ đó định hướng phát triển một cách tốt nhất, nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã mở các lớp dạy Aerobic, bơi lội… Bên cạnh đó, các trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu thế giới xung quanh. Trường mầm non Baby (TP Tuy Hòa) thời gian qua, được biết đến như một điểm sáng trong công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Vào những dịp lễ, trường thường tổ chức các hoạt động ngoài trời cho trẻ như: Lễ hội ẩm thực dân gian, tham quan các di tích trong thành phố, Bảo tàng tỉnh… Ngoài ra, nhà trường còn cho trẻ tham quan Thư viện tỉnh, tổ chức các hoạt động như: kể chuyện, tổ chức trò chơi kích thích niềm yêu thích đọc sách trong trẻ… “Tham gia các hoạt động thực tế này, trẻ được tận mắt thấy và trải nghiệm thực tế, từ đó tạo nên vốn sống, là nền tảng cho sự phát triển nhân cách của trẻ”, bà Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Baby cho hay.
Tăng cường bồi dưỡng giáo viên
Giáo dục kỹ năng sống trong trường học rất cần thiết, giúp học sinh có ý thức làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội. Từ năm học 2011-2012, ngành Giáo dục đã đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa trong các trường. Tuy nhiên, sau 6 năm, việc triển khai chưa thực sự hiệu quả, hầu hết các trường và giáo viên giảng dạy đều “tự bơi” bởi chưa có tài liệu chính thống nào dạy kỹ năng sống do Bộ GD-ĐT cung cấp. Cũng vì “tự bơi” nên mỗi trường làm một cách dựa theo năng lực và điều kiện của mình. Thêm vào đó, có thể thấy hiện nay, việc giáo dục kỹ năng sống tại các trường phổ thông mới chỉ dừng lại ở những tiết học giáo dục công dân, những giờ sinh hoạt ngoại khóa, thậm chí là lồng ghép trong một số môn Tiếng Việt, Mỹ thuật... mà chưa trở thành một môn học riêng. Giáo viên dạy riêng môn học này cũng chưa có, hầu hết là kiêm nhiệm.
Ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên), cho biết Bộ GD-ĐT cho xuất bản, tổ chức thẩm định và ban hành hai bộ tài liệu về kỹ năng sống, gồm bộ 15 cuốn dành cho giáo viên về giáo dục kỹ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục ở tiểu học, THCS, THPT và 9 cuốn “Thực hành kỹ năng sống” dành cho cấp tiểu học và THCS do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn chủ biên. “Từ thực tiễn “loạn” sách kỹ năng sống và việc dạy, học kỹ năng sống “mỗi nơi một kiểu”, việc Bộ GD-ĐT ban hành bộ sách kỹ năng sống đạt chuẩn sẽ phần nào giúp các trường và học sinh hiểu thấu đáo, chính xác hơn về môn học này. Đồng thời có thêm cơ sở để xây dựng giáo án, thiết kế bài giảng lồng ghép kỹ năng sống vào các môn học một cách hợp lý, đúng hướng và hấp dẫn”, ông Luyện nói.
Ngành GD-ĐT Phú Yên rất quan tâm, coi trọng công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành đặt ra trong năm học 2017-2018. Ngành sẽ tăng cường tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách giảng dạy kỹ năng sống trong các trường học. Đồng thời, sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua việc tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân; tích hợp, lồng ghép trong các môn học liên quan, các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm và các hoạt động giáo dục khác đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nội dung giáo dục dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp lứa tuổi…
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư |
KHÁNH HÀ