Thứ Năm, 07/11/2024 23:37 CH
Tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng chuối để đạt hiệu quả kinh tế
Thứ Hai, 18/09/2017 09:41 SA

Mô hình trồng chuối cấy mô cho năng suất cao tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh - Ảnh: THÁI HÀ

Chuối là loại cây trồng phổ biến được trồng ở rất nhiều vườn cây ăn trái và hộ gia đình. Tuy nhiên hiện nay, người trồng chuối chủ yếu canh tác theo lối quảng canh nên năng suất thấp. Nhằm giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây chuối cấy mô cho người dân trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN) đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng chuối cấy mô ở một số địa phương trong tỉnh.

 

Kỹ thuật “lạ” trên cây trồng quen

 

Trong tháng 8 và tháng 9, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ đã hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối cấy mô tại TP Tuy Hòa, các huyện Đông Hòa, Sông Hinh và hai xã của huyện Tuy An. Dù ở địa phương nào, những kỹ thuật này cũng được người dân đón nhận rất nhiệt tình; bởi qua những buổi tập huấn, người dân vỡ ra nhiều kiến thức khá mới được áp dụng trên cây trồng được xem là phổ biến hiện nay.

 

Tại buổi hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối tại xã An Thọ, huyện Tuy An, lão nông Phạm Tường không ngừng đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác cho các báo cáo viên. Bởi ông thừa nhận rằng, mặc dù trồng chuối đã hơn 30 năm nhưng có những bệnh trên cây chuối ông vẫn bó tay và có nhiều kỹ thuật áp dụng nhiều lần mà vẫn thất bại. Hiện tại, ông Phạm Tường có khoảng 1,5ha chuối mốc được ông chăm chút rất kỹ lưỡng nhưng vẫn tham gia sôi nổi các lớp tập huấn để am hiểu thêm về kỹ thuật trồng chuối.

 

Ông Phạm Tường chia sẻ: “Thói quen của người dân trồng chuối trước giờ vẫn là cứ vào đầu mùa mưa bứng chuối con từ các cây mẹ để trồng. Sau đó, cây lớn được bao nhiêu thì lớn, ra bao nhiêu trái thì ra. Những năm mưa thuận gió hòa, chuối cho sản lượng tốt, còn ngược lại thì mất mùa vì người dân không làm chủ được cây trồng này. Sau, tôi có nghe đến chuối cấy mô, nhưng cách trồng nghe đâu không giống với cách làm thông thường nên tôi tham gia tập huấn để biết cách trồng”.

 

Tuân thủ quy trình chăm sóc để đạt hiệu quả kinh tế

 

Theo kỹ sư Lê Văn Hậu, Trưởng Trạm thực nghiệm sinh học Hòa Quang, chuối là loại cây trồng ngắn ngày, cho nhiều công dụng và ít chiếm diện tích nên được trồng khá phổ biến trên cả nước. Tuy nhiên, tại Phú Yên, những vườn chuối chủ yếu phân tán lẻ tẻ, chưa tập trung và kỹ thuật trồng chuối cũng chưa được người dân nắm bắt đầy đủ. Để chuối cho năng suất cao, chất lượng tốt, người dân nên sử dụng chuối cấy mô và tuân thủ theo đúng kỹ thuật canh tác.

 

Chuối cấy mô được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, từ mẫu chồi cây con chuối mẹ được đưa vào phòng thí nghiệm để nhân giống trong điều kiện vô trùng. Trong quá trình nuôi cấy, các loại mầm bệnh của chuối được sàng lọc, loại bỏ dần nên khá sạch bệnh. Bên cạnh đó, giống chuối cấy mô có ưu điểm dễ vận chuyển, dễ nhân nhanh với số lượng lớn, có tính đồng nhất nên người trồng có thể điều chỉnh được thời gian ra hoa và cho trái với năng suất cao hơn 25% so với trồng các cây con khác…

 

Tuy nhiên, khi trồng chuối cấy mô, người dân lưu ý một số điểm sau. Cụ thể, cây có thể trồng quanh năm nhưng cây giống phải đạt chiều cao 20-30cm và có 4 lá, cây không sâu bệnh với khoảng cách trồng thích hợp nhất là 3x3m. Trong suốt quá trình sinh trưởng, cây chuối cần được cung cấp đủ nước, bón phân theo định kỳ để cho năng suất cao. Ngoài ra, mỗi tháng, người dân cần kiểm tra một lần để tỉa bỏ cây con kịp thời, tránh các cây cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng. Trong điều kiện chăm sóc tốt, có thể chừa các cây con gối nhau (1 cây mẹ, 2 cây con, các chồi mọc cách nhau 4 tháng), thời gian tỉa là tháng thứ 4, 5 sau khi trồng. Sau khi buồng chuối có 8-10 nải thì tiến hành bẻ bắp và (cách 2-3 ngày) dùng bao nhựa dẻo có lỗ đục bao túm ở cuống quày, để trống bên dưới để bảo vệ vỏ, hạn chế côn trùng phá hoại. Từ trổ buồng đến khi thu hoạch mất khoảng 80-90 ngày tùy theo nhiệt độ và ẩm độ. Sau khi thu hoạch, cây mẹ cần được cắt bỏ, đưa toàn bộ ra khỏi vườn hoặc thu gom thành đống, xử lý ủ làm phân. Người trồng chuối cũng lưu ý, rễ của cây chuối có hai loại là rễ cái và rễ ngang. Rễ cái có thể phát triển dài 5-10m và sâu 0,75m. Từ rễ cái sẽ mọc ra các rễ nhánh ngang có đường kính nhỏ hơn rễ cái từ 1-2mm. Rễ nhánh ngang có nhiều lông hút để hút nước và muối khoáng nuôi cây nên người ta gọi là rễ dinh dưỡng. Rễ nhánh ngang thường mọc cạn trong tầng đất từ 15-30cm và mọc gần cuối rễ cái vì vậy khi bón phân, không nên bón phần gốc chuối.

 

Với nhiều kiến thức bổ ích mang lại từ buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Thận ở thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An, phấn khởi ghi nhận: “Cây chuối ở xã An Thọ gắn bó rất mật thiết với người dân. Từ khi tôi lấy chồng về đây, tất tần tật từ xây nhà cửa, mua sắm món này món kia hay tiêu dùng trong gia đình hàng ngày đều thu nhập từ cây chuối cả. Tuy nhiên, vườn chuối của chúng tôi là chuối lưu niên, gốc từ năm này qua năm khác, cây con mọc lên bao nhiêu để bấy nhiêu và chủ yếu ăn nước trời nên năng suất thấp. Khi được hướng dẫn trồng chuối cấy mô, người dân chúng tôi rất vui. Sau tập huấn, chúng tôi có thể áp dụng những kỹ thuật này vào việc chăm sóc vườn chuối hiện có và chuyển đổi dần sang trồng chuối cấy mô”.

 

AN NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek