Thứ Năm, 07/11/2024 23:28 CH
Lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ:
Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Thứ Hai, 18/09/2017 14:00 CH

Áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến tại Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung - Ảnh: THÁI HÀ

Ngày 19/6, UBND tỉnh ra Chỉ thị 13/CT-UBND về việc khuyến khích thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN) của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Để triển khai chỉ thị này, Sở KH-CN đã mở lớp tập huấn nhằm cung cấp các thông tin liên quan đến việc thành lập quỹ, tầm quan trọng của quỹ trong việc góp phần đổi mới công nghệ trong sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

 

Khuyến khích lập quỹ KH-CN

 

Theo ông Dương Ngọc Anh, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và an toàn bức xạ, hạt nhân (Sở KH-CN), hiện nay, các doanh nghiệp đều chú trọng đầu tư vào hoạt động KH-CN (thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất) nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong các loại hình doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý để khuyến khích thành lập quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp.

 

Theo quy định, đối với doanh nghiệp nhà nước, nguồn gây quỹ được trích từ 3-10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp và tỉ lệ trích cụ thể căn cứ vào khả năng và nhu cầu sử dụng nguồn vốn cho hoạt động KH-CN; các doanh nghiệp khác tự quyết định mức trích cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ. Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp được chi cho các hoạt động như trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động KH-CN của doanh nghiệp; mua máy móc, thiết bị; trả tiền công, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH-CN để thực hiện các hoạt động KH-CN của doanh nghiệp; chi cho các hoạt động sáng kiến; chi cho đánh giá, thử nghiệm, kiểm chuẩn; chi phí quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ mới; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; chi nghiên cứu thực hiện dự án, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới...

 

Việc trích lập quỹ mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích. Một trong những lợi ích dễ nhận thấy nhất đó là doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khi quyết toán thuế. Ngoài ra, nguồn quỹ này còn phục vụ cho quá trình nghiên cứu, phát triển KH-CN cho chính doanh nghiệp, tạo động lực quan trọng để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

 

Tăng sức cạnh tranh

 

Cũng theo ông Dương Ngọc Anh, mặc dù từ năm 2007, đã có nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn việc xây dựng quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có những bước tiến mạnh mẽ trong hoạt động này; bởi nhiều doanh nghiệp cho rằng việc lập, quản lý và sử dụng quỹ khá rắc rối nên không tiến hành trích lập. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các quốc gia hàng đầu về công nghệ cho thấy nền tảng của sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp là không ngừng phát triển đổi mới công nghệ. Vì vậy, trích lập Quỹ phát triển KH-CN là cách giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH-CN để nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

 

Thực tiễn cho thấy, phát triển KH-CN, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp về giá cả cũng như chất lượng. Vì vậy, thời gian qua, trong tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhờ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo nên nhiều doanh nghiệp KH-CN vẫn trụ vững, thậm chí còn phát triển hơn.

 

Là người đi tiên phong trong việc áp dụng KH-CN vào sản xuất phân bón, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina cho biết, vào tháng 3/2017, sau gần 2 năm tích cực triển khai dự án nhà máy sản xuất phân bón NPK tháp cao đầu tiên tại Việt Nam, dự án đã được cấp phép đưa vào khai thác, sử dụng. Không chỉ đầu tư vào thiết bị, máy móc, công ty còn tổ chức cho công nhân, kỹ thuật viên tham gia các khóa huấn luyện tại chỗ và cộng tác làm việc với chuyên gia nước ngoài trong quá trình lắp đặt, hiệu chỉnh, nghiệm thu các hệ thống thiết bị… Với công nghệ tháp cao phối hợp các công nghệ sản xuất hiện có của công ty như ép cơ học, phối trộn nguyên liệu rời, đã nâng công suất nhà máy lên 150.000 tấn/năm, tạo thành tổ hợp sản phẩm dịch vụ liên hoàn đa dạng, cung cấp sản phẩm chuyên dùng cho từng loại cây trồng; nâng năng lực cạnh tranh của công ty, góp phần cạnh tranh hàng ngoại nhập...

 

Chia sẻ về việc xây dựng quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Phong cho biết: “Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng nhằm tăng cường hoạt động KH-CN, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị. Việc xây dựng quỹ không quá khó khăn nên thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập quỹ này để hỗ trợ thực hiện hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới”.

 

Nhấn mạnh vai trò của quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, ông Dương Bình Phú, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, các doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay chưa chú trọng đầu tư nghiên cứu các thành tựu khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nên sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng chưa cao, chưa theo kịp với trào lưu hội nhập quốc tế. Vì vậy việc thành lập quỹ chính là để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH-CN, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển lâu dài bền vững.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek