Sáng 22/8, trao đổi với PV Báo Phú Yên, thầy Lương Văn Chinh, giáo viên Tin học, Trường THCS Nguyễn Tất Thành (huyện Tây Hòa), cho biết: 51 giáo viên bị UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đã gửi đơn khiếu nại lên UBND huyện Tây Hòa, Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa, Sở Nội vụ Phú Yên, Sở GD-ĐT Phú Yên, UBND tỉnh và các cơ quan báo chí trong tỉnh.
Để làm rõ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa là trái với Bộ luật Lao động năm 2012 của Chính phủ, trong đơn khiếu nại đã trích dẫn các căn cứ như:
Điều 22 về loại hợp đồng lao động:
“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1. Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng. (Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn).
Tuy nhiên, các giáo viên này đã ký đến 4 hợp đồng xác định thời hạn liên tục là trái với quy định.
Khoản 3 Điều 155 quy định: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của bộ luật này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản”. Như vậy, việc cắt hợp đồng với cô: Ngô Thị Thu đang mang thai, Trần Thị Hiền đang nuôi con nhỏ 7 tháng tuổi và các giáo viên khác là trái với quy định.
Trong đơn khiếu nại, có đoạn: “Khi Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa thông báo cắt hợp đồng lao động, bản thân chúng tôi rất hoang mang, lo lắng, mất phương hướng trong cuộc sống, không biết phải làm gì trong thời gian tới vì tuổi của chúng tôi đã lớn không còn cơ hội tìm kiếm việc làm, chúng tôi lấy gì để nuôi con, gia đình chúng tôi phải làm sao. Hơn nữa trong số chúng tôi có người đang mang thai, có người nuôi con nhỏ dưới 12 tháng ai tuyển chúng tôi làm việc nữa. Chúng tôi cũng không đồng ý với việc chấm dứt hợp đồng lao động của UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa với chúng tôi, vì lý do UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện Tây Hòa không chỉ làm trái Bộ luật Lao động hiện hành, mà còn không dựa trên thực tiễn khách quan để giải quyết. Chúng tôi cho rằng lỗi ở đây có thể từ các bộ phận chuyên trách không thực hiện việc tham mưu tới ban lãnh đạo nên đã dẫn đến sai phạm đáng tiếc này”.
Thầy Chinh cho biết thêm: 51 giáo viên bị cắt hợp đồng đã liên hệ với luật sư Nguyễn Khả Thành - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, để tư vấn. Một luật sư cũng đã nhận lời tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các giáo viên nếu khởi kiện mà không tính phí.
Liên hệ bà Trương Thị Dân, Trưởng Phòng GD-ĐT Tây Hòa về việc 13 giáo viên thi trượt kỳ thi tuyển viên chức năm 2015 nhưng vẫn được huyện ký hợp đồng lại, bà Dân thừa nhận có thực hiện việc đó, nhưng bà không thể nói chi tiết được.
KHÁNH HÀ - VÕ PHÊ (ghi)