Nhiều thí sinh cho rằng, ngoài báo chí và luật ra, hầu hết các ngành thuộc nhóm Khoa học xã hội – nhân văn (KHXH-NV) khó xin được việc làm hoặc nếu có xin được việc thì thu nhập cũng thấp. Tuy nhiên, thực tế không phải như các em đã nghĩ.
TS Phạm Tấn Hạ tư vấn chuyên sâu cho các thí sinh quan tâm đến nhóm ngành KHXH-NV - Ảnh: MẠNH THÚY |
Hiện cả nước có rất nhiều trường đào tạo nhóm ngành KHXH-NV. Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh, những trường đại học có đào tạo khối ngành này có thể kể đến như đại học KHXH-NV TP Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), đại học Văn Hiến, đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đại học Sài Gòn, đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh...
Tại phần tư vấn chuyên sâu theo từng nhóm ngành thuộc Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017, nhóm ngành KHXH-NV thu hút rất nhiều sự quan tâm của thí sinh, đặc biệt là thí sinh nữ. Nhiều em dự định thi khối C nhưng băn khoăn trước con số chỉ tiêu tuyển sinh khối này không nhiều và cơ hội việc làm của các ngành xã hội “có vẻ cũng không nhiều lắm”. Băn khoăn đó đã được TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học KHXH-NV TP Hồ Chí Minh, giải đáp cặn kẽ.
TS Phạm Tấn Hạ cho biết, nhiều người cho rằng nhóm ngành KHXH-NV ít cơ hội việc làm, lương không cao. Tuy nhiên, cơ hội việc làm của nhóm ngành này rất rộng mở. Những sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành KHXH-NV đều dễ dàng tìm được việc làm tại các lĩnh vực như: giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, làm hướng dẫn viên du lịch, marketing, quản trị du lịch, làm việc tại các cơ quan nghiên cứu và quản lý văn hóa, các tổ chức văn hóa, chính trị, xã hội giáo dục khoa học, các tổ chức nước ngoài, làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền hình hoặc truyền thông, công ty tổ chức sự kiện... Thực tế cho thấy, rất nhiều sinh viên thuộc nhóm ngành này ra trường đã thành công ở những lĩnh vực khác nhau. Đó có thể là những công việc theo đúng chuyên ngành, cũng có khi là những ngành nghề khác nhưng lại cần kiến thức về xã hội và nhân văn.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, cho đến nay, điểm đầu vào cao nhất của Trường đại học KHXH-NV TP Hồ Chí Minh vẫn thuộc các ngành Báo chí truyền thông, Ngôn ngữ Anh và Quan hệ quốc tế. Sức hút của các ngành này có tỉ lệ thuận với khả năng việc làm của những ngành này sau khi ra trường. Nhất là những sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ Anh và Quan hệ quốc tế có nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao. Riêng ngành Xã hội học, tuy không phải là ngành có điểm đầu vào cao nhất trường nhưng trong những năm gần đây có sức thu hút thí sinh khá cao. Tuy nhiên, vì ngành Xã hội học cần rất nhiều kỹ năng thực hành chuyên nghiệp, không đơn thuần chỉ là làm công tác nghiên cứu xã hội như nhiều người nhầm tưởng, vậy nên người học cần có thái độ kiên nhẫn trong quá trình theo học chuyên ngành này. Ngoài ra, một yêu cầu không kém phần quan trọng đối với một người làm nghề xã hội học, đó là khả năng giao tiếp tốt và tính nhân văn vì đối tượng trực tiếp làm việc là con người.
Một ngành học khác cũng được rất nhiều thí sinh nữ quan tâm, đó là ngành Tâm lý học. Theo thầy Hạ, đây cũng là một trong những ngành có vị trí việc làm khá đa dạng và phong phú. Có thể trở thành giáo viên giảng dạy tâm lý học, chuyên viên tham vấn tâm lý trong các công ty, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lý. Hay làm nhân viên bộ phận nhân sự, tiếp thị, quảng cáo, nghiên cứu thị trường… trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, các lĩnh vực xã hội khác nhau. Chưa kể sinh viên ra trường còn có thể làm việc tại các viện, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học, cơ quan pháp luật, điều tra tâm lý tội phạm…
Thầy Hạ nhắn nhủ, để học tốt và tìm được việc làm đối với các ngành thuộc nhóm KHXH-NV, ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn phải nỗ lực trang bị rất nhiều kỹ năng mềm.
MẠNH THÚY