Sáng 10/3, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Phạm Văn Cường cùng các Phó Giám đốc, trưởng các phòng chuyên môn của sở này đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Tuy Hòa về công tác GD-ĐT trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Võ Ngọc Kha phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: THÚY HẰNG |
Nhiều bất cập, tồn tại
Tại buổi làm việc, Sở GD-ĐT cho biết, trong quá trình kiểm tra, giám sát về việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Chỉ thị 3031 của Bộ GD-ĐT và Chỉ thị 18 của UBND tỉnh về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 của ngành Giáo dục Phú Yên đối với ngành Giáo dục TP Tuy Hòa, Sở GD-ĐT đánh giá, bên cạnh những ưu điểm mà ngành Giáo dục TP Tuy Hòa đạt được như tỉ lệ huy động cháu đến lớp ở các độ tuổi đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; trong hai năm học 2014-2015 và 2015-2016 và học kỳ 1 năm học 2016-2017 không có học sinh bỏ học ở cấp tiểu học; hiệu quả đào tạo cấp tiểu học, THCS khá cao… thì địa phương này cũng xuất hiện những tồn tại, hạn chế mà rất cần được lãnh đạo thành phố tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo Sở GD-ĐT, một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay của ngành Giáo dục thành phố là tình trạng thừa thiếu nhân viên, giáo viên, thiếu đội ngũ quản lý trong thời gian dài. Hiện toàn thành phố thiếu 19 cán bộ quản lý, trong đó có 11 hiệu trưởng, 8 phó hiệu trưởng (mầm non: 4, tiểu học: 7, THCS: 8). Đề án Thuyên chuyển cán bộ quản lý, giáo viên của UBND thành phố được triển khai trong các năm qua, ngoài những ưu điểm thì cũng có một số điểm bất cập, chưa hợp lý làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục các cấp. Cụ thể như, Trường mầm non Hướng Dương hiện thừa 4 giáo viên, trong khi đó Trường mầm non Hòa Kiến lại thiếu 3 giáo viên và 1 phó hiệu trưởng, gây khó khăn và ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục của nhà trường. Hay như Trường tiểu học Trần Nhân Tông, cùng một lúc cả Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng chuyển đi trường khác, đồng thời chuyển gần hết số giáo viên của trường có dạy mô hình Trường học mới đi trường khác, gây khó khăn cho trường trong việc dạy theo mô hình này…
Công tác đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp học của thành phố còn hạn chế, nhất là phòng học, phòng thiết bị, các phòng chức năng, phòng thư viện, nhà vệ sinh… chưa đáp ứng quy mô phát triển của đơn vị. Nhất là khoảng 10 năm nay, diện mạo của giáo dục mầm non thành phố hầu như không thay đổi, nhiều trường mầm non công lập trọng điểm xuống cấp. Bà Trần Ngọc Phương Thảo, Phó Trưởng phòng phụ trách Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Phú Yên), thẳng thắn đánh giá: “So với các đơn vị huyện trong tỉnh thì giáo dục mầm non của TP Tuy Hòa có phần giảm sút, nhất là về cơ sở vật chất trường lớp học”.
Cơ sở vật chất yếu và thiếu; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên điều động, bố trí chưa hợp lý, kịp thời… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo của các trường, nhất là phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của địa phương này. Hiện tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học của thành phố thấp so với các huyện Phú Hòa, Đông Hòa.
Phòng GD-ĐT cần làm tốt công tác tham mưu
Ghi nhận các vấn đề mà Sở GD-ĐT đánh giá, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Võ Ngọc Kha cho biết, trước mắt, UBND thành phố tạm dừng việc thực hiện đề án luân chuyển cán bộ, giáo viên để đánh giá rút kinh nghiệm những cái được và chưa được trong quá trình thực hiện đề án này. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu lãnh đạo Phòng GD-ĐT phải xem lại vấn đề tham mưu trong công tác quy hoạch cán bộ của ngành (không thể không có công tác quy hoạch cán bộ); phải chặt chẽ, công khai minh bạch và dân chủ trong công tác cán bộ để hạn chế tình trạng có đơn thư khiếu nại, khiếu kiện. Không thể để tình trạng các trường thiếu cán bộ quản lý như hiện nay.
Về cơ sở vật chất, ông Võ Ngọc Kha đề nghị Trưởng Phòng GD-ĐT thành phố Lê Thị Thanh Thủy phải rà soát lại xem trường nào thiếu cái gì, cần bổ sung điều kiện gì để đảm bảo tiêu chí trường chuẩn quốc gia để lãnh đạo thành phố có hướng giải quyết kịp thời, không thể để tình trạng học sinh trên địa bàn thành phố học tập trong môi trường giáo dục chưa tốt so với các trường học khác trên địa bàn tỉnh.
Để kịp thời tháo gỡ những tồn tại hiện nay của ngành Giáo dục thành phố, đồng chí Lương Mộng Sanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa chỉ đạo: Trước mắt, Phòng GD-ĐT thành phố phải tham mưu cho lãnh đạo thành phố để hoàn thành công tác bổ nhiệm mới 19 cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục đang thiếu, đồng thời bổ nhiệm thêm 1 phó trưởng phòng GD-ĐT thành phố đang thiếu (cần chọn người có chuyên môn). Và ngay trong tháng 3 này, Trưởng Phòng Nội vụ và Trưởng Phòng GD-ĐT thành phố phải phối hợp rà soát, thống kê lại đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục để tham mưu UBND thành phố thực hiện triệt để việc điều động, luân chuyển giáo viên do thừa, thiếu cục bộ trong ngành; giáo viên cấp THCS đang dạy chéo chuyên môn đào tạo và bổ sung nhân viên cho các cơ sở giáo dục hiện nay đang thiếu.
Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để đến năm 2020 đạt tỉ lệ trường chuẩn quốc gia đúng chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI giai đoạn 2015-2020, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị các bộ phận tham mưu phải rà soát, nắm chắc các tiêu chí về trường chuẩn để có sự tham mưu phù hợp, để việc đầu tư đến đâu chắc đến đó, tránh tình trạng phải kiểm tra đi kiểm tra lại trong quá trình xét công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Sở GD-ĐT rất mừng khi lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Tuy Hòa đã có những chỉ đạo “nóng” trong việc tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, tồn tại của ngành Giáo dục thành phố. Sở GD-ĐT mong rằng, lãnh đạo TP Tuy Hòa tiếp tục có sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể hơn nữa đối với những bộ phận có liên quan để những tồn tại bất cập này sớm được giải quyết, để ngành Giáo dục TP Tuy Hòa phát triển bền vững, xứng đáng là trung tâm văn hóa giáo dục của tỉnh.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Phạm Văn Cường |
THÚY HẰNG