Để chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân, dễ xin được việc làm sau khi ra trường, đó là mong muốn của đa số thí sinh khi tham gia Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017.
Học giỏi sẽ không lo thất nghiệp
Tại Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017 vừa được Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Phú Yên, hàng loạt câu hỏi được nhiều thí sinh thắc mắc tập trung vào vấn đề học ngành nào dễ kiếm việc làm. “Em rất băn khoăn không biết chọn ngành nào để học. Em muốn nhờ ban tư vấn cho biết nên học những ngành nào để dễ xin việc làm sau khi ra trường?”, Lê Như Hoài Thảo, học sinh Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa), đặt câu hỏi. Tương tự, một học sinh khác ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh thắc mắc: “Những ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao như hiện nay, liệu 4-5 năm nữa khi chúng em ra trường, nhu cầu nhân lực của các ngành ấy có còn “hot”?”. Nhiều thí sinh cũng bày tỏ sự lo lắng trước thông tin sinh viên ra trường không có việc làm…
Tư vấn cho các em, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, cho rằng trong vấn đề việc làm quan trọng nhất là do bản thân sinh viên quyết định. Nếu tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi trở lên, tự trang bị nhiều kỹ năng mềm, ngoại ngữ tốt… chắc chắn các em sẽ tìm được việc làm tốt. TS Lê Tuấn Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cũng có cùng quan điểm này. TS Lộc nói: “Bất cứ ở ngành nào, trường nào nếu em tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc đều rất dễ xin việc. Điều quan trọng là các em phải chọn ngành mà mình thích chứ không phải vì ngành đấy “hot”, thời thượng. Một khi các em học tập với sự hứng thú, say mê thì đó sẽ là động lực để thành công sau này”. ThS Lương Đình Thành, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cũng khẳng định: “Cơ hội việc làm rất nhiều, nhưng tùy thuộc vào bản thân sinh viên. Chúng ta không nên quan tâm nhiều đến những ngành “hot” mà cần phải tạo ra con người “đỉnh”. Đó là phải giỏi ngoại ngữ, vững chuyên môn, trang bị được nhiều kỹ năng mềm… Nếu các em có sự “vượt trội” như vậy thì không phải lo thất nghiệp, thậm chí các em còn có thể đặt ngược vấn đề với nhà tuyển dụng về mức thu nhập, điều kiện làm việc…”.
Còn về những thông tin sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhiều, các chuyên gia tư vấn cho rằng, con số này không hoàn toàn chính xác. Theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, thực tế nhiều sinh viên ra trường nhưng chấp nhận “tự thất nghiệp”. Đó là những sinh viên học ở các thành phố lớn sau khi tốt nghiệp không muốn trở về địa phương nên chưa tìm được việc. Hoặc nhiều sinh viên do yêu cầu mức lương cao hơn nên không chấp nhận làm việc ở các nơi có mức lương không như mong muốn.
Bám sát nhu cầu thực tế
Sau khi ra trường có thể dễ dàng tìm được một công việc phù hợp, cơ hội thăng tiến cao là mơ ước của rất nhiều sinh viên. Do đó, việc tìm hiểu nhu cầu của xã hội trước khi bắt tay vào học một ngành nào đó là cực kỳ quan trọng. Theo các chuyên gia tư vấn, ở thời điểm hiện tại, ngành nào thiếu nhân lực thì lương cao nhưng tính về lâu dài, đến một thời điểm nào đó sẽ có sự điều chỉnh tự nhiên. Vì vậy, ngoài yếu tố ngành học, thí sinh cũng cần cân nhắc tùy từng trường và chất lượng đào tạo bởi ngành dù “hot” đến mấy nhưng chất lượng đào tạo kém thì thí sinh cũng sẽ khó xin việc khi ra trường. Nguyễn Thế Anh, học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự, cho biết: “Trước khi đến với chương trình tư vấn này, em quan tâm đến các ngành kỹ thuật, đặc biệt là ngành cơ khí ô tô và cơ khí chế tạo máy nhưng không biết các ngành học này có dễ kiếm được việc làm tốt không. Sau khi được các thầy tư vấn, em biết được cả hai ngành này đều có triển vọng trong tương lai nên em rất mừng”.
Thực tế tuyển sinh những năm trước cho thấy, nhóm ngành nông - lâm - ngư rất ít thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, nhóm ngành học này có rất nhiều cơ hội kiếm việc bởi theo phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020, nguồn nhân lực trong ngành nông - lâm - ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Sinh viên ra trường không phải làm các công việc ở ngoài đồng lúa hay trên rừng như nhiều người vẫn nghĩ, mà các em sẽ làm các công việc nghiên cứu, chế tạo…
Mỗi ngành đều có thế mạnh riêng ứng với sở thích, đam mê của mỗi thí sinh. Qua tìm hiểu và được các thầy tư vấn, các thí sinh đã hiểu rõ hơn rằng việc chọn ngành học dễ tìm việc làm sau khi ra trường rất quan trọng. Vậy nên để có một việc làm tốt sau này, thí sinh không nên đua theo các ngành nghề “cao sang” mà nên chọn ngành phù hợp với năng lực, sở thích của chính mình. Vì có phù hợp với khả năng thì các em mới có thể học giỏi. Vì có thích thì mới học tốt và hẳn nhiên cơ hội việc làm sau tốt nghiệp luôn dành cho những ai có kết quả học tập tốt nhất.
THÚY HẰNG