Thứ Bảy, 30/11/2024 01:36 SA
Xác định cơ chế bồi lấp, sạt lở cửa biển
Thứ Hai, 05/12/2016 09:42 SA

Gia cố bờ kè phía bắc cửa biển Đà Diễn bị sạt lở hồi đầu năm 2016 - Ảnh: PV

Nhiều năm nay, hiện tượng bồi lấp và sạt lở tại 2 cửa biển Đà Diễn, Đà Nông đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con ven sông, nhất là gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào. Hội thảo với đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học để xác định cơ chế bồi lấp, sạt lở và đề xuất các giải pháp ổn định các cửa biển Đà Diễn và Đà Nông tỉnh Phú Yên phục vụ phát triển bền vững cơ sở hạ tầng và kinh tế xã hội” do Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức tại TP Tuy Hòa mới đây, đã tiếp tục xác định nguyên nhân, cơ chế bồi lấp, sạt lở tại 2 cửa sông này.

 

Tiếp cận tích hợp

 

Theo nhóm tác giả đề tài, những nghiên cứu trước đây tại cửa Đà Diễn, Đà Nông chưa được xem xét một cách thấu đáo các yếu tố tương tác động lực, động lực biển và tổng thể tác động của ba nhóm nguyên nhân: nội sinh, ngoại sinh và nhân sinh. Hầu hết chỉ tập trung vào các nhóm nguyên nhân ngoại sinh nên chưa làm rõ được cơ chế, bản chất vật lý của các hiện tượng bồi xói. Vì vậy, giải pháp kè chống xói và nạo vét đang thực hiện chỉ mang tính chất đối phó khẩn cấp, cục bộ; đồng thời chưa được xem xét đầy đủ nguyên nhân nhằm đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như định hướng phát triển kinh tế biển, do vậy chưa mang lại hiệu quả tổng thể cho toàn bộ khu vực cửa biển.

 

PGS-TS Trần Ngọc Anh, Chủ nhiệm Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường đại học Khoa học tự nhiên, cho biết: “Đề tài sẽ triển khai 4 nội dung chính, đó là: thu thập dữ liệu, khảo sát bổ sung và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu (khí tượng thủy văn, chế độ thủy động lực, bùn cát, địa hình...); phân tích hiện trạng và xác định nguyên nhân, cơ chế bồi lấp và xói lở khu vực cửa Đà Diễn và Đà Nông; tính toán dự báo định lượng biến động bùn cát, hình thái bằng các công cụ mô hình thủy thạch động lực; phân tích, lựa chọn, đề xuất các giải pháp khắc phục bồi lấp và sạt lở tại khu vực cửa Đà Diễn và Đà Nông”.

 

Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu nói trên, ngoài cách tiếp cận hệ thống (xem xét ba loại hình nguyên nhân: nội sinh, ngoại sinh và nhân sinh) thì trong quá trình nghiên cứu, họ còn sử dụng cách tiếp cận tích hợp, gồm: tích hợp các mô hình tính toán 1-2D, tích hợp theo thời gian và không gian, tích hợp các phương pháp nghiên cứu, tiếp cận liên ngành và tương tác cộng đồng - cơ quan chức năng. Đây là bước phát triển tiếp theo của hướng tiếp cận hệ thống mà ở đó tất cả khía cạnh liên quan đến vấn đề cần được giải quyết (các phương pháp kỹ thuật, thời gian và không gian, môi trường, đối tượng hưởng lợi, bối cảnh...) được xem xét một cách đầy đủ và đồng bộ.

 

PGS-TS Trần Ngọc Anh còn nhấn mạnh điểm nổi bật về quy mô theo không gian khi thực hiện quá trình đo địa hình ven biển đến độ sâu 20m từ Bãi Xép đến Mũi Điện, đo địa hình trong sông đến cầu Đà Rằng cũ, mô hình hóa cho toàn khu vực biển Đông, chi tiết hóa cho ven bờ và khu vực các cửa sông, xét toàn bộ hoạt động thủy điện. Đặc biệt, đề tài sử dụng chuỗi ảnh viễn thám đa thời gian giai đoạn (1980-2015, 1965-1980...), đo thủy động lực, các mùa lũ/ kiệt, gió mùa đông bắc - tây nam và đo địa hình theo mùa... theo quy mô thời gian.

 

Triều cường xâm thực, gây sạt lở Xóm Lăng (thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) bên trong cửa Đà Nông - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Kết quả bước đầu

 

TS Bùi Quang Thành (Trường đại học Khoa học tự nhiên) cho hay: “Qua việc phân tích các số liệu viễn thám từ năm 1988 đến nay, cùng với các yếu tố khí tượng và thủy động lực khác, đã cho phép chúng tôi chia quá trình biến động bờ biển và cửa sông khu vực nghiên cứu thành 3 giai đoạn: giai đoạn cửa sông mở rộng rồi thu hẹp (tháng 10-12 hàng năm); giai đoạn thu hẹp toàn bộ (tháng 1-5 hàng năm) và giai đoạn cửa sông dao động (tháng 4-8 hàng năm). Quá trình phân hồi quy logistic cho thấy, với mỗi giai đoạn có các yếu tố quyết định đến quá trình “đóng”/ “mở” cửa sông khác nhau và đã xác định được quan hệ thống kê giữa các nhân tố chính với diễn biến cửa sông. Đây là những chỉ báo quan trọng trong việc xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục ở các nội dung nghiên cứu tiếp theo của đề tài”.

 

Bên cạnh đó, bằng các phân tích hình thái và địa mạo dải bờ biển phía nam tỉnh Phú Yên do PGS-TS Vũ Văn Phái và cộng sự thực hiện đã xác định được 21 đơn vị địa mạo trên dải lục địa ven biển và đáy biển ven bờ phía nam của tỉnh. Hầu hết đơn vị địa mạo này đều được hình thành trong khoảng thời gian từ 6.000-4.000 năm trước cho đến nay liên quan với quá trình hạ thấp mực nước biển giai đoạn Holocen muộn. Giờ đây, hầu hết đơn vị địa mạo này đều không ổn định, liên tục bị biến đổi dưới tác động của nhiều nhân tố, cả tự nhiên lẫn hoạt động của con người. Hơn nữa, trong thời gian từ năm 1968 đến nay, bờ biển khu vực nghiên cứu có sự biến đổi phức tạp, nhưng xu thế xói lở chiếm ưu thế, đặc biệt là đoạn bờ từ cửa Đà Diễn đến cửa Đà Nông với tốc độ từ 1 đến trên 4m/năm. Trong khoảng thời gian gần đây, các doi cát chắn 2 cửa Đà Diễn và Đà Nông bị biến đổi khá mạnh do xói lở, đặc biệt là ở phía nam của chúng: doi cát phía nam cửa Đà Nông đã bị phá hủy hoàn toàn, còn doi cát phía nam cửa Đà Diễn liên tục bị thu hẹp và lùi dần về phía nội địa. Mặt khác, theo kết quả đo sâu vào tháng 3/2016, ở phía trong của 2 cửa này đều có độ sâu đáng kể: 11m ở cửa Đà Nông và 10m ở cửa Đà Diễn. Đây là vấn đề trái với quy luật hình thành và biến đổi vùng cửa sông.

 

Vì vậy, để có giải pháp chỉnh trị tối ưu ở 2 cửa sông trong vùng nghiên cứu, cần tìm hiểu rõ các mối tương tác trong hệ thống sinh thái - xã hội của đới bờ biển phía nam Phú Yên. PGS-TS Nguyễn Tiền Giang, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên, cho biết: “Vùng cửa biển Đà Diễn, Đà Nông chịu ảnh hưởng của cả 2 chế độ hải văn và thủy văn. Hải văn có nghĩa là các yếu tố từ biển vào và thủy văn là các yếu tố từ sông ra. Vì chịu tác động tương tác của 2 chế độ này nên diễn biến hai cửa biển phức tạp, thường xảy ra hiện tượng bồi lấp, xói mòn. Trong năm qua, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và đã có một số nhận định sơ bộ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự biến đổi phức tạp ở 2 cửa sông là do yếu tố tự nhiên như: bão, lốc, áp thấp... Bên cạnh đó, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người cũng là một nguyên nhân quan trọng tham gia vào quá trình biến đổi hình thái phức tạp ở 2 cửa biển Đà Diễn, Đà Nông, nhất là từ năm 2009 đến nay. Một số giải pháp trước mắt chủ yếu vẫn là xây dựng hệ thống kè hay nạo vét... nhưng để có những giải pháp lâu dài và bền vững thì đòi hỏi cần phải có những nghiên cứu sâu với những số liệu chi tiết và cụ thể”.

 

Sở KH-CN đã tham mưu và đề xuất UBND tỉnh đặt hàng Bộ KH-CN đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để xác định cơ chế bồi lấp, sạt lở và đề xuất các giải pháp ổn định các cửa biển Đà Diễn và Đà Nông tỉnh Phú Yên phục vụ phát triển bền vững cơ sở hạ tầng và kinh tế xã hội” trên cơ sở hợp tác thí điểm nghiên cứu giữa Bộ KH-CN và UBND tỉnh. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Bộ KH-CN thông qua Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước đã lựa chọn Trường đại học Khoa học Tự nhiên làm đơn vị chủ trì, PGS-TS Nguyễn Tiền Giang làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài thực hiện trong 3 năm, được triển khai từ năm 2015. Để đề tài thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ, các sở ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tích cực với đơn vị chủ trì, tạo mọi điều kiện hoàn thành việc nghiên cứu.

 

Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên Lê Văn Cựu

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek