Thứ Tư, 02/10/2024 17:33 CH
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu để thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Thứ Hai, 21/11/2016 10:00 SA

Tại TP Hồ Chí Minh, Bộ KH-CN vừa tổ chức hội thảo và triển lãm quốc tế về thương mại hóa công nghệ nhằm chia sẻ và học tập các kinh nghiệm quốc tế để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, góp phần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và cải tiến công nghệ thành phẩm cuối cùng cung cấp tới thị trường tiêu dùng.

 

Theo Bộ KH-CN, hàng năm nước ta có khoảng 2.000 nhiệm vụ khoa học công nghệ, 20.000 kết quả nghiên cứu, sáng chế do các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện đã đóng góp đáng kể vào nguồn tài sản trí tuệ có thể khai thác thương mại phục vụ phát triển sản xuất. Cùng với đó, khối trường đại học đóng góp vào kho kết quả nghiên cứu khoảng 16.000 kết quả. Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu từ các nhóm đơn lẻ, cá nhân có tiềm năng ứng dụng lớn vào thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ thương mại hóa thành công của những kết quả nghiên cứu trong nước vẫn chưa cao. Từ năm 2000, mỗi năm Nhà nước chi 2,5 - 3 tỉ USD để nhập khẩu thiết bị, công nghệ.

 

Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH-CN cho biết, gần 65% giá trị nhập khẩu thiết bị, công nghệ có nguồn gốc từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc; đối tượng nhập khẩu chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đáng quan tâm là có những thiết bị, công nghệ nhập khẩu hoàn toàn có thể chế tạo được ở trong nước.

 

Về những kết quả nghiên cứu của Việt Nam ít được thương mại hóa, TS Nguyễn Phan Kiên (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, những nghiên cứu thường dừng ở mức chức năng, không đạt được tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, kinh phí nghiên cứu thường không đủ để hoàn thiện tới sản phẩm thương mại. Vì vậy, cần tăng cường truyền thông các kết quả nghiên cứu đến từng doanh nghiệp; đầu tư theo hai hướng rõ ràng là cơ bản và ứng dụng; xây dựng chương trình nghiên cứu cụ thể với các trường…

 

Các chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm để thương mại hóa công nghệ một cách hiệu quả. Trong đó, thương mại hóa kết quả nghiên cứu được nhiều nước chú trọng phát triển với thung lũng Silicon, thành phố khoa học Daedok (Hàn Quốc), thủ đô công nghệ Bangalore (Ấn Độ)… Ông Masakazu Naito - chuyên gia Tổ chức JICA (Nhật Bản) chia sẻ, Nhật Bản có nhiều chính sách hỗ trợ thương mại hóa được đưa vào Luật Cơ bản khoa học công nghệ 5 năm một lần; khu vực tư nhân được hỗ trợ toàn cầu hóa và nội địa hóa từ R&D (nghiên cứu phát triển) đến bán hàng. Song song với hội thảo, triển lãm về thương mại hóa sản phẩm đã diễn ra với 30 gian hàng trưng bày các sản phẩm từ hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Hàn Quốc.

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek