Thứ Bảy, 05/10/2024 04:15 SA
Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông:
Dạy và học phải bám sát theo hướng đổi mới
Chủ Nhật, 18/09/2016 08:10 SA

Thầy Trương Hải Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa) tham gia phát biểu tại hội nghị - Ảnh: THÚY HẰNG

Sở GD-ĐT Phú Yên vừa tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyên môn trung học năm học 2016-2017. Một trong những nội dung được lãnh đạo các phòng GD-ĐT và các trường trực thuộc sở đề cập nhiều nhất tại hội nghị đó là làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong thi cử.

 

Chất lượng giáo dục đại trà chưa cao

 

Mở đầu hội nghị chuyên môn giáo dục trung học năm học 2016-2017, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên) Dương Bình Luyện xác định, các nhiệm vụ trọng tâm của bậc học này trong năm học mới đó là tăng cường nền nếp, kỷ cương, chất lượng, hiệu quả công tác trong các cơ sở giáo dục trung học; nâng cao năng lực đội ngũ quản lý và giáo viên, gắn với đổi mới, sáng tạo trong quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục; thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học, đồng thời tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức của học sinh…

 

Các nhiệm vụ trọng tâm này được đại biểu các trường đồng tình cao vì trong thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, ngành Giáo dục tỉnh đã nỗ lực rất nhiều, song kết quả mang lại vẫn chưa như mong muốn. Minh chứng nhìn thấy rõ nhất là trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, mặc dù tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 84,06%, có tăng so với năm trước gần 1%, nhưng so với các tỉnh, thành khác trong khu vực thì tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của Phú Yên vẫn còn thấp, đặc biệt là tỉ lệ học sinh có điểm thi dưới trung bình các môn Toán, Tiếng Anh vẫn còn rất nhiều. Hay như, trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT các trường công lập, trong tổng số hơn 7.000 thí sinh dự thi thì có đến hơn 1.000 thí sinh bị điểm liệt, trong đó môn thi có học sinh bị điểm 0 nhiều nhất cũng là Toán và Tiếng Anh. Điều này cho thấy, nếu không có sự cải thiện về chất lượng dạy học ngay từ bậc trung học thì kết quả học sinh thi đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng của Phú Yên khó có thể tiến xa hơn trong thời gian đến.

 

Thầy Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Tuy Hòa), cho hay: “Năm học 2016-2017, sau 8 đợt tuyển sinh nhưng nhà trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu được phân bổ. Mặt khác, đầu vào học sinh lớp 10 của trường rất thấp nên chất lượng đào tạo cũng thấp theo. Năm học này, nhà trường sẽ tập trung vào công tác phụ đạo học sinh yếu để giúp các em củng cố kiến thức cơ bản”. Còn thầy Lê Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An) thì trăn trở: “Năm học 2016-2017, đầu vào lớp 10 của trường được thực hiện theo hình thức thi tuyển. Tuy nhiên, do có đến 150 thí sinh bị điểm liệt nên trường không tuyển đủ chỉ tiêu như được giao. Những thí sinh bị trượt hệ công lập hiện đang học hệ giáo dục thường xuyên tại trường. Vừa giảng dạy hệ công lập, vừa giảng dạy hệ giáo dục thường xuyên nên trường gặp nhiều lúng túng trong bố trí giáo viên giảng dạy”.

 

Tập trung đổi mới dạy và học

 

Năm học 2016-2017 sẽ có nhiều biến động trong học và thi, vì theo Dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, phương thức thi, đề thi… đều có sự thay đổi. Mặc dù đây mới chỉ là dự thảo nhưng hiện nhiều trường THPT cũng tìm các phương án giảng dạy để đáp ứng đổi mới này. Theo các trường, đối với các môn thi trắc nghiệm Vật lý, Hóa học, Sinh học thì dễ vì nhiều năm nay đã thi trắc nghiệm rồi. Riêng môn Toán thì rất mới, các trường phải tính toán kỹ lưỡng để thay đổi cách dạy theo hướng thi trắc nghiệm chứ không thể dạy như bấy lâu nay.

 

Để các trường chủ động trong dạy và học, năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tập trung dạy cách học, cách nghĩ; bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh. Chú ý việc tổ chức dạy học sát đối tượng, dạy học phân hóa phù hợp các đối tượng học sinh khác nhau; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Mỗi trường THPT biên soạn, phản biện và gửi về sở 1 đề thi/môn theo định hướng của Bộ GD-ĐT để phổ biến toàn tỉnh cho giáo viên, học sinh học tập, rút kinh nghiệm.

 

Tại hội nghị, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn tập ngay từ đầu năm học, đặc biệt ưu tiên về thời gian, về cơ sở vật chất, dành đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết để nâng cao chất lượng các lớp cuối cấp. Đây được xem là giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Thực tế năm học 2015-2016 cho thấy, một số trường tuy chất lượng đầu vào thấp song nhờ thực hiện có hiệu quả công tác phụ đạo cho học sinh yếu nên chất lượng đào tạo được cải thiện đáng kể. Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa), đầu vào lớp 10 của học sinh trường này thấp, song nhờ làm tốt công tác phụ đạo học sinh yếu nên trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trường này được xếp vào các trường tốp đầu của tỉnh.

 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng giáo dục thì không thể để học sinh yếu “tự bơi”. Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện được điều này, các trường phải dạy kỹ, khắc sâu kiến thức cơ bản đối với học sinh yếu, nhất là phải chăm chút, nâng cao chất lượng 2 bộ môn Toán và Tiếng Anh. Đây là hai bộ môn được đánh giá là học sinh học thêm nhiều nhất nhưng chất lượng điểm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 thì lại thấp nhất. Các trường phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Tùy vào từng môn học, các trường có thể lựa chọn dạy 2 buổi/ngày để giúp học sinh củng cố, nâng cao kiến thức”.

 

 

ÔNG PHẠM NGỌC THƠ, TRƯỞNG PHÒNG KHẢO THÍ VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC (SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN): Ngóng hướng dẫn chính thức của bộ

 

Hai năm qua (2015, 2016), Bộ GD-ĐT đã liên tục có những thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Những thay đổi ấy có nhiều mặt tích cực song cũng bộc lộ không ít những hạn chế. Vậy nên trong năm học này, bộ tiếp tục đưa ra phương án thay đổi. Tuy nhiên, đã bước vào năm học mới rồi nhưng hiện nay Sở GD-ĐT vẫn chưa nhận được chỉ đạo cụ thể nào về phương án thi THPT quốc gia 2017. Sở GD-ĐT đang trong tâm thế chờ đợi, khi Bộ GD-ĐT có phương án chính thức, chắc chắn sở sẽ có hướng dẫn cụ thể để các trường thay đổi cách thức dạy học. Bởi nếu chuyển từ thi theo môn sang thi theo bài thi, thay vì chỉ chú trọng các môn thuộc tổ hợp mình chọn, học sinh sẽ phải “bao” thêm một khối lượng kiến thức các môn khác. Do đó, Sở GD-ĐT mong muốn Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi để sở chỉ đạo các trường có kế hoạch chủ động trong dạy - học. 

 

PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ TRẦN BẢY: Học sinh buộc phải học nhiều môn hơn

 

Phương án thi THPT quốc gia năm 2017 mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến có bài thi tổ hợp. Do đó học sinh buộc phải học nhiều môn hơn. Tuy nhiên, vì bài thi tổ hợp chỉ có 60 câu hỏi trắc nghiệm chia làm 3 phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 20 câu hỏi thì sẽ khó phân loại được học sinh, nhất là với những học sinh tham gia xét tuyển vào các trường đại học. Ví dụ, cũng là thi trắc nghiệm nhưng trước đây môn Vật lý, Hóa học, Sinh học với 50 câu hỏi mỗi môn, giờ sẽ dồn lại còn khoảng 20 câu/môn thì rất khó để phân hóa được học sinh.

 

Việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá, đặc biệt là thi THPT quốc gia, chúng tôi rất ủng hộ nhưng đổi mới như thế nào thì cần công bố sớm để nhà trường có sự chuẩn bị tốt nhất cho học sinh. Hiện nay, trên cơ sở chỉ đạo chuyên môn của Sở GD-ĐT, nhà trường sẽ tập trung hướng dẫn học sinh học đều các môn để các em sớm thích ứng với cách thi mới.

 

 

PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS VÀ THPT NGUYỄN KHUYẾN TRẦN NGỌC DŨNG: Hạn chế học lệch

 

Theo Dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017, tuy các em chỉ thi 4 bài thi nhưng thực chất là phải thi 6 môn (vì có một bài thi theo tổ hợp 3 môn), trong đó các bài thi đều thi theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Cách thi này sẽ giảm hẳn tình trạng học vẹt, học tủ như đang diễn ra trong những năm qua. Tuy nhiên, để học sinh thích ứng với cách thi này thì không phải nói là làm ngay được, đặc biệt là với những trường có chất lượng đại trà thấp. Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến năm học này có 131 học sinh lớp 12. Nếu thi theo phương án mới, học sinh phải đảm bảo kiến thức kỹ năng ở tất cả các môn, trong khi hiện nay đội ngũ giáo viên của trường luôn thiếu và không ổn định, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên học sinh chỉ học 6 buổi/tuần. Với hoàn cảnh này, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong dạy và học theo cách thi mới.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek