Thứ Ba, 15/10/2024 20:22 CH
Cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh:
Nên tạo môi trường chơi nhiều hơn học
Thứ Tư, 13/04/2016 09:59 SA

Một giờ làm quen với tiếng Anh tại Trường mầm non Ong Vàng - Ảnh: K.HÀ

Với quan niệm cho trẻ tiếp cận tiếng Anh sớm sẽ giúp trẻ làm quen bước đầu với môn ngoại ngữ này, nhiều trường mầm non đã phối hợp với phụ huynh tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ. Tuy nhiên, việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non không nên chú trọng vào khối lượng kiến thức mà cần tạo môi trường cho trẻ học thông qua chơi.

 

Có mặt vào một giờ học tiếng Anh của các bé lớp mẫu giáo nhỡ Trường mầm non Ong Vàng (TP Tuy Hòa), chúng tôi cảm nhận được bầu không khí “học mà chơi, chơi mà học” rất sôi nổi và vui vẻ. Cả lớp ngoan ngoãn ngồi vây quanh nghe cô giáo kể chuyện về các loài động vật. Sau đó, cô cho cả lớp chơi trò chơi nhận dạng và phát âm tên gọi các con vật bằng tiếng Anh. Để tăng thêm sự hào hứng tham gia của học trò, cô giáo sẽ thưởng cho các cháu trả lời đúng một món quà nho nhỏ. Nhờ vậy, giờ học không nặng nề, khô cứng mà tràn đầy hứng khởi với sự tương tác liên tục giữa cô và trò.

 

Theo cô Nguyễn Thị Lập, Hiệu trưởng nhà trường, để đáp ứng mong muốn cho con sớm làm quen với tiếng Anh của phần đông phụ huynh, từ nhiều năm qua, trường đã tổ chức cho các cháu làm quen với tiếng Anh. Năm học 2015-2016, trường có 2 lớp trẻ 5-6 tuổi và 3 lớp trẻ 4-5 tuổi làm quen tiếng Anh với 2-3 tiết/tuần. Tùy vào độ tuổi, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh được tổ chức linh hoạt sao cho phù hợp. Với trẻ 4-5 tuổi, việc tiếp cận với tiếng Anh chủ yếu qua bài hát, chuyện kể, trò chơi, hình ảnh, video… để trẻ làm quen với các từ vựng thông dụng, đơn giản. Với trẻ 5-6 tuổi, việc làm quen với tiếng Anh được nâng cao hơn khi việc dạy và học dựa vào giáo trình dành cho bậc mầm non. Khi đó, trẻ được làm quen với tiếng Anh thông qua các con số, chữ cái, những mẫu câu đối thoại đơn giản. “Các tranh vẽ, video clip được sử dụng trong lớp học đều gắn với những sự vật thân thuộc hàng ngày, tạo môi trường gần gũi và tự nhiên cho trẻ khi tiếp nhận một ngôn ngữ mới. Thông qua việc vừa học vừa chơi, các cháu sẽ cảm thấy thoải mái và hứng thú, rèn luyện được khả năng giao tiếp, phản xạ nhanh đối với tiếng Anh”, cô Lập chia sẻ.

 

Tại Trường mầm non Khai Sáng (TP Tuy Hòa), tùy theo nhu cầu của phụ huynh, trẻ từ 5-6 tuổi được nhà trường cho làm quen với tiếng Anh. Chị Trần Thị Thanh Tuyết ở phường 3, TP Tuy Hòa, tâm sự: “Đăng ký cho con trai 5 tuổi học tiếng Anh ở trường, tôi không đặt nặng chuyện cháu phải biết chữ này, chữ kia mà chỉ muốn cháu bước đầu làm quen với tiếng Anh và tự tin hơn trong giao tiếp. Bây giờ, cháu đã biết gọi tên những sự vật thường ngày như hoa quả, màu sắc, con vật bằng tiếng Anh, biết dùng tiếng Anh để chào cô, chào mẹ và điều quan trọng nhất là tôi thấy cháu vui vẻ, mạnh dạn và ham học hỏi hơn”.

 

Việc triển khai thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh bước đầu nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến cho rằng học tiếng Anh ở lứa tuổi mầm non chỉ nên là cuộc dạo chơi, không nên gây áp lực cho trẻ. Theo bà Trần Ngọc Phương Thảo, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Phú Yên), việc thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở những nơi có điều kiện được Bộ GD-ĐT khuyến khích tại Công văn 1303 ngày 18/3/2014, nhằm tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận sớm với một ngôn ngữ mới và tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục học ngoại ngữ ở bậc học cao hơn. Khác với các cấp học khác, chương trình thí điểm làm quen với ngoại ngữ ở bậc học này không chú trọng vào khối lượng kiến thức mà được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thoải mái thông qua các trò chơi, bài hát, tranh ảnh... Mục đích là tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với một ngôn ngữ mới.

 

Mặc dù khuyến khích việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, song ngành Giáo dục yêu cầu các trường mầm non phải tổ chức lớp học trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh, trang bị những điều kiện cơ sở vật chất cần thiết và phân công các giáo viên giảng dạy có trình độ chuyên môn đạt yêu cầu đề ra. Về lâu dài, nếu việc cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phổ biến rộng khắp các trường trên địa bàn tỉnh, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng, hội thảo để giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động ở lớp.

 

Bà Trần Ngọc Phương Thảo

Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục mầm non

(Sở GD-ĐT Phú Yên)

 

KHÁNH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek