Thứ Bảy, 05/10/2024 22:30 CH
“Đưa sân khấu vào học đường”:
Học mà chơi, chơi mà học!
Thứ Ba, 16/01/2007 07:00 SA

“Sân khấu học đường” (SKHĐ) là dự án được Chính phủ phê chuẩn, giao cho Bộ Văn hóa - thông tin và Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai từ năm 2001 tại 18 tỉnh, thành trong cả nước. Phú Yên tuy nằm  ngoài dự án, nhưng được sự quan tâm của tỉnh, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật đưa sân khấu vào học đường trong hai  năm 2005 - 2006 và đã đạt được những kết quả bước đầu.

 

070115-hoc-choi.jpg

Học sinh THCS cũng say sưa sắm vai diễn tuồng – Ảnh: X.HIẾU

 

Kết quả đáng kể nhất, theo nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học – nghệ thuật tỉnh Phú Yên, là đã khởi động được một phong trào sôi nổi tìm hiểu sân khấu truyền thống (SKTT) trong các trường phổ thông; đồng thời, phát hiện những mầm non năng khiếu cho các bộ môn SKTT. “Càng đến với các trường học, chúng tôi càng phát hiện nhiều tiềm năng nghệ thuật và nhiều tấm lòng thiết tha với nghệ thuật dân tộc. Qua đó cũng cho thấy rằng, ở đâu có sự quan tâm của ngành văn hoá thông tin, của nhà trường, ban giám hiệu về SKTT thì ở đó chương trình SKHĐ đạt kết quả tốt” – nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn nói.

 

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên Nguyễn Phụng Kỳ, chương trình “Đưa sân khấu vào học đường” mở một hướng bảo tồn và phát triển SKTT trong hệ thống các trường phổ thông. Đó thực sự là một hệ thống “bảo tàng sống” của SKTT. Theo ông Kỳ, tương lai của SKTT nằm ngay trong hệ thống “bảo tàng” này. Chương trình “Đưa sân khấu vào học đường” ở Phú Yên còn có những tác dụng to lớn, vượt ra ngoài những mục tiêu ban đầu đề ra, góp phần thổi bùng ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống trên mảnh đất Phú Yên giàu truyền thống văn hoá.

 

Nhiều thầy cô giáo và cha mẹ học sinh cho rằng, chương trình “Đưa sân khấu vào học đường” là cách “chơi mà học, học mà chơi” đem lại cho các em học sinh nhiều điều bổ ích để tiếp nhận sâu sắc hơn  về “lễ” và “văn” trong nhà trường. Đến với chương trình này, các em học sinh không chỉ nhận được những bài học về nghệ thuật dân tộc mà còn nhận được những bài học về đạo lý truyền thống. Đặc biệt, những trích đoạn tuồng cổ vừa là mẫu mực của nghệ thuật SKTT, vừa là những bài học sâu sắc về lịch sử, đạo đức, lễ giáo truyền thống của dân tộc ta từ ngàn đời nay.

 

Thầy Nguyễn Định, giáo viên dạy Văn ở Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên nói: Chương trình “Đưa sân khấu vào học đường”, đã làm cho những giờ dạy và học Văn nói chung, Văn học dân gian nói riêng sinh động hẳn. Giáo viên có cơ sở để làm sáng tỏ và sâu sắc hơn bài giảng trong sách giáo khoa, còn học sinh cũng dễ tiếp thu bài giảng hơn. Vì vậy, SKTT rất cần học đường và học đường cũng rất cần SKTT.

 

Trong những năm qua, bộ môn tuồng không được đầu tư bảo tồn, chấn hưng, phong trào không còn như trước. Tuy nhiên, qua các điểm diễn cho thấy, nhiều học sinh vẫn rất yêu tuồng. Có những đêm trời mưa hoặc truyền hình có chương trình hay, hấp dẫn nhưng nhiều em học sinh vẫn đến xem tuồng rất đông, rất say sưa. Đặc biệt, nhiều học sinh ở Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hoà) không chỉ thích xem mà còn thích diễn tuồng và có em diễn rất hay. “Cóù thể nói, thế hệ trẻ hiện nay không hề quay lưng lại với các môn nghệ thuật dân tộc, như tuồng, chèo, dân ca... Chỉ có điều là chúng ta chưa có cách tổ chức tốt và phù hợp để đưa các bộ môn nghệ thuật này đến với các em học sinh nói riêng và công chúng nói chung” - nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn nói. Để duy trì, phát triển chương trình “Đưa sân khấu vào học đường”, góp phần tích cực và hiệu quả vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc, theo các nghệ sĩ, tỉnh cần có sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng và chuyên môn, đặc biệt là ngành Văn hoá-thông tin và  ngành giáo dục có biện pháp cụ thể, có cơ chế phối hợp thực hiện tốt hoạt động giữ gìn nghệ thuật văn hoá truyền thống nói chung, SKTT nói riêng. Trong tổ chức thực hiện “Đưa sân khấu vào học đường”, bên cạnh các trích đoạn tuồng, chèo truyền thống, cần có những kịch bản phù hợp với lứa tuổi học sinh, trong đó đặc biệt chú ý đến hát ru, đàn hát dân ca Phú Yên, có nhiều hình thức công diễn báo cáo và giao lưu học tập giữa các đơn vị, địa phương; có kế hoạch tổ chức và phối hợp thực hiện dài lâu, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” hoặc đứt đoạn, chắp nối….Trước mắt, tiến hành xây dựng những câu lạc bộ tuồng, đàn hát dân ca, nhằm tạo nguồn nhân lực cho các bộ môn SKTT, đồng thời nhân rộng lượng khán giả cho tuồng, dân ca trong lứa tuổi thanh thiếu niên…

 

Mong rằng, rồi đây các môn nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo, ca trù… sẽ được đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường phổ thông (riêng khu 5 còn có thêm dân ca kịch bài chòi). Và chương trình SKHĐ sẽ không chỉ dừng ở con số 18 đơn vị mà ngày càng được mở rộng.

 

VĂN NGỌC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek