Thứ Ba, 26/11/2024 19:26 CH
Kích thích sự sáng tạo của học sinh từ việc ra đề thi
Thứ Hai, 11/12/2006 14:46 CH

Học sinh cả nước đang bước vào thời gian cuối của học kỳ một năm học 2006 - 2007. Trước khi kết thúc một giai đoạn học tập, các em phải qua kỳ kiểm tra. Việc kiểm tra học kỳ được tổ chức nhằm đánh giá kiến thức, trình độ, học lực của học sinh sau nửa năm học. Từ kết quả kiểm tra, giáo viên nhìn lại kết quả giảng dạy, học sinh nhìn lại kết quả học tập để tự điều chỉnh phương pháp dạy cũng như  thái độ học nhằm hướng đến một kết quả cao hơn  khi dạy và học ở thời gian sau. Tuy nhiên, không phải lúc nào đề thi kiểm tra cũng giúp người dạy và người học đạt được mục đích trên.

 

Có trường hợp, giáo viên ra đề quá khó, nội dung kiểm tra mang tính chất đánh đố. Với kết quả không cao, người dạy muốn chứng minh răèng học sinh quá kém; muốn khá lên, các  em phải học thêm. Đến học kỳ sau, kết quả học tập của các em nhất định tốt hơn (vì cũng chính giáo viên đó ra đề kiểm tra), người dạy đã chứng minh được sở dĩ học sinh tiến bộ là nhờ tham gia học phụ đạo hoặc ít ra cũng nhờ công lao dạy dỗ của thầy trong suốt học kỳ sau.

 

061211-lop-hoc.jpg

Kết quả kiểm tra học sinh có thể giúp điều chỉnh phương pháp giảng dạy – Ảnh: MẠNH THÚY

 

Có trường hợp, do trình độ hạn chế và thiếu tầm nhìn nên giáo viên ra đề quá rộng, kiến thức cần kiểm tra tản mạn. Khi dạy, thầy nói tràn lan, nói nhiều vẫn cảm thấy thiếu, không xác định được trọng tâm bài dạy. Khi kiểm tra, điều gì thầy cũng muốn hỏi, đề bài không có độ nhấn, dẫn đến sự lan man, tản mạn không cần thiết. Gặp loại đề bài này, học sinh sẽ chới với, khó làm bài tốt.

 

Lại có trường hợp thầy ra đề dễ, kiến thức cần kiểm tra chỉ ngang bằng kiến thức tối thiểu để đại bộ phận học sinh đều làm bài được. Với kết quả cao, người thầy muốn chứng minh khả năng giảng dạy tốt nhưng thực ra đây là một “chiêu” nhằm trấn an các bậc phụ huynh và chưa thể hiện tinh thần “nói không với bệnh thành tích trong giáo dục”.

 

Cả ba dạng đề trên đều không thể đánh giá được trình độ thực chất của học sinh. Thiết nghĩ,  học sinh của chúng ta có nhiều đối tượng, nhiều thang bậc trình độ ngay trong một lớp học, cấp học. Muốn đánh giá học sinh, nên ra đề kiểm tra vừa sức học sinh nhưng có thể phân loại được trình độ qua bài làm của các em. Đề kiểm tra luôn luôn đáp ứng được mặt bằng kiến thức của lớp học, cấp học đồng thời phải có những câu hỏi nâng cao để qua kiểm tra có thể phân loại được học sinh khá giỏi, học sinh trung bình và học sinh yếu kém.

 

CHÁNH LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek