Tổ chuyên môn có vai trò quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng dạy học của nhà trường. Nhận thức được điều đó, năm học 2011-2012, Tổ Vật lý - Công nghệ Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đã lựa chọn giải pháp có tính đột phá trong đổi mới sinh hoạt chuyên môn - đó là nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chuyên môn.
Thầy Trần Hùng Anh, Tổ trưởng Tổ Vật lý - công nghệ Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh triển khai công việc của tổ - Ảnh: M.THÚY
ĐỔI MỚI TỪ KHÂU SOẠN GIẢNG
Thầy Trần Hùng Anh, Tổ trưởng Tổ Vật lý – công nghệ Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho biết, sinh hoạt chuyên môn không chỉ giúp mỗi giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân mà còn là môi trường để đồng nghiệp hỗ trợ lẫn nhau trong công tác. Năm học 2011-2012 là năm toàn ngành GD-ĐT triển khai thực hiện Chương trình hành động đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Để thực hiện được nhiệm vụ trên đòi hỏi mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo cần có sự đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc trong công tác quản lý, sinh hoạt chuyên môn bởi chất lượng giáo dục phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đội ngũ giáo viên. Nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn là việc làm thiết thực mà Tổ Vật lý – công nghệ thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thầy Hùng Anh thẳng thắn nhìn nhận, sinh hoạt chuyên môn ở các nhà trường hiện nay thường diễn ra theo hai hình thức: tổ chức theo các chuyên đề và dự giờ trao đổi kinh nghiệm về bài học. Cả hai nội dung trên hầu hết tổ chuyên môn nào cũng thực hiện. Tuy nhiên, sinh hoạt chuyên môn trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải thay đổi. Đó là chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn chưa cao. Nội dung sinh hoạt chưa được chú trọng, nhất là việc phổ biến áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm còn nhiều hạn chế. Đối với công tác dự giờ và đặc biệt là việc trao đổi rút kinh nghiệm tiết học giáo viên cũng không mấy hứng thú nên buổi thảo luận thường trầm lắng, ít ý kiến phát biểu.
Để khắc phục những hạn chế này, năm học 2011-2012, Tổ Vật lý-công nghệ Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tập trung thay đổi mục đích sinh hoạt của tổ chuyên môn. Từ chỗ sinh hoạt để “phán xét” lẫn nhau, Tổ Vật lý – công nghệ chuyển thành sinh hoạt chuyên môn để phản hồi. Nghĩa là mỗi thành viên trong tổ cùng đưa ra ý tưởng để thống nhất bài soạn giảng trước khi lên lớp. Đối với công tác dự giờ, chuyển từ dự giờ để đánh giá sang dự giờ để học tập, bởi dự giờ để đánh giá sẽ không thể tạo ra bầu không khí mà trong đó mọi giáo viên có thể thoải mái bày tỏ với đồng nghiệp những ý kiến, chia sẻ những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình dạy học.
“Dự giờ là dịp để các thành viên trong tổ thiết kế lại bài giảng dựa trên thực tế đã xảy ra trong tiết dạy minh họa. Thực tế tiết dạy minh họa giúp giáo viên thấy rõ ý thức, thái độ, phản ứng của học sinh, từ đó nghiên cứu xây dựng cách thức đáp lại phản ứng đó, xem xét lại cách tổ chức hoạt động học tập, ra bài tập cũng như việc hướng dẫn học ở nhà để cải tiến việc học của học sinh” thầy Phan Văn Lượm bày tỏ.
HUY ĐỘNG “CHẤT XÁM” CỦA TẬP THỂ
Thông qua sinh hoạt chuyên môn hoặc dự giờ, người chủ trì tạo cơ hội cho tất cả người dự được phát biểu; tìm hiểu ý nghĩa của những ý kiến đóng góp nhằm làm sáng tỏ những gì họ muốn phát biểu; khuyến khích mỗi giáo viên tự phát triển khả năng của mình. Qua đó, các thành viên của tổ thống nhất chung bài giảng trong tổ chuyên môn. Để thực hiện được điều này, 13 giáo viên thuộc Tổ Vật lý – công nghệ Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tự đầu tư mua sắm máy vi tính. Tất cả các thành viên soạn giảng bằng giáo án điện tử. Cô Đào Thị Xuân bộc bạch: “Thực hiện phương thức soạn giảng giáo án thống nhất trong tổ, các giải pháp dễ áp dụng, tiết kiệm thời gian, mang lại hiệu quả giảng dạy cao; tạo nề nếp, kỷ cương trong sinh hoạt tổ chuyên môn, hoạt động dạy - học và quản lý nhà trường. Từ đó nâng cao trách nhiệm giảng dạy của mỗi giáo viên”. Còn giáo viên trẻ Lê Thị Vân Thùy thì thổ lộ: “Sinh hoạt tổ chuyên môn, giáo viên không chỉ được cùng nhau thảo luận để đi đến thống nhất giáo án giảng dạy mà còn được định hướng về chuyên môn, kỹ năng giảng dạy. Đối với giáo viên trẻ như tôi, đây còn là cơ hội để tôi học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp có thâm niên giảng dạy”.
Giáo viên là lực lượng quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy hiện nay ngành GD-ĐT đã có một đội ngũ giáo viên phổ thông đảm bảo số lượng (nhiều nơi dư thừa), đa dạng về trình độ, nhưng trên thực tế đời sống trường học, ngành GD-ĐT vẫn thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng để đảm nhận dạy học theo hướng đổi mới. Hiện nay, chương trình và nội dung dạy học phổ thông đang được đổi mới và có nhiều tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, tiếng nói từ thực tiễn nhà trường cho rằng, vẫn còn tình trạng quá tải về kiến thức do cấu trúc chương trình còn nặng, vẫn có xu hướng trình bày kiến thức với liều lượng nhiều mà nhẹ về hướng dẫn phương pháp và tổ chức cho học sinh làm việc. Điều này dẫn đến tình trạng: giáo viên chỉ lo “chạy” cho hết bài, kịp thời gian tiết học mà không có điều kiện tổ chức các phương án học tập để học sinh theo đó khai thác kiến thức và thực hành luyện tập, qua đó mà học cách học.
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh Nguyễn Tấn Hào nói: “Với cách làm của Tổ Vật lý – công nghệ, đây là bước chuyển từ nhận thức tư tưởng tới hành động thực tiễn, từ đổi mới trên lý luận tới đổi mới trên những công việc giáo dục, giảng dạy hàng ngày. Đây là quá trình hoàn toàn không dễ dàng gì. Song, với sựquyết tâm vượt khócủa cảmột tập thểsư phạm, sựđồng thuận của toàn thểgiáo viên trong tổ tôi, chất lượng giảng dạy môn Vật lý của nhàtrường nói riêng, chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung ngày càng thành công vàvươn xa hơn nữa.
THÚY HẰNG