Nhiều học sinh lớp 12 đang lo lắng về cách thức ôn tập môn Lịch sử. Bởi vì, môn học này vốn có khối lượng kiến thức khá lớn, thời gian chuẩn bị để thi tương đối ngắn. Vậy làm thế nào để ôn kịp trong khoảng “thời gian vàng” này? Xin chia sẻ với các bạn những điểm cần chú ý sau đây:
Học sinh phải biết xác định những kiến thức trọng tâm khi ôn tập để đạt hiệu quả cao - Ảnh: T.HẰNG
Khối lượng kiến thức môn Lịch sử khá lớn, nhiều sự kiện. Vì vậy, khi ôn tập phải biết xác định những kiến thức trọng tâm, không nên trong sách giáo khoa có gì là học nấy. Nếu không biết đâu là kiến thức cơ bản, trọng tâm mà cố nhồi nhét tất cả vào trong đầu thì rất dễ “tẩu hỏa nhập ma” và khi thi rất dễ lẫn lộn, viết lan man dẫn đến kết quả thi sẽ thấp.
Để dễ nhớ, học sinh nên hệ thống hóa kiến thức môn Lịch sử theo vấn đề: chính trị - quân sự; kinh tế; ngoại giao... Hệ thống theo mảng vấn đề như vậy không những giúp chúng ta nắm bắt được mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử mà còn khắc sâu kiến thức từng mảng vấn đề. Ví dụ phần kháng chiến chống Pháp năm 1945-1954, về mặt quân sự nên hệ thống 3 chiến dịch lớn là: Chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947, biên giới thu - đông năm 1950, Điện Biên Phủ năm 1954. Phần kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954-1975 nên chia theo 2 mảng để học. Cụ thể, với miền Bắc thì chúng ta nên hệ thống lại những thành tựu xây dựng CNXH từ năm 1954-1975 và việc chi viện cho miền Nam; với miền Nam thì chúng ta hệ thống các chiến lược chiến tranh của Mỹ và quá trình quân dân miền Nam chiến đấu chống các chiến lược chiến tranh của Mỹ.
Khi học xong một chương, bài, mục học sinh nên đóng vở lại và tự tưởng tượng trong đầu, tái hiện lại kiến thức đã học xem thử mình đã thực sự thuộc và hiểu chưa. Phần nào còn lúng túng, không nhớ thì lại mở vở ra xem, việc này nên thực hiện khoảng 2-3 lần rồi chuyển sang phần khác. Chỉ đọc thuộc ra miệng thì sẽ rất mau quên. Tái hiện lại kiến thức trong đầu là một cách để kiến thức khắc sâu vào bộ não.
Khi vào phòng thi cần phải đọc kỹ các câu hỏi của đề thi, viết ra giấy nháp các ý chính cần có trong phần trả lời. Chú ý, những câu thuộc nên làm thẳng vào giấy thi, không nên viết nháp rồi sau đó tốn thời gian chép lại. Những câu có nhiều ý nên làm hết ý của câu đó, không nên làm vài ý của câu này lại chạy sang câu khác. Đề thi yêu cầu trình bày vấn đề gì thì trả lời thẳng vào vấn đề đó, đừng vòng vo để rồi mất thời gian, công sức mà kết quả lại không cao.
Đề thi môn Lịch sử thường gồm 2 phần: phần chung cho tất cả thí sinh và phần riêng (chọn 1 trong 2 câu). Phần chung thường có 2 câu hỏi, chủ yếu là kiến thức Lịch sử Việt Nam (thường chiếm 7 điểm). Mặc dù các câu hỏi trong phần chung không khó nhưng vẫn có một số ý trong các câu có thể phân loại được trình độ học sinh. Muốn làm tốt phần này, ngoài việc ôn tập thật kỹ, khi làm bài thí sinh cần phải biết suy luận.
Dễ kiếm điểm nhất vẫn là phần riêng. Phần riêng gồm 2 câu, thí sinh chỉ chọn 1 trong 2 câu. Nếu làm cả 2 câu bị xem là phạm quy và không chấm điểm. Phần này chiếm 3 điểm, nội dung kiến thức thường ra ở phần lịch sử thế giới với dạng trình bày. Ưu thế của phần này là chọn 1 trong 2 câu. Vì vậy, thí sinh nên chọn câu nào mà mình quen thuộc nhất để làm.
Tóm lại, để đạt điểm cao đối với môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng sắp tới, ngoài việc ôn tập thật chắc, nắm được các ý cơ bản, điều quan trọng nhất là phải biết cách vận dụng kiến thức đã ôn vào bài thi sao cho linh hoạt, nhuần nhuyễn.
NGÔ MÃ THIÊN
Trường THPT Lê Thành Phương