Thứ Tư, 27/11/2024 11:47 SA
Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012:
Chọn ngành dễ tìm việc
Thứ Tư, 28/03/2012 14:00 CH

Không còn nhắm mắt “chọn đại một trường” như trước, thí sinh bây giờ đã chủ động trong việc lựa chọn cho mình một ngành, một trường đại học phù hợp. Thí sinh đều quan tâm đến việc lựa chọn ngành học nào tốt nhất để khi ra trường có việc làm ổn định.

 

tu-van120328.jpg

Một thí sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 do Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Phú Yên - Ảnh: M.THÚY

“Học xong kế toán có dễ xin việc không?”, “Nhiều người cho rằng học khối C khó tìm việc làm. Em muốn hỏi khối C có ngành nào dễ kiếm việc?”, “Học sư phạm ra trường cơ hội việc làm có cao không?”... Đó là những câu hỏi trong số rất nhiều câu hỏi tương tự của học sinh các trường THPT tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 vừa được Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Phú Yên vừa qua.

 

Điều dễ nhận thấy là phần lớn các câu hỏi thường tập trung vào nội dung “ngành nào dễ xin việc, thu nhập cao”, cho thấy cơ hội tìm việc làm là mối quan tâm hàng đầu của nhiều học sinh THPT trước ngưỡng cửa vào ĐH, CĐ. Những thắc mắc về cơ hội tìm việc sau khi tốt nghiệp của các học sinh được các thành viên ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp trả lời rất cặn kẽ, chi tiết. Theo các chuyên gia tư vấn, mọi lĩnh vực trong xã hội đều cần nhân lực nên cơ hội việc làm giữa các ngành nghề là không thiếu. Điều quan trọng không phải là ngành nào nhiều cơ hội, dễ xin việc mà là kết quả học tập ra sao. Trả lời cho câu hỏi “khối ngành sư phạm kỹ thuật khó xin việc hơn ngành kinh tế có đúng không?” của một học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa), phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nói: “Những năm gần đây, 90% sinh viên tốt nghiệp khối ngành sư phạm kỹ thuật công nghệ của trường đều tìm được việc làm nên thí sinh yên tâm khi theo học các khối ngành này”. Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đưa ra lời khuyên: “Một khối ngành thu hút thí sinh khối C là Luật. Tuy nhiên, gần như chỉ những thí sinh thực sự tự tin vào năng lực của mình mới dự thi vào khối ngành này. Những năm gần đây, điểm trúng tuyển của ngành này thường ở mức 19-20. Đây là mức điểm trúng tuyển gần như cao nhất đối với những ngành tuyển sinh khối C trên cả nước”.

 

Các ngành kinh tế, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học... luôn là những ngành nằm trong lựa chọn hàng đầu của thí sinh vì đây là những ngành dễ tìm việc làm hiện nay. Tuy nhiên, những công việc đang “hot” hiện nay có thể sẽ nguội dần trong vài năm tới, những ngành nghề đang thiếu nhân lực hôm nay cũng có thể sẽ bão hòa sau 4 năm thí sinh theo học. Kế toán cũng là ngành nhu cầu xã hội đã bão hòa. Theo các chuyên gia dự báo nhu cầu của thị trường lao động, mấy năm lại đây, chủ trương đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội đã giúp cân bằng giữa đào tạo và nhu cầu lao động ở các ngành nghề. Tỉ lệ lao động kỹ thuật tăng nhanh dần đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

bao-tuoi-tre120328.jpg

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 do Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Phú Yên - Ảnh: T.HẰNG

Theo dự báo, trong 5 năm tới những ngành có lợi thế của Việt Nam như: điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành... sẽ tiếp tục phát triển. Ngược lại, những ngành đang sử dụng nhiều lao động như xuất khẩu có khả năng sẽ chững lại do khủng hoảng kinh tế và một số yếu tố khác như phải tăng khả năng cạnh tranh về lao động rẻ, chi phí thấp. Kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo cho thấy những ngành có phạm vi đào tạo rộng sẽ giúp người lao động dễ có việc làm, còn những ngành phạm vi đào tạo hẹp hoặc chuyên biệt đặc thù sẽ khó xin việc. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trường đại học Khoa học xã hội – nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện tại, các ngành học thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn đang rất thiếu nguồn nhân lực, do đó sinh viên đang theo học những ngành này không lo thất nghiệp, nhưng với điều kiện: biết tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết, không ngừng tìm tòi học hỏi để tích lũy vốn sống để có thể nhạy bén ứng xử kịp thời trước mọi tình huống”.

 

Các chuyên gia tư vấn thẳng thắn khuyên, không phải tất cả những người thành công trong xã hội đều học ĐH. Hằng năm vẫn có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH ra vẫn thất nghiệp, không tìm được việc làm ổn định trong khi vẫn không ít người học nghề hay học trung cấp chuyên nghiệp ra lại có việc làm phù hợp với trình độ và năng lực của bản thân. Vậy nên nếu trình độ chưa đủ để dự thi vào ĐH, các em vẫn còn rất nhiều cơ hội để lập nghiệp, tiến thân ở các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek