Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Bộ GD-ĐT giao việc chủ động tổ chức kỳ thi cho địa phương. Làm thế nào để đảm bảo tiêu cực sẽ không diễn ra tràn lan như trước khi thực hiện cuộc vận động “hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - PV)? Báo Phú Yên phỏng vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Tá về vấn đề này.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá - Ảnh: M.THÚY
* Ông có thể cho biết những nội dung mà địa phương phải chủ động tổ chức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012?
- Giám đốc sở GD-ĐT chịu trách nhiệm từ khâu tổ chức thi đến chấm thi. Theo đó, giám đốc sở ra quyết định thành lập các hội đồng coi thi để thực hiện toàn bộ công việc chuẩn bị và tổ chức coi thi tại đơn vị; ra quyết định thành lập hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, Bộ GD-ĐT không cử thanh tra ủy quyền từ các trường đại học, cao đẳng cắm chốt tại các địa phương, chỉ thành lập các đoàn thanh tra của Bộ làm nhiệm vụ giám sát, đôn đốc thực hiện quy chế thi của các đơn vị tổ chức thi. Giám đốc sở GD-ĐT có trách nhiệm thành lập đoàn thanh tra tại địa phương để giám sát kỳ thi tại chỗ.
* Dư luận lo ngại việc Bộ GD-ĐT giao cho các địa phương tự quyết định tổ chức thi tốt nghiệp, không bắt buộc thi theo cụm, bỏ chấm chéo giữa các tỉnh thành, bỏ thanh tra ủy quyền của Bộ... rất dễ dẫn đến tiêu cực trong thi cử, ông nghĩ sao về điều này?
- Việc Bộ GD-ĐT giao cho các địa phương tự quyết định tổ chức thi tốt nghiệp, không bắt buộc thi theo cụm, bỏ chấm chéo giữa các tỉnh thành, bỏ thanh tra ủy quyền của Bộ... đây thực chất là việc của các sở nhưng lâu nay Bộ vẫn “ôm”. Giao cho địa phương nghĩa là chúng tôi sẽ phải chịu áp lực hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là việc chịu trách nhiệm của các cấp quản lý và những khâu hậu cần của kỳ thi. Còn đối với thí sinh chắc chắn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn về mặt tâm lý. Theo tôi, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2012 mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành là điều hết sức hợp lý. Bởi vì, khi giao kỳ thi cho địa phương tổ chức chắc chắn họ sẽ phải làm tốt hơn bởi lúc đó trách nhiệm của giám đốc sở GD-ĐT nặng nề hơn.
Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn thi ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - Ảnh: M.THÚY
* Sở GD-ĐT Phú Yên chuẩn bị như thế nào cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 khi được giao quyền chủ động?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa có 7 phòng thi trở lên Sở GD-ĐT tổ chức thi riêng tại các trường, không cần phải tập trung theo cụm. Đối với các trường thuộc địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT sẽ bố trí các cụm thi phù hợp cho việc đi lại của thí sinh. Đối với thanh tra thi, vì năm nay không có thanh tra Bộ GD-ĐT cắm chốt tại các địa phương nên sở GD-ĐT thành lập đoàn thanh tra, trong đó, tránh trường hợp Chủ tịch hội đồng thi và thanh tra coi thi là những người cùng một trường. Về chấm thi, Sở GD-ĐT sẽ bố trí các tổ chấm thi theo tiêu chí giám khảo không chấm thi bài học sinh của trường mình.
Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Duy Tân (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.HẰNG
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường cần chuẩn bị thật tốt về kiến thức, kỹ năng và tâm lý cho học sinh. Ngoài việc nắm vững chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và biết vận dụng những kiến thức đó khi làm bài thi, học sinh cần chuẩn bị một số kỹ năng quan trọng như: Biết tổng hợp kiến thức của các phần, các chương và của toàn bộ chương trình THPT, đặc biệt là chương trình lớp 12; biết tự tổ chức thảo luận theo nhóm, trao đổi, tranh luận để hiểu sâu hơn về kiến thức, tự trau dồi kiến thức một cách chủ động; có các kỹ năng phân tích để hiểu đề thi, trình bày bài thi. Học sinh cần nắm được quy chế thi và thực hiện đúng quy chế để tránh những điều sơ suất hoặc vi phạm trong khi thi, ảnh hưởng đến kết quả thi. Bên cạnh đó, các em cần tự tin vào kiến thức của mình, chuẩn bị tâm thế chủ động, vững vàng khi bước vào kỳ thi bởi yếu tố tâm lý đóng một vai trò không nhỏ trong kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng và các kỳ thi quan trọng nói chung.
* Hiện nay, một số nơi vẫn đặt ra chỉ tiêu đạt tỉ lệ tốt nghiệp hằng năm, yếu tố này liệu có tạo sức ép cho ngành GD-ĐT?
- Theo tôi, để không còn áp lực thành tích thì chính quyền các địa phương cũng cần phải có quan niệm đúng về kết quả thi. Ngành GD-ĐT đặt ra chỉ tiêu đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hằng năm là để toàn ngành cố gắng, phấn đấu chứ không phải vì thành tích mà phải chấp nhận tiêu cực trong thi cử.
* Xin cảm ơn ông!
THÚY HẰNG (thực hiện)