Thứ Tư, 27/11/2024 15:39 CH
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012:
Lượng sức chọn trường
Thứ Tư, 21/03/2012 14:00 CH

Mức độ phân hóa điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường ngày càng rộng. Vì thế, chọn được trường, ngành vừa sức để dự thi, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.

tuoi-tre120321.jpg

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 do Báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: M.THÚY

XÁC ĐỊNH KHẢ NĂNG HỌC TẬP

Thi vào ngành nghề nào? Trường nào? Ở đâu? Có thể nói là có nhiều tiêu chí lựa chọn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 do Báo Tuổi Trẻ vừa tổ chức tại Phú Yên thì điều cốt lõi để chọn lựa khi chuẩn bị vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ là sở thích, sở trường, khả năng học tập. Tiếp theo là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này cũng như hoàn cảnh kinh tế gia đình, xem xét mình có thể phù hợp với ngành học gì, trường nào.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: “Điểm chuẩn vào các ngành, các trường có sự thay đổi hằng năm do số lượng và năng lực của thí sinh đăng ký dự thi, mức độ khó, dễ của đề thi, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên, sự thay đổi này thường không đột biến nên điểm chuẩn của ngành, nhóm ngành hay điểm vào trường các năm trước là cơ sở tốt để các em tham khảo. Sau điểm số là đến uy tín đào tạo của trường. Hằng năm, có khoảng 2 triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ, trong đó 22,2% trúng tuyển. Số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên là 33,9%. Như vậy, vẫn còn nhiều học sinh chưa biết tự lượng sức mình để chọn hướng đi phù hợp sau tốt nghiệp THPT”. Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho biết thêm, kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011, có 100 thí sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) dự thi vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và có hơn 50 thí sinh trúng tuyển. Trong đó, thí sinh Nguyễn Trần Văn Quyện đỗ thủ khoa với 27,75 điểm.

 

Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, để chọn một trường, một ngành vừa với sức học của bản thân, thí sinh cần phải suy nghĩ cẩn thận. Bởi điểm trúng tuyển mỗi ngành cao hay thấp không chỉ phụ thuộc số lượng thí sinh hay tỉ lệ “chọi”, mà tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng thí sinh dự thi vào cùng ngành đó và độ khó của đề thi. Theo tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, ở các trường tại TP Hồ Chí Minh, một số ngành tỉ lệ “chọi” khá cao nhưng điểm chuẩn cũng chỉ ở mức 15. Do vậy, thí sinh không quá âu lo trước những ngành luôn có đông thí sinh. Như cùng nhóm ngành kinh tế, điểm chuẩn ở ĐH Kinh tế quốc dân có thể trên 20 điểm; ĐH Ngoại thương khoảng 22 đến 29 điểm; ĐH Ngân hàng, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh ở mức trên dưới 20, Khoa kinh tế (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) 16-20 điểm. Những trường ĐH mới ở các tỉnh và nhóm trường ngoài công lập, điểm chuẩn hầu như chỉ bằng điểm sàn.

 

Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh lưu ý, cả nước có hàng trăm ngành tuyển sinh ở trình độ ĐH, CĐ với nhiều cơ sở đào tạo khác nhau. Vì vậy, thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành phù hợp với sở thích nghề nghiệp bản thân. Tuy nhiên, do điểm đầu vào của các ngành học ở các trường khác nhau nên thí sinh cần xác định khả năng học tập của mình qua việc xác định kết quả học tập các môn học THPT có liên quan đến từng khối thi.

NHIỀU NGÀNH BẰNG ĐIỂM SÀN LÀ ĐẬU

Những năm gần đây, các ngành Y dược, Kinh tế, Công nghệ sinh học, môi trường luôn có điểm chuẩn trúng tuyển cao so với nhiều ngành khác trong cùng một trường hay so với các trường khác. Thậm chí ở Trường ĐH Ngoại thương điểm chuẩn ngành thấp nhất lên đến 22 điểm, cao nhất 26 điểm đối với ngành Kinh tế đối ngoại (khối A) - cao hơn cả một số trường Y dược. Đối với những trường này, các chuyên gia tư vấn yêu cầu học sinh phải có học lực thật sự giỏi mới có khả năng cạnh tranh đầu vào.

Một trong những ngành được nhiều thí sinh quan tâm và có mức điểm tăng đều hằng năm là ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng (Xây dựng dân dụng và công nghiệp hoặc Xây dựng cầu đường). Điểm chuẩn ngành này thường dao động 17-20. Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho biết: “Ngành này có điểm chuẩn nằm trong tốp đầu của trường và thường cao hơn các ngành còn lại 2-3 điểm”. Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thực tế tuyển sinh ở nhiều trường cho thấy rất nhiều ngành có điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Chẳng hạn nhóm ngành nông lâm ở hầu hết các trường có điểm chuẩn bằng điểm sàn chung hoặc cao hơn 1 điểm. Trong số này, các ngành kinh tế nông lâm thường có điểm chuẩn 13-15, trong khi các ngành nông nghiệp điểm chuẩn chỉ là 13”.

Theo nhận định của các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, nhóm ngành Y dược nhiều năm gần đây hầu như ít có biến động về điểm chuẩn và luôn giữ ở mức cao. Hai ngành có điểm chuẩn cao nhất trong nhóm ngành này là Bác sĩ đa khoa và Dược với điểm chuẩn dao động 22-26. Vì vậy, học sinh có học lực không thật sự xuất sắc muốn vào nhóm ngành này nên dự thi các ngành kỹ thuật viên, điều dưỡng với ngưỡng điểm chuẩn hầu hết dưới 20. Riêng đối với các ngành sư phạm, hầu như không có sự chênh lệch quá lớn giữa các trường. Đây là nhóm ngành luôn có đông thí sinh (đặc biệt là các ngành khối A, B) và điểm chuẩn luôn ở mức 20 điểm. Như vậy, nếu biết lượng sức mình và quyết tâm thì cơ hội thành công cao nhất sẽ luôn mỉm cười với các bạn.

Chiến lược nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu về nhân lực có trình độ cao trong các lĩnh vực đột phá chủ yếu bao gồm: quản lý nhà nước, hoạch định chính sách và luật quốc tế; giảng viên đại học, cao đẳng; khoa học - công nghệ; y tế, chăm sóc sức khỏe; tài chính - ngân hàng; công nghệ thông tin. Trong đó tỉ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50%; ngành công nghiệp từ 78% lên 92%, ngành xây dựng từ 41% lên 56%; ngành dịch vụ từ 67% lên 88%. Các nhóm ngành như kinh doanh, kinh tế, luật, môi trường, đô thị... vẫn có xu hướng phát triển trong tương lai với tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi người xin việc phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như khả năng giao tiếp và sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo... Nhu cầu nguồn nhân lực còn tùy thuộc chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.

THÚY HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek