Sở GD-ĐT Phú Yên vừa tổ chức Hội thi giáo viên giỏi THCS cấp tỉnh thu hút 187 giáo viên các trường THCS, THCS và THPT tham gia. Bằng phương pháp dạy học tích cực, mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy, có 12 giáo viên xuất sắc giành giải nhất của hội thi. Báo Phú Yên xin giới thiệu bốn giáo viên tiêu biểu trong 12 giáo viên đoạt giải này.
Võ Thị Nhất, giáo viên Tiếng Anh Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa)
Theo cô Nhất, hiện nay, tiếng Anh là một ngoại ngữ rất cần thiết và hữu ích cho mọi người. Nó như là một hành trang quan trọng của mỗi trí thức trẻ. Vì thế, đã có nhiều phụ huynh khuyến khích con em học tiếng Anh ngay từ nhỏ. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng học tốt môn học này.
Vào nghề dạy học đã 16 năm nhưng với cô Nhất mỗi lần đứng trên bục giảng là một sự mới mẻ. Cô Nhất cho biết, trở ngại lớn nhất của thầy và trò ở các trường phổ thông trong dạy - học ngoại ngữ là việc chưa sử dụng ngôn ngữ này một cách tự nhiên. Rất nhiều giáo viên, học sinh có vốn từ vựng rất phong phú và thậm chí nắm vững ngữ pháp, nhưng ngại nói, sử dụng tiếng Anh không đúng. Để khắc phục tình trạng này, cô Nhất thường xuyên sử dụng bảng tương tác trong dạy học. Thông qua bảng tương tác, cô Nhất dễ dàng giúp học sinh gọi tên đồ vật và các hiện tượng diễn ra xung quanh trong đời sống. Cô cũng đưa ra các tình huống để học sinh từng bước làm quen với việc nghe, nói, đọc viết bằng tiếng Anh.
Cô Nhất nói: “Chỉ có kiến thức về ngữ pháp và từ vựng thôi chưa đủ, các em cần phải thực hành những gì mình đã học. Các em phải thực hành sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên thật nhiều trong lớp học. Các em đừng ngại việc mắc lỗi. Quan trọng là học từ những lỗi đó vì ngôn ngữ được dùng để trao đổi ý nghĩ, thông tin khi chúng ta nghe, nói, đọc, viết. Các giáo viên sẵn sàng giúp các em làm được điều này”.
Nguyễn Thị Kim Liên, giáo viên môn Sinh học Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tuy Hòa)
Trọng tâm của Hội thi giáo viên giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2011-2012 là tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bậc THCS. Qua 19 năm gắn bó với nghề, cô giáo Liên luôn tự tin về phương pháp giảng dạy mà mình đã ứng dụng trong nhiều năm đứng lớp, đó là tạo cho mối quan hệ giữa cô và trò một sự gần gũi, tin tưởng. Đây chính là một trong những phương pháp giáo dục mà cô Liên đã áp dụng thành công. Mặt khác, dù dạy lý thuyết hay thực hành cô cũng áp dụng phương pháp dạy từ dễ đến khó, phát huy tối đa sự chủ động, sáng tạo của học sinh trong giờ học. Cô Liên quan niệm không có học sinh nào kém mà quan trọng là phải có phương pháp giáo dục đúng.
Đặc thù của môn Sinh học đó là thực hành nhiều. Do đó, những giờ học thực hành của cô Liên luôn phong phú với những mẫu vật tương ứng với nội dung bài học. Nhờ thế, cô nói đến đâu học sinh hiểu đến đó.
Thế nào được gọi là đổi mới phương pháp dạy học? Trả lời câu hỏi này, cô Liên cho rằng sáng tạo thì phải cho các em ý thức tự học, tự rèn. Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là thay đổi cách giảng dạy này bằng cách giảng dạy khác mà là sử dụng những phương pháp giảng dạy hiện tại như thế nào để tạo ra những giờ học hiệu quả.
Nguyễn Thị Lệ Viên, giáo viên môn Lịch sử Trường THCS Trần Kiệt (huyện Đông Hòa)
Đối với cô giáo Nguyễn Thị Lệ Viên, giải nhất Hội thi giáo viên giỏi THCS cấp tỉnh là một phần thưởng lớn sau sáu năm giảng dạy môn Lịch sử. Cô Viên nói: “Thường thì sau bậc học phổ thông, chỉ có một số ít học sinh đi các ngành của khoa học lịch sử, còn đại bộ phận đi vào các ngành khoa học khác mà không còn tiếp tục học môn Lịch sử. Vì vậy đối với thế hệ trẻ, kiến thức lịch sử chỉ được trang bị chủ yếu qua môn Lịch sử cấp phổ thông nên tôi luôn cố gắng hết sức trong truyền đạt để học sinh hiểu và yêu thích bộ môn này. Một người thầy không truyền được lòng say mê vào học sinh, thì môn Lịch sử sẽ rất khô khan”.
Với suy nghĩ này nên tiết học về “Khởi nghĩa Lý Bí” được cô Viên tổ chức rất sinh động với trò chơi “Ong tìm chữ”. Với trò chơi này, cô Viên đã dẫn dắt học sinh và giúp học sinh xâu chuỗi những nội dung, sự kiện trong bài theo bản đồ tư duy. Cách dạy - học này, học sinh không chỉ nhớ bài ngay tại lớp học mà còn tạo cho các em sự hứng thú trong giờ học.
Cô Viên “hiến kế”: “Sáng tạo trong giáo dục bắt đầu đơn giản từ việc mang đến cho học sinh nụ cười trong những giờ học khô khan. Sáng tạo trong giáo dục là trò chuyện với các em về lòng trắc ẩn sau những bài giảng về lịch sử, đạo đức. Sáng tạo trong giáo dục là làm sao để thầy cô trở thành người bạn của mỗi học sinh, để bài giảng kiến thức trở thành niềm vui khám phá”.
Đỗ Thị Liên, giáo viên môn Địa lý Trường THCS Trần Quốc Tuấn (huyện Đồng Xuân)
Cô giáo Đỗ Thị Liên đến với hội thi với tiết giảng “Vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Mở đầu tiết giảng, cô Liên cho học sinh nghe đoạn nhạc, trong đó có các địa danh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long để học sinh hình dung. Sau đó, trong quá trình giảng bài, cô Liên đưa ra các gợi ý để học sinh thảo luận nhóm thông qua hình thức sử dụng các mảnh ghép… Với cách tổ chức dạy - học này, giờ giảng của cô Liên được ban tổ chức hội thi đánh giá cao.
Cô Liên cho biết: “Học sinh vốn không thích các môn học xã hội, đặc biệt là với “môn phụ” như Địa lý. Để tạo sự hứng thú cho học sinh, người thầy phải có lòng nhiệt tình, sự say mê sáng tạo và đức hy sinh. Địa lý là môn học nghiên cứu về các vấn đề tự nhiên và xã hội. Vì vậy, nếu lịch sử có câu “dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” thì Địa lý cũng vậy, tôi mong học sinh của mình sẽ nắm được Địa lý Việt Nam”.
Kết thúc giờ giảng, cô Liên không quên nhắc nhở học sinh phải nắm được nội dung trong sách giáo khoa và tích lũy kiến thức từ việc truy cập internet, theo dõi ti vi, xem báo đài; tổ chức các buổi học nhóm, trao đổi kinh nghiệm học tập giữa bạn bè với nhau để phát huy tinh thần tự học.
THÚY HẰNG