Thứ Năm, 28/11/2024 16:51 CH
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp:
Làm gì để đạt thực chất?
Chủ Nhật, 19/02/2012 07:35 SA

Liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của cả hai phía. Tuy nhiên để mối liên kết này đạt được thực chất không hề dễ dàng.

 

hoc-nghe-co-khi120219.jpg

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người học tiếp cận thực tế - Ảnh: M.THÚY

ĐÔI BÊN ĐỀU LỢI

 

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng của xã hội, của doanh nghiệp là một yêu cầu bức thiết nhằm tạo ra những lao động có chất lượng và giảm chi phí, thời gian cho nhà tuyển dụng. Thế nhưng hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên khi ra trường vẫn khó kiếm được việc làm hoặc khi đã kiếm được việc làm thì đơn vị tuyển dụng buộc phải đào tạo lại. Để tìm ra những giải pháp phù hợp, vừa có lợi cho người học khi ra trường vừa giảm bớt thời gian, tiền của cho doanh nghiệp khi tuyển dụng, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên vừa tổ chức hội nghị nhà trường – doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

 

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng với tư cách là nơi đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động cho nền kinh tế, các cơ sở đào tạo nghề có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp. Còn về phía doanh nghiệp, để có đủ đội ngũ lao động thực hiện các chiến lược kinh doanh của mình, các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm lao động trên thị trường. Trong điều kiện đó, nếu có một cơ sở đào tạo đảm bảo cung cấp những sản phẩm đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp, thì đối với doanh nghiệp đó là điều lý tưởng. Chính vì vậy, được hợp tác với cơ sở đào tạo nghề là nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp, là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của cả hai phía. Mối liên kết này vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính khả thi cao trong việc đáp ứng lao động cho doanh nghiệp.

 

Ông Bùi Xuân Khương, Phó giám đốc Công ty cổ phần An Hưng, cho biết: Hằng năm công ty chúng tôi tiếp nhận một lượng lớn học sinh, sinh viên học các nghề Điện - điện tử, Cơ khí, May - thiết kế thời trang trên địa bàn tỉnh đến thực tập. Việc làm này vừa giúp học sinh, sinh viên tiếp cận với thực tế, quy trình làm việc của công ty, cũng vừa giúp công ty có thể tuyển được lao động phù hợp với nhu cầu. Với lợi thế này, trong những năm qua công ty chúng tôi luôn có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề”. Còn bà Nguyễn Huỳnh Hiếu Hạnh, Giám đốc Khách sạn Kaya thì cho rằng: “Tuyển dụng luôn là khâu được chúng tôi đặt lên hàng đầu trong mọi quy trình. Dĩ nhiên, chúng tôi cần những con người giỏi, nhưng trên hết, chúng tôi cần những con người có tố chất phù hợp. Đó là sự nhiệt tình, có hoài bão, năng động, hòa đồng và giỏi ngoại ngữ. Để hội đủ những tiêu chí này, chúng tôi buộc phải gắn kết với các cơ sở đào tạo nghề”.

 

ĐỂ ĐẠT THỰC CHẤT, CÁCH NÀO?

 

Theo đánh giá, hiện nay đang có một nghịch lý là trong khi số người tốt nghiệp nghề ngày càng tăng nhưng việc tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ngày càng khó hơn. Nhiều người cho rằng, sở dĩ có tình trạng này là bởi thực tế từ trước đến nay, về cơ bản các trường chỉ đào tạo “cái mình có” theo chương trình chứ chưa chú trọng đến nhu cầu thị trường, nhu cầu từng ngành nghề mà doanh nghiệp cần. Vì vậy, nhiều người học nghề khi ra trường còn thiếu kỹ năng nghề nghiệp, lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tế, yếu kém về ngoại ngữ, vì vậy, phần lớn lao động được tuyển dụng vào doanh nghiệp đều phải đào tạo lại.

 

han120219.jpg

Học nghề Hàn ở Trường cao đẳng Nghề Phú Yên - Ảnh: M.THÚY

Thạc sĩ Trần Ngọc Hiệp, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết: Từ năm 2009 đến nay, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp. Với phương thức phối hợp này, nhà trường và người học thu thập được những kinh nghiệm, biết được đặc thù công việc trong thực tế để nâng cao chất lượng trong đào tạo. Tuy nhiên, cho đến nay sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn gặp một số hạn chế như: một số doanh nghiệp chưa tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên thực tập làm việc tại các bộ phận kỹ thuật, giao tiếp theo đúng nội dung chuyên môn các em đã học; doanh nghiệp chưa tin tưởng, chưa tạo điều kiện để các em có được cơ hội thực hành và làm việc thực tế, còn sợ ảnh hưởng đến sản phẩm và năng suất của doanh nghiệp; kỹ năng thực hành và khả năng thích ứng với sự thay đổi công nghệ của học sinh còn hạn chế; mối quan hệ nhà trường và doanh nghiệp chưa gắn kết (cả về trách nhiệm và quyền lợi) nên trên thực tế nhà trường vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng cung cấp của mình chứ chưa thực sự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.

 

Để tìm được tiếng nói chung trong cung - cầu, theo ông Bùi Xuân Khương, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên ngành cho học sinh, sinh viên, nhà trường còn phải trang bị kỹ năng mềm cho người học như: vi tính, ngoại ngữ. Ví dụ, học sinh học nghề May - thiết kế thời trang, ngoài biết may còn phải biết sửa chữa khi máy bị trục trặc, đặc biệt là phải biết tin học, ngoại ngữ để thích ứng với công nghệ làm việc hiện đại. Còn ông Trần Văn Ngôn, Trưởng phòng quản lý nhân sự Công ty FOODTECH (Khu công nghiệp Hòa Hiệp) cho biết: “Các nghề công ty chúng tôi sử dụng gồm Cơ khí, Điện - điện tử, Chế biến thực phẩm… Về kiến thức thì hầu hết học sinh, sinh viên đạt yêu cầu. Tuy nhiên, điểm yếu nhất hiện nay của lao động nghề đó là kỹ năng, tác phong công nghiệp và lòng yêu nghề. Vì vậy, tôi nghĩ nhà trường nên đặc biệt lưu ý các nội dung này trong quá trình đào tạo”. “Với những yêu cầu khắt khe và chuyên biệt về dịch vụ nhà hàng – khách sạn, phần lớn các nhân viên đã có kinh nghiệm trước đó hay không, khi gia nhập vào Khách sạn Kaya chúng tôi đều phải đào tạo lại. Hạn chế lớn nhất đối với lao động làm việc trong lĩnh vực này đó là khả năng xử lý tình huống và ngoại ngữ. Vì vậy, ngoài trang bị kiến thức chuyên môn, tôi nghĩ các trường cần trang bị cho người học khả năng xử lý tình huống và kiến thức về ngoại ngữ” bà Nguyễn Huỳnh Hiếu Hạnh nhấn mạnh.

 

Tại hội nghị, các đại biểu thừa nhận hiện nay có một thực trạng vô cùng mâu thuẫn là các doanh nghiệp luôn trong tình trạng cần lao động trong khi đó hằng năm cũng có hàng ngàn lao động được đào tạo ra nhưng không biết đi về đâu. Rõ ràng chúng ta đang lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc khi đào tạo không hiệu quả và không có mục đích cụ thể. Để đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp đòi hỏi nhà trường phải có những chuẩn bị nhất định. Bên cạnh đó phải có sự phối hợp, giúp đỡ chặt chẽ từ phía doanh nghiệp. Thời gian qua đã có rất nhiều “cái bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự chủ động phối hợp tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực “đủ tiêu chuẩn” còn rất hạn chế.

 

Thạc sĩ Trần Ngọc Hiệp mong muốn các doanh nghiệp giúp nhà trường những chuyên gia có tay nghề để tham gia cùng biên soạn giáo trình, tham gia hội đồng đánh giá tốt nghiệp học sinh, sinh viên; thông tin cho nhà trường nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp… Ông Hiệp cũng cho rằng nên chăng cần có một điều khoản nào đó trong Luật Giáo dục quy định rõ nhiệm vụ của nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo theo nhu cầu xã hội. Có như vậy, chúng ta mới đào tạo ra được những người lao động đủ tiêu chuẩn mà doanh nghiệp yêu cầu, giảm được thời gian, công sức và chi phí khi phải đào tạo lại.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek