Thứ Năm, 28/11/2024 23:49 CH
Giáo dục truyền thống cho học sinh:
Cần giải pháp đa chiều
Thứ Tư, 08/02/2012 10:00 SA

Giáo dục truyền thống cho học sinh trong các trường học trở thành một trong những nội dung quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

day120208.jpg

Một tiết học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi - Ảnh: T.HẰNG

TẠO HỨNG THÚ CHO HỌC SINH KHI HỌC LỊCH SỬ

Tại hội thảo nâng cao chất lượng dạy - học môn Lịch sử ở trường phổ thông do Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức, nhiều đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, sự du nhập của nhiều luồng văn hóa, sự bùng nổ thông tin từ internet và nhàm chán trong các phương pháp dạy học… đã khiến phần lớn học sinh hiện nay không quan tâm và mặn mà với môn học Lịch sử. Điều này khiến học sinh đứng trước nguy cơ quay lưng với truyền thống văn hóa và cách mạng của dân tộc. Tại hội thảo này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư đã nhấn mạnh, học sinh chỉ có thể phát triển toàn diện khi được tiếp thu một nền giáo dục toàn diện, nhưng trên thực tế các môn học có liên quan trực tiếp đến giáo dục truyền thống như Lịch sử, Văn học… còn bị xem nhẹ. Mặt khác, các giáo viên và nhà trường chưa biết tận dụng các hình thức hoạt động ngoại khóa sinh động để bồi đắp ý thức tự hào dân tộc cho học sinh. Nếu lãnh đạo nhà trường cũng như các thầy cô giáo đều quan tâm đến việc giáo dục ý thức truyền thống cho học sinh thì chắc chắn sẽ có nhiều sáng kiến và biện pháp sinh động nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống cho học sinh.

Về khía cạnh giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh qua môn học Lịch sử, thầy Phạm Văn Lâm, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (huyện Đồng Xuân) cho biết: “Đồng Xuân là một huyện miền núi nên hoạt động giảng dạy của giáo viên nói chung và giáo viên dạy Lịch sử nói riêng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với lợi thế là một vùng đất từng là căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có do tích lịch sử cấp quốc gia – nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Phú Yên và hai di tích lịch sử cấp tỉnh là chiến thắng Suối Cối và mộ Nguyễn Hào Sự. Đây chính là những địa chỉ đỏ để giáo viên có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục cho học sinh về tinh thần yêu quý quê hương đất nước”. Thầy Lâm còn cho biết thêm, với phương pháp giáo dục này, hoạt động giáo dục truyền thống trong trường học không chỉ tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học mà còn giúp các em nhận thức rõ hơn về truyền thống dân tộc, để các em có ý thức hơn trong việc đóng góp và bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa - cách mạng.

gio-to120208+.jpg

Hằng năm, Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa) tổ chức Giỗ tổ vua Hùng, qua đó giáo dục truyền thống cho học sinh - Ảnh: M.THÚY

COI TRỌNG GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO HỌC SINH

Mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã và đang gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt trong đời sống xã hội. Ngành Giáo dục cũng không ngoại lệ. Hiện nay, việc giáo dục, giữ gìn và phát huy những giá trị chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc cho học sinh đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đã có rất nhiều ý kiến mang nặng sự lo lắng, trăn trở về những khó khăn hiện nay mà ngành Giáo dục đang phải đối mặt. Đó là tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng bạo lực học đường đang gây nên sự bức xúc lớn trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới việc giáo dục đạo đức cho học sinh…

Trong chương trình giáo dục, đã có rất nhiều hình thức, môn học nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh như môn Giáo dục công dân, Văn học, Lịch sử,… Tất cả các môn học này ngoài việc cung cấp kiến thức cho học sinh, còn có nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng học sinh không thích học các môn khoa học xã hội là khá phổ biến. Làm sao để môn học Lịch sử được học sinh yêu thích? Làm thế nào để giáo dục đạo đức truyền thống cho học sinh thông qua giảng dạy bộ môn Lịch sử đạt hiệu quả? Đây là những vấn đề lớn và quan trọng cần được giải quyết, trách nhiệm này không chỉ của riêng ngành Giáo dục, của người giáo viên và học sinh mà còn của các cấp, các ngành có liên quan và của toàn xã hội.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống đạo đức và lối sống cho học sinh hiện nay không chỉ dừng lại ở các chương, điều trong sách giáo khoa mà quan trọng là phải giáo dục bằng chiều sâu lịch sử, những truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc, bằng những tấm gương yêu nước tiêu biểu, những anh hùng, liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Năm học 2011-2012, ngành GD-ĐT Phú Yên tiếp tục yêu cầu các trường học cần tích cực đưa lịch sử địa phương vào trong chương trình giảng dạy để học sinh nắm và hiểu sâu về lịch sử địa phương, quê hương mình, những truyền thống đấu tranh anh dũng, những tấm gương yêu nước tiêu biểu, những anh hùng, liệt sĩ… Bên cạnh đó, trong dạy học lịch sử rất cần phải có những tiết học tại thực địa, như các khu di tích văn hóa - lịch sử của địa phương, căn cứ địa cách mạng có tại địa phương mình… Qua đó, vừa giảng dạy vừa liên hệ thực tế tại địa phương, và quan trọng nhất là giáo dục cho học sinh hiểu và thấm nhuần được những truyền thống quý báu của dân tộc như: truyền thống yêu nước, đấu tranh của dân tộc Việt Nam qua ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… Thông qua đó, giúp học sinh nhận thấy trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với gia đình và xã hội mà trước tiên là trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm trong học tập, lao động…

THÚY HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek