Thứ Sáu, 29/11/2024 11:43 SA
Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực:
Đổi mới phương pháp dạy học có vai trò quyết định
Thứ Tư, 28/12/2011 10:30 SA

Một môi trường giáo dục đúng nghĩa phải là môi trường học tập an toàn và bình đẳng, thân thiện và dân chủ, tạo được hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em cảm nhận được sự thoải mái trong học tập.

 

trung-vuong-111228.jpg

Dạy học tương tác là một cơ sở thể hiện sự thân thiện của môi trường giáo dục. Trong ảnh: Một giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.THÚY

THAY ĐỔI CÁCH DẠY VÀ HỌC

 

Mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực không chỉ là quyết tâm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT mà còn là kết quả của một quá trình nghiên cứu, kết hợp lý luận và thực tiễn giáo dục trong nước với việc tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm giáo dục tiên tiến của thế giới. Thời gian qua, dư luận xã hội đã phản ánh khá nhiều những vấn đề bức xúc về cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thốn của nhiều trường học, vấn nạn bạo lực học đường, về tình trạng học sinh chán học, bỏ học, về phương pháp dạy học một chiều, thụ động… Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong các nội dung cơ bản của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học lại được đặt ra như một yêu cầu sinh tử, quyết định sự thành bại của cả mô hình. Rõ ràng, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh, làm cho việc học tập của học sinh trở nên nhẹ nhàng, thoải mái, hiệu quả không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của giáo viên trong quá trình tự thân chuyển hóa những kiến thức giáo dục học, tâm lý học sư phạm, lý luận dạy học… vào thực tế dạy học mà còn rất cần những nghiên cứu mang tính chuyên sâu.

 

Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, chú trọng đến chủ thể học sinh là một phương hướng giáo dục quen thuộc mà lâu nay chúng ta vẫn thấy qua những tư tưởng như: “biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo”, “Học sinh là chủ thể sáng tạo”, “Thầy chủ đạo, trò chủ động”… Học sinh tích cực là học sinh luôn đặt mình trong một trạng thái học tập có động cơ phấn đấu rõ ràng, có sự nỗ lực cao về trí tuệ, nghị lực. Từ chỗ chỉ biết tái hiện kiến thức, học sinh tích cực sẽ là người biết tự tìm tòi, tự nghiên cứu, phát hiện các kiến thức cần nắm trong quá trình học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, một nhận thức đúng đắn về vai trò chủ thể của học sinh phải luôn luôn gắn liền với ý thức và niềm tin của giáo viên. Và học sinh tích cực không thể nằm ngoài mối quan hệ với giáo viên tích cực, không thể không chịu ảnh hưởng trực tiếp của một môi trường giáo dục thân thiện. Trong mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, học sinh là chủ thể góp phần hình thành nên môi trường “trường học thân thiện” (không có học sinh tích cực thì không thể có trường học thân thiện”, và từ một góc độ khác, học sinh lại là khách thể trực tiếp tiếp nhận tác động của môi trường đó (chỉ có trong môi trường trường học thân thiện, học sinh mới có điều kiện phát huy tính tích cực của mình).

 

TĂNG CƯỜNG ĐỐI THOẠI GIỮA GIÁO VIÊN, HỌC SINH

 

Tính tích cực của học sinh là kết quả của một quá trình cá nhân nhận thức, phấn đấu lâu dài, liên tục, đồng thời cũng là kết quả của một quá trình giáo dục - dạy học sáng tạo, đầy trách nhiệm của mỗi giáo viên. Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh đòi hỏi phải thay đổi cả cách dạy và cách học, chuyển cách dạy thụ động, truyền thụ một chiều, giáo viên làm trung tâm sang cách dạy lấy học sinh làm trung tâm; ở đó học sinh là chủ thể hoạt động, giáo viên là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học. Ở đây, tôi muốn lưu ý thêm: để tổ chức hoạt động tương tác với học sinh và để sự tương tác đó trở thành một cơ sở thể hiện sự thân thiện của môi trường giáo dục, giáo viên không những phải biết lựa chọn, vận dụng những phương pháp dạy học tích cực, hiệu quả nhất, phản ánh được những đặc trưng hoạt động tương tác giữa các chủ thể của quá trình dạy học mà còn phải xác lập được quan hệ giao tiếp đối thoại với học sinh. Hình thức giao tiếp này đồng thời cũng là phương thức hoạt động tương tác khác hẳn với các phương thức khác ở chỗ, đây là sự giao tiếp cởi mở giữa các bên. Đề xướng đối thoại, dẫn dắt đối thoại, duy trì và làm cho đối thoại trở nên tự nhiên, cần thiết, đó là nhiệm vụ của người giáo viên trong dạy học. Hơn ai hết, giáo viên phải là người hiểu rằng: chỉ qua đối thoại trong một môi trường thân thiện mới có thể xây dựng được sự thống nhất tình cảm và lý trí. Không có đối thoại thì không có hoạt động tương tác sư phạm thực sự, không có học sinh tích cực thực sự. Và ngược lại, chỉ khi nào giáo viên và học sinh tích cực đối thoại với nhau trong quá trình dạy học, khi đó chúng ta mới có điều kiện để nói đến một môi trường - một nhà trường thân thiện.

 

Thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là phấn đấu cho mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện. Vì vậy, phong trào này phải phát huy được những giá trị truyền thống của phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt”; làm cho mọi thành viên trong các đơn vị giáo dục đều tự giác thực hiện khẩu hiệu “Kỷ cương – tình thương – trách nhiệm”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; mỗi học sinh đều được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, năng động, linh hoạt và có những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

 

PGS.TS NGUYỄN XUÂN TẾ

Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek