Thứ Năm, 10/10/2024 11:26 SA
Nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử, cách nào?
Thứ Tư, 21/12/2011 14:00 CH

Nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở trường trung học là một đòi hỏi mang tính quyết định trong việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn này? Bắt đầu từ đâu? Đây là nội dung quan trọng vừa được Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức bàn thảo tại Hội thảo nâng cao chất lượng dạy - học bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông.

 

hien-1111221.jpg

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền (Trường THPT Nguyễn Huệ) trong một tiết giảng môn Lịch sử - Ảnh: T.HẰNG

 

KẾT QUẢ ĐÀO TẠO MÔN LỊCH SỬ CHƯA CAO

 

Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông, mới đây, Sở GD-ĐT tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng dạy - học môn Lịch sử ở trường phổ thông. Đây là dịp để hơn 100 cán bộ quản lý, chuyên viên, giáo viên cốt cán môn Lịch sử cấp THCS, THPT có dịp ngồi lại trao đổi, rút kinh nghiệm dạy học, tìm ra các giải pháp hay, thực hiện có hiệu quả.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã nhìn nhận, đánh giá lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến dạy và học bộ môn Lịch sử trong trường trung học, như nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá việc học tập của học sinh. Phó hiệu trưởng Trường THCS Tôn Đức Thắng Nguyễn Văn Cư (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) cho biết, từ thực tế giảng dạy trong nhiều năm qua cho thấy đa số học sinh cho môn Lịch sử là môn phụ nên ít đầu tư cho việc học tập ở nhà, ít chú ý nghe giảng và còn lơ là trong học tập; một số phụ huynh không quan tâm đến việc học của con em và chỉ hướng con em mình học các môn tự nhiên… Chính vì thế, kết quả đào tạo môn học này chưa cao. Còn giáo viên Trần Ngọc Hạnh, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa) cho rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch sử ở các trường phổ thông còn nhiều bất cập, đó là phương pháp dạy học của giáo viên chưa phát huy được vai trò chủ động, tích cực của học sinh. Vì vậy, kiểm tra đánh giá trong quá trình học tập của học sinh vẫn thực hiện theo quan niệm cũ, nghĩa là khi kiểm tra đánh giá, giáo viên chỉ mới chú ý đến việc nắm kiến thức. Trong kiến thức, giáo viên mới chỉ xem xét vấn đề “biết” lịch sử, còn coi nhẹ việc “hiểu” lịch sử của học sinh để vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Việc kiểm tra đánh giá như vậy dẫn đến tình trạng học sinh học đối phó, học vẹt và ít hứng thú học tập.

 

Theo các đại biểu, việc dạy học môn Lịch sử trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đào tạo thế hệ trẻ trong tình hình mới còn do các trường chưa đặt đúng vị trí, chức năng của môn Lịch sử trong hệ thống các môn học ở phổ thông, khiến học sinh có xu hướng coi nhẹ môn học này. Điều này thể hiện rõ ràng nhất khi biết năm học nào không thi môn Lịch sử thì nhiều trường cho học nhanh môn Lịch sử để dành thời gian cho các môn học khác.

 

“Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học môn Lịch sử, đó là nội dung sách giáo khoa còn nặng nề và quá khô khan, thiên về quan điểm áp đặt đối với học sinh hơn là tính trung thực, khách quan của lịch sử. Bên cạnh đó, với lối dạy “như sách”, nặng về đọc - chép, thiếu sinh động của một số giáo viên khiến đa số học sinh chán học môn Lịch sử” Phó trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Lê Duy Nhất nhấn mạnh.

 

“HÚT” HỌC SINH HỌC LỊCH SỬ, CÁCH NÀO?

 

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của môn Lịch sử đối với việc bồi dưỡng tình cảm, hình thành nhân cách cho học sinh. Qua đó, đề xuất những giải pháp làm thay đổi cách nhìn đối với bộ môn này trong nhà trường, trong việc dạy, học và thi cử của học sinh.

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiệp Ngọc, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đề xuất: Muốn có trò giỏi trước hết phải có thầy giỏi. Vậy nên Sở GD-ĐT cần tuyển dụng những giáo viên thực sự có chất lượng về giảng dạy, nhất là trường chuyên. Điều này rất cần thiết đối với nghề dạy học và càng quan trọng hơn đối với trường chuyên. Bản thân giáo viên phải luôn không ngừng tự hoàn thiện bản thân, đầu tư nhiều vào chuyên môn. Các phương pháp dạy học truyền thống và hiện đại phải được sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn. Sự vững vàng trong chuyên môn của giáo viên sẽ giúp học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học. Điều này rất cần thiết đối với việc củng cố, nâng cao, mở rộng kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hành bộ môn, đồng thời phát huy được khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh cũng như tính tích cực trong lĩnh hội kiến thức.

 

Đổi mới, cải tiến phương pháp dạy, học môn Lịch sử là việc làm liên quan đến nhiều khâu, nhiều việc và nhiều người. Đây là vấn đề lớn và khó, song vấn đề cấp bách được các đại biểu đặt ra tại Hội thảo nâng cao chất lượng dạy - học môn Lịch sử ở trường phổ thông đó là làm thế nào để “hút” học sinh học lịch sử. Theo Phó hiệu trưởng Trường THCS Tôn Đức Thắng Nguyễn Văn Cư, để học sinh chăm học, yêu thích bộ môn Lịch sử, giáo viên phải biết đan xen, lồng ghép nhiều phương pháp trong một bài dạy cho phù hợp. Trong đó, hiệu quả nhất là phương pháp dạy học theo nhóm. Phương pháp này giúp học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau khai thác kiến thức, qua đó, các em tự lĩnh hội được nội dung bài học từ sự tìm tòi, phát hiện của mình. Đồng thời, giúp các em nhớ bài kỹ hơn, sâu hơn, tạo được niềm say mê, hứng thú học tập. Còn thầy Phạm Văn Lâm, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) cho biết: “Đồng Xuân là vùng đất căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có di tích lịch sử cấp quốc gia – nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Phú Yên. Đây là địa chỉ đỏ để giáo viên môn Lịch sử có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục học sinh về tinh thần yêu quý quê hương đất nước”. Thầy Lâm khẳng định: Trong dạy học lịch sử, nếu học sinh chỉ thuộc ghi nhớ các sự kiện, số liệu, ngày tháng, tên đất, tên người… khô khan, buồn chán bằng cách “thầy đọc - trò chép” những nội dung sách giáo khoa ở trên lớp thì kết quả đạt được sẽ không cao. Vì vậy, các tri thức lịch sử học sinh tiếp nhận được không chỉ qua bài học trên lớp mà còn phải qua nhiều kênh thông tin khác, trong đó hoạt động ngoại khóa là một trong những kênh thông tin rất quan trọng.

 

Vẫn biết thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức không phải là việc một sớm một chiều. Tuy nhiên, cách mà Hội thảo nâng cao chất lượng dạy - học môn Lịch sử ở trường phổ thông mà Sở GD-ĐT triển khai cho ta hy vọng về một bức tranh sáng màu trong tương lai về cách dạy và học môn Lịch sử.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek