Thứ Năm, 10/10/2024 23:26 CH
Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên:
35 năm xây dựng và trưởng thành
Thứ Sáu, 02/12/2011 07:30 SA

Cách đây 35 năm, ngày 16/12/1976, Tổng Giám đốc NHNN Việt Nam (nay là Thống đốc NHNN Việt Nam) đã ký quyết định số 1230/NH-QĐ về việc thành lập Trường trung học Ngân hàng 2 TW (THNH2TW) nay là Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ trung cấp Ngân hàng cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

 

thay-duc111202.jpg

Thầy Trần Văn Đức

Địa điểm của nhà trường là khu gia binh của ngụy quyền Sài Gòn để lại, nằm trên đồi cát biển thuộc địa bàn phường 5, TX Tuy Hòa (nay là phường 7, TP Tuy Hòa). Cơ sở vật chất chỉ có vài trại lính lợp bằng tôn đã han gỉ, xung quanh bốn bề là cát biển, mùa hè nóng bức không một bóng cây, mùa đông sóng biển ầm ầm và cát bay mù mịt suốt ngày đêm. Thấm thoát đã 35 năm, trên mảnh đất khô cằn, tập thể cán bộ, giáo viên (CBGV) và lớp lớp học sinh, sinh viên (HSSV) nối tiếp nhau đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thử thách, kể cả mất mát hy sinh nhưng đó cũng là niềm tự hào của mỗi CBGV, HSSV đã và đang xây dựng nên mái trường ngày càng khang trang và đẹp đẽ hơn. Lớp lớp HSSV được đào tạo và tốt nghiệp ra trường đã và đang từng ngày phấn đấu hết sức mình phục vụ cho sự nghiệp của ngành Ngân hàng và các tổ chức kinh tế khác trên địa bàn các tỉnh Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.

 

Lịch sử 35 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường là sự kế tiếp nhau của 3 giai đoạn: Từ Trường THNH 2TW Tuy Hòa - Phú Khánh, đến Chi nhánh Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (TTĐT&NCKHNH) Phú Yên và nay là Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên.

 

HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN

 

Giai đoạn 16/12/1976 đến 23/3/1993: tên gọi là Trường THNH 2TW Tuy Hòa - Phú Khánh. Đây là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất. Cơ sở vật chất chưa có gì, đội ngũ CBGV của trường chỉ có 8 người nhưng phải khẩn trương triển khai đào tạo lớp sơ cấp Kế toán Ngân hàng đầu tiên với số lượng 70 học viên cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Để đào tạo lớp học này nhà trường phải mượn khu gia binh của Nha tuyên úy ngụy (chế độ cũ) để giảng dạy, học tập và sinh hoạt (thuộc phường 6, TX Tuy Hòa). Lúc này nhà trường tiến hành song song hai nhiệm vụ: Vừa xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng CBGV, tiếp nhận giáo viên từ phía Bắc chuyển vào, vừa tiến hành kế hoạch tuyển sinh khóa 1 năm 1977 với chỉ tiêu 250 học sinh và các khóa tiếp theo. Nhờ vậy, bộ máy tổ chức của nhà trường dần dần được củng cố và tăng cường về số lượng cũng như chất lượng. Đến tháng 12/1990, tổng số CBGV tăng lên 119 người trong đó có 47 giáo viên, trình độ đại học chiếm tỉ lệ 75%, được biên chế gồm: Ban Giám hiệu, 6 phòng ban và 5 tổ bộ môn, đào tạo với hai chuyên ngành Kế toán Ngân hàng và Tín dụng Ngân hàng.

 

Năm 1992 thực hiện chủ trương của Nhà nước về tinh giảm biên chế của các đơn vị hành chính sự nghiệp, nhà trường tiến hành sắp xếp lại bộ máy và tinh giảm biên chế. Cơ cấu tổ chức của nhà trường được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, tổng số CBGV lúc này chỉ còn lại 75 người và được biên chế thành 2 phòng và 5 bộ môn. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ Ban Giám hiệu đến phòng, bộ môn được bổ nhiệm lại theo hướng trẻ hóa nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành.

 

Giai đoạn từ 23/3/1993 đến 9/2/1998: tên gọi là Chi nhánh TTĐT&NCKH Phú Yên. Để phục vụ sự nghiệp đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, của ngành Ngân hàng, công tác đào tạo của ngành cũng được thay đổi, ngày 23/3/1993 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 112 về việc thành lập TTĐT&NCKHNH trên cơ sở tổ chức lại 2 trường cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng, Viện Nghiên cứu tiền tệ - tín dụng và 4 trường trung học Ngân hàng, trong đó Trường THNH 2TW trở thành Chi nhánh TTĐT&NCKHNH Phú Yên. Với nhiệm vụ được giao là đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng, tổ chức NCKH và công nghệ về ngân hàng để đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngân hàng trong nền kinh tế thị trường. Trong những năm này, việc chuyển đổi mô hình từ Trường THNH 2TW thành Chi nhánh TTĐT&NCKHNH Phú Yên đã làm cho Chi nhánh gặp rất nhiều khó khăn, vì TTĐT&NCKHNH không được tuyển sinh học sinh ngoài xã hội, không được cấp bằng tốt nghiệp theo hệ thống văn bằng quốc gia, hàng ngàn HSSV và cán bộ ngân hàng được đào tạo cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (3 năm), công nghệ ngân hàng (2 năm) nhưng chỉ được cấp chứng chỉ, gây nhiều thiệt thòi cho người học, việc tuyển sinh hết sức khó khăn, giáo viên lần lượt xin chuyển công tác về các Ngân hàng tỉnh... Số lượng CBGV chỉ còn lại hơn 40 người, trong đó giáo viên chỉ còn lại hơn 10 người.

 

Tuy nhiên, tập thể CBGV còn lại của Chi nhánh đã cố gắng phát huy truyền thống của đơn vị, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

 

Giai đoạn từ tháng 2/1998 cho đến nay: tên gọi là Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên. Đứng trước đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nói chung và hệ thống Ngân hàng nói riêng, mô hình TTĐT&NCKHNH đã bộc lộ nhiều bất cập, đó là: Không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, không được tuyển học sinh ngoài xã hội và không được cấp bằng theo hệ thống văn bằng quốc gia, do đó dẫn đến hẫng hụt trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Ngân hàng và gây thiệt thòi cho HSSV và cán bộ ngân hàng đã được học tập tại Trung tâm. Trước tình hình đó, nhiệm vụ đào tạo của ngành đã chuyển sang một bước ngoặc lịch sử. Học viện Ngân hàng được ra đời trên cơ sở tổ chức lại TTĐT&NCKHNH theo Quyết định số 30 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định trên, Học viện Ngân hàng gồm có trụ sở chính tại Hà Nội và 4 Phân viện ở TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Bắc Ninh và Hà Tây. Chi nhánh TTĐT&NCKHNH Phú Yên trở thành Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên.

 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù ở mô hình đào tạo nào thì chất lượng đào tạo cũng luôn là một nội dung được Đảng ủy, Ban giám đốc và các tổ chức đoàn thể của Phân viện quan tâm hàng đầu, chính vì vậy, chất lượng đào tạo được giữ vững và đã đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của các Ngân hàng qua các thời kỳ. Về chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được chú trọng, nâng cao về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học... Hiện nay, Phân viện có 91 CBGV, trong đó giảng viên là 59 người, trên 90% giáo viên đã được Học viện Ngân hàng công nhận đủ điều kiện giảng dạy ở bậc đại học, cao đẳng. Từ năm 2000 đến nay, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Phân viện đã tạo mọi điều kiện tốt cho giảng viên đi học sau đại học. Đến nay đã có gần 70% giáo viên đã tốt nghiệp cao học và đang học cao học, nghiên cứu sinh. Nếu như từ năm 2005 trở về trước, Phân viện chủ yếu đào tạo bậc trung cấp thì từ năm 2006 đến nay Phân viện đã được Học viện Ngân hàng giao nhiệm vụ đào tạo bậc cao đẳng, đại học là chủ yếu.

 

ngan-hang111102.jpg
Một giờ học về chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng - Ảnh: T.HẰNG

 

KẾT QUẢ NGỌT NGÀO

 

Qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, Phân viện đã đào tạo được 8.033 học sinh trung cấp, 538 sinh viên cao đẳng, 285 học viên cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng, 923 sinh viên đại học tại chức, 1.615 sinh viên đại học liên kết với Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. Ngoài ra, Phân viện còn đào tạo hơn 4.000 học viên các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Ngân hàng cơ bản, Kế toán doanh nghiệp, nghiệp vụ quỹ Tín dụng nhân dân, đào tạo Anh văn, Tin học trình độ A.... Hiện Phân viện có gần 2.000 HSSV đang học tập. Nhìn chung HSSV tốt nghiệp ra trường đã phát huy tác dụng tốt đối với hoạt động của các Ngân hàng và các tổ chức kinh tế khác. Hiện nay rất nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt của các Ngân hàng trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên đều do những HSSV được đào tạo tại Phân viện đảm nhiệm.

 

Về công tác xây dựng cơ sở vật chất: Qua 35 năm, Phân viện đã xây dựng được trên 20.000m2 nhà ở, giảng đường, thư viện... (gồm có nhà cấp 2, cấp 3, cấp 4) đảm bảo tiện nghi cho HSSV ăn ở, sinh hoạt, học tập. Trong đó có hệ thống giảng đường, thư viện và các phòng học ngoại ngữ, tin học... được trang bị các trang thiết bị hiện đại, hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giảng viên và HSSV.

 

Về phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Phân viện vững mạnh: Lãnh đạo Phân viện luôn luôn coi công tác thi đua là động lực để thúc đẩy CBGV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vì vậy phong trào thi đua được duy trì thường xuyên và đã được CBGV nhiệt tình hưởng ứng. Qua công tác thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua chung của toàn ngành và được tặng thưởng các danh hiệu thi đua như sau: Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (1996), Huân chương Lao động hạng nhì (2006) cho tập thể CBGV Phân viện; Huân chương Lao động hạng ba cho 2 cá nhân (2006); Huân chương Lao động hạng nhì cho một cá nhân (2011); 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được Thống đốc NHNN Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Bộ Công an và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tặng nhiều bằng khen. Nhiều năm liền Đảng bộ của Phân viện được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Công tác “đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động xã hội từ thiện khác được toàn thể CBGV hưởng ứng nhiệt tình và đã tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng cho công tác này…

 

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG TƯƠNG LAI

 

Những thành quả đạt được trong 35 năm qua của Phân viện rất đáng khích lệ. Để tiếp tục phát huy những thành quả này, thời gian đến Phân viện tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức theo hướng trẻ hóa và thực hiện tiêu chuẩn hóa các chức danh, thành lập Trung tâm đào tạo trực thuộc Phân viện và tiến hành trả lương theo khối lượng và chất lượng công việc. Chú trọng tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng giảng viên. Yêu cầu giảng viên phải tự học nâng cao trình độ ngoại ngữ để đến cuối năm học 2012-2013, 100% giảng viên phải đạt chuẩn IELTS 5.5 trở lên; riêng giảng viên tiếng Anh phải đạt chuẩn IELTS 6.5. Yêu cầu giảng viên phải đi học sau đại học, giảng viên dưới 40 tuổi (nam) và dưới 30 tuổi (nữ) học sau đại học ở nước ngoài, hoặc tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài mở tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp cao học, trong vòng 5 năm phải tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Phân viện phấn đấu đến năm 2015 đạt ít nhất 80% giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó 10% có học vị tiến sĩ.

 

Hiện nay tại Phân viện đang đào tạo các hệ: đại học liên thông hệ chính quy; đại học tại chức; đại học văn bằng 2; cao đẳng chính quy; cao đẳng liên thông chính quy; trung cấp chính quy, tại chức và các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, phấn đấu năm học 2012-2013 Phân viện phối hợp Học viện Ngân hàng tổ chức đào tạo đại học chính quy ngành Tài chính ngân hàng tại Phân viện Phú Yên.

 

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý và phục vụ người học: Đến nay, Phân viện đã thực hiện việc quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ được 4 năm, qua đó đã dần hoàn thiện hình thức đào tạo này. Trong những năm sắp tới, Phân viện tiếp tục đẩy mạnh việc quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ, chú trọng xây dựng hệ thống học liệu, kế hoạch giảng dạy cho từng học phần, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học làm trung tâm, phát huy vai trò cố vấn học tập của giảng viên, tính tự lực chủ động của người học.

 

Thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở vật chất, trong đó tiếp tục tăng cường hoàn thiện hệ thống giảng đường, thư viện, ngân hàng thực hành... và đầu tư máy móc thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho giảng dạy, học tập. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành và xã hội.

Trần Văn Đức

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Phân viện

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek