Thứ Bảy, 12/10/2024 07:22 SA
Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá:
Tạo mọi điều kiện để giáo dục mầm non phát triển
Thứ Ba, 04/10/2011 14:00 CH

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em năm tuổi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015 vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ hai, khóa VI. Báo Phú Yên phỏng vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá về các vấn đề liên quan đến đề án này.

 

ta-111004.jpg

Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá. - Ảnh: M.THÚY

* Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, các cấp ngành chưa thực sự quan tâm đến giáo dục mầm non nên đến nay bậc học này được đánh giá yếu và thiếu về nhiều mặt. Theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

 

- Gần đây, giáo dục mầm non tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực về quy mô, chất lượng giáo dục – chăm sóc trẻ và cơ sở vật chất so với thời gian trước đây. Tuy nhiên thực trạng cơ sở vật chất – kỹ thuật của giáo dục mầm non ở tỉnh ta vẫn còn nhiều mặt khó khăn, thậm chí là yếu kém. Hầu hết các trường mầm non dân lập, bán công mới được chuyển đổi sang công lập ở xã, phường còn nhiều điểm lẻ. Nhiều phòng học thuộc diện cải tạo từ phòng học cũ, nhà làm việc nên diện tích chưa đảm bảo cho trẻ học tập, vui chơi. Số phòng học đảm bảo cho trẻ học hai buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới còn thiếu. Ở nhiều trường và điểm trường mầm non, trang thiết bị bên trong và bên ngoài lớp học quá nghèo nàn, lạc hậu; vẫn còn nhiều phòng học mượn tạm các nhà sinh hoạt cộng đồng, các trụ sở thôn, buôn, hợp tác xã.... Phần lớn các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay vẫn chưa có các phòng chức năng, chưa có nhà vệ sinh khép kín, bếp ăn một chiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.

 

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non vẫn còn thiếu. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ở Phú Yên hiện nay chưa được các địa phương thực sự quan tâm đầy đủ như các cấp học khác. Số lượng trường đạt chuẩn còn quá ít so với yêu cầu chung của cả nước. Vì vậy, để giáo dục mầm non Phú Yên phát triển cần có sự quan tâm đầu tư thích đáng về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, điều kiện làm việc nhằm tạo đà cho sự phát triển của giáo dục các cấp sau này. Đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi triển khai sẽ giải quyết tất cả những hạn chế trên.

 

* Trẻ năm tuổi nói riêng, giáo dục mầm non nói chung sẽ được hưởng lợi gì khi đề án này triển khai?

 

- Đề án triển khai sẽ bảo đảm hầu hết trẻ năm tuổi ở mọi địa bàn trong tỉnh được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ hai buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mĩ, tiếng Việt và tâm thế sẵn sàng đi học. Mục tiêu cụ thể như: củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp bảo đảm đến năm 2015 có 95% số trẻ em trong độ tuổi năm tuổi được học hai buổi/ngày; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non năm tuổi, giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phấn đấu đến năm 2015 có 100% trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới; đảm bảo 100% giáo viên dạy mầm non năm tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2012, phấn đấu đến năm 2015 có trên 60% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non năm tuổi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các huyện nghèo làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ giáo dục mầm non.

 

Theo kế hoạch, năm 2013, TP Tuy Hòa và hai huyện Phú Hòa, Tây Hòa đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em năm tuổi; đối với các huyện, thị xã còn lại, phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành.

 

 

5-tuoi111004.jpg

Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi được triển khai sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy - học bậc mầm non. - Ảnh: M.THÚY

 

* Để thực hiện đề án này, trước mắt, ngành GD-ĐT sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện như thế nào?

 

- Từ năm học 2011-2012, ngành GD-ĐT tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ em năm tuổi trên địa bàn toàn tỉnh, các huyện, thị xã , thành phố và các cơ sở giáo dục mầm non. Hàng năm, huy động hầu hết trẻ em năm tuổi đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục hai buổi/ngày; duy trì và giữ vững số trẻ em dưới năm tuổi đến các cơ sở giáo dục mầm non dưới nhiều hình thức. Đến năm 2015, quy mô trẻ em mầm non năm tuổi của toàn tỉnh ra lớp là 100%; duy trì 70% số trẻ ba đến bốn tuổi đến lớp mẫu giáo và 20% số trẻ đến nhà trẻ. Hàng năm, đưa chỉ tiêu PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi vào chương trình; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo triển khai thực hiện; đưa kết quả thực hiện PCGDMN cho trẻ em năm tuổi vào tiêu chuẩn bình xét, đánh giá các trường, các cấp chính quyền, đoàn thể, bình xét gia đình văn hóa và đơn vị văn hóa. Cấp ủy, chính quyền địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn phối hợp vận động các gia đình đưa trẻ em năm tuổi đến trường, lớp học hai buổi/ngày.

 

* Khó nhất của giáo dục mầm non ở Phú Yên đó là tổ chức dạy hai buổi/ngày do thiếu cơ sở vật chất. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này?

 

- Tổng kinh phí thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015 là 268,19 tỉ đồng tập trung đầu tư vào ba dự án. Dự án một, xây dựng phòng học, phòng chức năng với kinh phí 222,475 tỉ đồng. Dự án hai, mua sắm trang thiết bị, đồ chơi với kinh phí 30,673 tỉ đồng. Dự án ba, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em khó khăn. Một khi các hạng mục này được đầu tư bài bản sẽ góp phần đảm bảo chất lượng dạy và học ở bậc học này. * Kinh phí thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em năm tuổi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015 rất lớn, trong khi việc thực hiện xã hội hóa giáo dục cho bậc học này còn nhiều hạn chế. Làm thế nào để đề án đạt tiến độ như đã đề ra?

 

- Lâu nay, do chưa được quan tâm đúng mức nên bậc học mầm non chưa được ưu tiên đầu tư. Từ năm học này, ngành GD-ĐT Phú Yên sẽ ưu tiên sử dụng nhiều nguồn kinh phí như: Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; các chương trình mục tiêu quốc gia khác tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non. Đồng thời lồng ghép các chương trình dự án khác nhau trên cùng một địa bàn và huy động các nguồn lực hợp lý của nhân dân để thực hiện PCGDMN cho trẻ em năm tuổi; cha mẹ có trách nhiệm phối hợp với nhà trường để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập (tư thục) theo tinh thần Nghị định số 69 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

 

Tại các vùng khó khăn, có giải pháp thích hợp huy động sự đóng góp công sức lao động của nhân dân cùng với ngân sách Nhà nước để xây dựng trường, lớp; kết hợp chính sách của địa phương với chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tổ chức ăn bán trú hoặc thực hiện chương trình bữa ăn học đường tại lớp cho tất cả trẻ em năm tuổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để dạy tiếng Việt cho trẻ.

 

THÚY HẰNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek