Thứ Hai, 14/10/2024 11:20 SA
Học tập theo nhóm:
Hiệu quả cao nhưng khó nhân rộng
Thứ Ba, 12/07/2011 14:00 CH

Học tập theo nhóm là cách học đang được các trường vận dụng trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, phương pháp dạy này chưa được phần lớn giáo viên sử dụng một cách thường xuyên, hoặc có sử dụng thì cũng qua loa, chiếu lệ, chỉ thực hiện khi có thao giảng dự giờ.

 

cung-hoc-nhom110712.jpg

Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi học nhóm - Ảnh: M.THÚY

 

PHÁT HUY TÍNH TÍCH CỰC, SÁNG TẠO

 

Với 56 điểm, trong đó Ngữ văn: 8,5 điểm, Địa lý: 8 điểm, Tiếng Anh: 9,5 điểm, các môn Toán, Vật lý, Sinh học đều 10 điểm/môn, Nguyễn Thị Thanh Tâm, học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (TP Tuy Hòa) đã đỗ thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Để đạt được kết quả này, theo thủ khoa Thanh Tâm là nhờ em biết cách xây dựng kế hoạch học tập và tự học. Lợi thế lớn nhất của Nguyễn Thị Thanh Tâm đó là có mẹ làm giáo viên nên ngay từ nhỏ cô thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 được mẹ hướng dẫn khá kỹ về phương pháp học tập cũng như cách tự học. Nhờ vậy, trong suốt 12 năm đến trường, Tâm luôn đạt học sinh giỏi. Bà Nguyễn Thị Thanh Tân - mẹ Tâm và cũng là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự (TP Tuy Hòa) cho biết: “Những năm gần đây Trường THPT Ngô Gia Tự quan niệm phong trào hội giảng, dự giờ là một trong những biện pháp để cải tiến phương pháp, bồi dưỡng năng lực giảng dạy của giáo viên. Do đó, phong trào này được nhà trường tổ chức thường xuyên, thu hút 100% giáo viên tham gia. Sau mỗi đợt hội giảng, các tổ chuyên môn chọn ra tiết xuất sắc tham gia hội giảng cấp trường để toàn thể giáo viên học tập và rút kinh nghiệm”. Với kinh nghiệm của một giáo viên, cô Tân cho rằng, hiệu quả nhất trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy đó là tổ chức học nhóm. Do đó, ngoài thời gian học tập ở trường, cô Tân khuyến khích Thanh Tâm thành lập nhóm cùng bạn bè học tập. Với cách học tập này, Thanh Tâm học đều các môn và đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

 

Dạy học theo nhóm là hình thức giảng dạy đặt học sinh vào môi trường học tập tích cực, trong đó học sinh được tổ chức thành nhóm một cách thích hợp. Học hợp tác nhóm giúp học sinh rèn luyện và phát triển kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, tạo điều kiện cho học sinh học hỏi lẫn nhau, phát huy vai trò trách nhiệm, tính tích cực xã hội trên cơ sở làm việc hợp tác. Thông qua hoạt động nhóm, học sinh có thể cùng làm việc với nhau những công việc mà một mình không thể tự làm được trong một thời gian nhất định. Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phước số 1 Đinh Văn Thanh cho biết: “Đối với cấp tiểu học, việc rèn cho học sinh các kỹ năng học hợp tác nhóm là hết sức cần thiết, tạo điều kiện để các em có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau góp phần vào việc giáo dục toàn diện nhân cách cho học sinh. Từ khi thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, nhà trường đặc biệt chú ý đến việc tổ chức cho học sinh học tập theo nhóm. Qua quá trình học tập này, đối với học sinh học lực yếu, kém được giúp đỡ để học tập tiến bộ, học sinh giỏi được bồi dưỡng để nâng cao hơn nữa kết quả học tập”.

 

CẦN ĐỒNG BỘ TRONG ĐỔI MỚI, KIỂM TRA

 

Theo các giáo viên, tổ chức dạy học nhóm là một hình thức dạy học mới. Đó là một trong những hình thức thực hiện tốt việc dạy học phát huy tính tích cực và tương tác của học sinh. Với hình thức này, học sinh được hấp dẫn, lôi cuốn vào các hoạt động học, nắm được kiến thức bằng chính khả năng của mình với sự giúp đỡ, hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên, phương pháp dạy này chưa được phần lớn giáo viên sử dụng một cách thường xuyên, hoặc có sử dụng thì cũng qua loa, chiếu lệ, chỉ thực hiện khi có thao giảng dự giờ.

 

Để phương pháp học tập này được thực hiện thường xuyên, từ năm học 2008 - 2009 trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, ngành GD-ĐT yêu cầu các trường tích cực thực hiện dạy và học hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp học sinh tự tin học tập thông qua học tập theo nhóm. Cô giáo Lê Thị Tánh, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Tuy Hòa) cho biết: “Dạy học theo nhóm, giáo viên phải chọn những bài, những câu hỏi trong bài học có độ khó tương đối, có hướng mở, đòi hỏi có nhiều thời gian và nhiều người tham gia thảo luận, tranh cãi mới vỡ lẽ ra vấn đề. Trong học hợp tác nhóm, trách nhiệm học tập của mỗi thành viên được chia sẻ. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm giúp đỡ, động viên lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, dạy học theo nhóm đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch dạy học, lựa chọn những nội dung thực sự phù hợp với hoạt động nhóm và thiết kế được các hoạt động giúp các em lĩnh hội, khám phá kiến thức mới một cách tốt nhất”.

 

Hầu như giáo viên nào cũng thấy việc đổi mới phương pháp dạy và học là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Điều mấu chốt của việc đổi mới phương pháp chính là giúp cho học sinh biết cách học sáng tạo để chủ động hơn và hào hứng hơn trong quá trình học tập, tập dần với thói quen tự mình tìm hiểu và khám phá những tri thức mới. Nhưng việc đổi mới phương pháp cần được triển khai đồng bộ với việc đổi mới cách kiểm tra, thi cử cũng như nội dung chương trình, tránh hiện tượng “tham bát bỏ mâm” làm cho chương trình quá nặng nề, khiến cho giáo viên dạy đuổi theo chương trình đã mệt, nói gì đến việc đổi mới phương pháp.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek