Thứ Ba, 15/10/2024 19:25 CH
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi:
Thiếu trường, thiếu thầy
Thứ Ba, 19/04/2011 11:00 SA

Chủ trương huy động trẻ 5 tuổi đến lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào học lớp 1. Đây là một chủ trương lớn của Chính phủ, tuy nhiên, ngay khi triển khai thực hiện, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ ở độ tuổi này đã vấp phải nhiều khó khăn.

 

ve110419.jpg

Trẻ học vẽ tại Trường Mầm non Anh Đào (TP Tuy Hòa). - Ảnh: M.THÚY

 

NHIỀU KHÓ KHĂN

 

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đến năm 2012 có 85% tỉnh đạt phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và năm 2015 là 100%. Đến năm học 2014-2015, nâng lên 95% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, 100% trẻ trong các cơ sở mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, 100% giáo viên dạy trẻ mầm non 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo... Thế nhưng, khi bắt tay vào thực hiện, giáo dục mầm non lại đứng trước rất nhiều vấn đề.

 

Tại hội nghị giao ban lần thứ hai năm học 2010-2011 Vùng thi đua số 4 vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức tại Phú Yên, với sự tham dự của 10 sở GD-ĐT gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắt Nông, Gia lai, Kon Tum. Tại cuộc họp này, đại diện các tỉnh đã bày tỏ băn khoăn về những khó khăn vấp phải khi thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Bên cạnh cơ sở vật chất thiếu thốn, ngành GD-ĐT Gia Lai còn thiếu khoảng 1.000 giáo viên để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi”. Trong khi đó, ông Vũ Văn Huynh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk bày tỏ: “Đắk Lắk hiện còn đến 300 buôn chưa có trường, lớp mầm non, 31 xã không có trường mầm non độc lập mà phải ghép với trường tiểu học. Cả tỉnh chỉ có khoảng 20% số trường học kiên cố”. Để đáp ứng yêu cầu phổ cập, theo đại diện tỉnh Đắk Lắk, sẽ phải xây dựng thêm ít nhất trên 800 phòng học. Đối với tỉnh Phú Yên, hai năm gần đây, cơ sở vật chất bậc học mầm non đã được các cấp quan tâm đầu tư, song so với các bậc học khác ở Phú Yên, cơ sở vật chất trường, lớp học bậc học mầm non vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành học này. Phần lớn trường, lớp học mầm non chưa phù hợp với đặc thù của cấp học như chưa có phòng ăn, ngủ, công trình vệ sinh khép kín. Nhiều nơi không đủ điều kiện để chia lớp học theo đúng độ tuổi, buộc phải thành lập lớp ghép các độ tuổi…

 

Mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trong sáu năm (2010-2015), chỉ với bài toán lo đủ chỗ học cho trẻ 5 tuổi cũng đã khó, huống hồ là đạt chuẩn. Theo dự tính, khi xây dựng đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, kinh phí chi cho mỗi phòng học là 100 triệu đồng thì đến thời điểm hiện tại mức kinh phí đã là 380 triệu đồng/phòng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng cũng khiến nhiều địa phương băn khoăn. Khánh Hòa là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, dễ thu hút giáo viên nhưng để đáp ứng yêu cầu phổ cập, tỉnh này còn thiếu rất nhiều giáo viên. Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa Lưu Quốc Thanh nói: “Khánh Hòa vừa hoàn thành việc chuyển các trường mầm non bán công, dân lập sang công lập. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, do bậc học này từ lâu vốn bị “quên lãng”, nên tỉnh khó có thể hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2012 theo lộ trình mà Bộ GD-ĐT đề ra”.

 

PHẢI QUYẾT LIỆT MỚI LÀM ĐƯỢC

 

Để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đề án đưa ra bảy giải pháp chính: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mầm non để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày; đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục; xây dựng, nâng cao đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non; xây dựng chính sách hợp lý và đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non; xây dựng đủ phòng học cho các lớp mầm non 5 tuổi; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế. Trong bảy giải pháp này, thì hai giải pháp về đội ngũ giáo viên và xây dựng đủ phòng cho các lớp mầm non 5 tuổi đang làm “khó” các địa phương, vì cho đến nay điệp khúc thiếu trường, thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết. Trong khi việc đầu tư cho hai cái khó này là quá sức đối với các địa phương. Do đó, lãnh đạo ngành GD-ĐT các địa phương Vùng thi đua số 4 đề nghị Trung ương xem xét tăng bổ sung kinh phí cho các tỉnh, đặc biệt là với khu vực miền núi.

 

Chủ trương huy động trẻ 5 tuổi đến lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào học lớp 1. Đây là một chủ trương lớn của Nhà nước và đang từng bước được xã hội hóa. Tuy nhiên, nếu các địa phương không quyết liệt làm sẽ khó thực hiện đạt hiệu quả. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Ngô Thị Hợp cho biết: “Theo quyết định Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2011 thì tất cả trẻ 5 tuổi đều phải được đến trường để chăm sóc, học đủ 2 buổi/ngày, đủ 1 năm để chuẩn bị về mặt thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt, tâm lý sẵn sàng đi học lớp 1. Thế nhưng, cùng với sự nỗ lực của Trung ương thì nguồn địa phương là rất quan trọng. Vì cho đến nay, cơ chế hoạt động của bậc học mầm non phần lớn vẫn do địa phương quyết định. Kinh nghiệm từ các địa phương làm tốt giáo dục mầm non cho thấy, nơi nào xã hội hóa giáo dục tốt nơi đó chất lượng giáo dục được nâng cao. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi bây giờ cũng vậy, Nhà nước và nhân dân cùng làm phổ cập và phải làm quyết liệt thì mới nâng cao được chất lượng đào tạo của bậc học này”. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Ngô Thị Hợp đặc biệt lưu ý các địa phương, trong quá trình thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, dù tập trung ưu tiên cho trẻ 5 tuổi nhưng không được “bỏ rơi” trẻ ở độ tuổi nhà trẻ.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek