Thứ Hai, 07/10/2024 05:38 SA
Chọn trường, chọn ngành:
Bắt đầu từ đâu?
Thứ Ba, 18/01/2011 14:00 CH

Trong khi công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông còn yếu thì việc các trường đại học tham gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho học sinh.

 

tim-hieu110118.jpg

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2011. – Ảnh: M.THÚY

 

BIẾT LƯỢNG SỨC MÌNH

 

Giáo dục hướng nghiệp là một nhu cầu không thể thiếu của học sinh phổ thông, thế nhưng đến nay vẫn chưa được nhà trường và gia đình thực sự quan tâm. Thực trạng này dẫn đến việc rất nhiều học sinh lúng túng trong việc chọn trường, chọn ngành học để đăng ký dự thi cao đẳng, đại học.

 

Tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2011 vừa được Bộ GD-ĐT, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn Phú Yên, Trường Đại học Phú Yên tổ chức, vấn đề chọn ngành, chọn trường được học sinh thắc mắc nhiều nhất. Nguyễn Thị Ngọc Phương, học sinh Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa) thổ lộ: “Tụi em rất cần được tư vấn hướng nghiệp, cung cấp những thông tin cần thiết để có cơ sở đưa ra các quyết định cho bản thân trong lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông”.

 

Thực tế hiện nay ở trường phổ thông, cao đẳng, đại học đã có chương trình tư vấn, giáo dục hướng nghiệp, tuy nhiên vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa chuyên nghiệp. Đội ngũ làm công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh thường là các giáo viên bộ môn kỹ thuật, vốn còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng. Trong khi chưa có sự giúp đỡ một cách tích cực từ nhà trường, trách nhiệm lại được đặt lên vai phụ huynh và học sinh. Chính vì vậy, nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc ra quyết định cho nghề nghiệp tương lai. Sau nhiều năm tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai (Phó Ban đại học và sau đại học Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Học sinh “khát” thông tin, đặc biệt là các học sinh ở vùng sâu, vùng xa, việc được tư vấn chọn ngành nghề, định hướng nghề nghiệp theo năng lực càng “đói” thông tin hơn. Việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không được quan tâm đúng mức, đã phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong các trường cao đẳng, đại học. Vì vậy, trước khi đặt bút đăng ký dự thi vào ngành nào, trường nào học sinh phải hết sức thận trọng. Các em cần dựa trên kết quả học tập bậc THPT để có thể tự xác định nên đi theo hướng nào, đại học, cao đẳng hay cao đẳng nghề, trung cấp, đồng thời nhận diện những điểm yếu cần cải thiện để đạt được mục tiêu. Bên cạnh xác định sở thích nghề nghiệp, thí sinh phải cân nhắc đến sức học của mình khi chọn ngành, trường. Biết lượng sức mình và quyết tâm thì cơ hội thành công cao nhất sẽ đến với học sinh”.

 

KHÔNG NÊN “CHỌN ĐẠI, THI ĐẠI”

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2010, dù tổng số hồ sơ đăng ký dự thi giảm khá mạnh nhưng khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo so với các khối ngành khác. Có một thực tế là các ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán hay Tài chính - Ngân hàng đều nằm trong tốp năm ngành đang được nhiều trường tuyển sinh nhất. Còn theo số liệu thống kê của tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai thì năm 2010, trong số 488 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trong cả nước, có đến 360 nơi đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, 298 nơi mở ngành Kế toán, 297 nơi có ngành Công nghệ thông tin, 269 nơi đào tạo ngành Ngoại ngữ, 193 nơi có ngành Tài chính - Ngân hàng... Trong đó, nhiều trường có ngành Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ đang phải cố gắng duy trì đào tạo, thậm chí nhiều chuyên ngành Ngoại ngữ buộc phải đóng cửa vì rất ít học sinh theo học.

Trước xu hướng học sinh đổ xô vào các ngành kinh tế, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn TP Hồ Chí Minh “trấn an” các học sinh đam mê các ngành khoa học xã hội – nhân văn rằng, mỗi người đều có khả năng riêng của mình, người có sở trường này, người khác có sở trường khác. Vì vậy, học sinh nên đăng ký dự thi với ngành nghề phù hợp để có thể hoàn thiện bản thân, có được nhiều cơ hội nâng cao và phát triển khả năng. Cho dù là “nghề không cao sang” nhưng vẫn rất tốt và sẽ bảo đảm tương lai. Học sinh đừng lo học ngành gì ra trường thì dễ xin việc hay khó xin việc. Dễ hay khó chủ yếu là do năng lực có thích hợp với ngành nghề đó hay không. Tiến sĩ Hạ nhấn mạnh: “Để chọn được ngành, trường phù hợp, học sinh nên dựa theo khả năng, sở thích cũng như hoàn cảnh của mình. Không a dua theo ngành “hot’, chọn đại, thi đại”.

 

Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho rằng, sự đổ xô vào khối ngành Kinh tế đang có sự bất thường. Năm nay, theo những cơ sở đào tạo đề xuất tăng chỉ tiêu, phần lớn chỉ tiêu xin tăng đều tập trung vào nhóm ngành đang được thí sinh ưa chuộng là ngành Kinh tế. Hơn nữa, các trường đại học địa phương và đại học vùng dù đề xuất tăng 500-1.000 chỉ tiêu nhưng trong đó nhóm ngành Kinh tế chiếm đến hơn 70%. Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Công nghệ cơ khí luôn là ngành then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngành Công nghệ cơ khí có nhiều chuyên ngành đang được đào tạo ở nhiều trường đại học, cao đẳng như: Cơ khí chế tạo máy, cơ khí động lực, cơ khí tự động hóa, cơ khí ô tô, cơ khí chế biến, cơ khí giao thông, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ chế tạo máy… Việt Nam có khoảng 11 liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô. Xu hướng phát triển của ngành sản xuất ô tô rất lớn. Ngoài ra, sự xuất hiện các tập đoàn trong nước chuyên sản xuất, lắp ráp ô tô cũng mở thêm cơ hội làm việc cho sinh viên ngành cơ khí ô tô. Đó là chưa kể đến số lượng đông đảo các trung tâm, gara sản xuất máy móc, sửa chữa ô tô… Tuy nhiên, hằng năm, số sinh viên tốt nghiệp ngành này không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị”. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, trong các kỳ tư vấn tuyển sinh, rất ít học sinh, phụ huynh quan tâm đến ngành dễ kiếm việc làm này. Hiện ngành có 2 hướng đào tạo: đào tạo kỹ sư và người dạy lĩnh vực này. Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng, học sinh và phụ huynh cần phân định rõ để lựa chọn: tùy trường, chương trình đào tạo mà có hai hướng khác biệt: kỹ thuật (thiết kế) hoặc công nghệ (làm việc tại hiện trường).

 

Lượng định sức học của mình để chọn trường đăng ký dự thi tức là chọn lựa nghề nghiệp tương lai. Các chuyên gia tư vấn khẳng định, để chọn trường, chọn ngành phù hợp, các tiêu chí như: nhu cầu xã hội đối với ngành nghề, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, khả năng, sở thích đều cần phải được xem xét, đánh giá đúng mức.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek