Trong những năm gần đây, trong chỉ đạo tỉnh Phú Yên đã có những chuyển dịch nhất định trong cơ cấu kinh tế, trong đó tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ đã có tăng lên và tỉ trọng kinh tế nông nghiệp từng bước giảm dần nhưng về cơ bản Phú Yên vẫn là một tỉnh kinh tế nông nghiệp.
“Phi nông bất ổn”, Lê Quý Đôn nói từ thế kỷ XVIII đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta vẫn thường nói đảm bảo “an ninh lương thực” đó sao. Tuy nhiên nông nghiệp là không bao giờ giàu lên được.
Theo tôi, Phú Yên cũng có những tiềm năng chưa được khai thác. Nếu khai thác được, chúng ta cũng có thể thoát khỏi tỉnh nghèo và từng bước vươn lên sánh vai với các tỉnh tiên tiến trong khu vực và dần dần sánh vai với các tỉnh tiên tiến trong cả nước.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Phú Yên. Trong ảnh: Cán bộ ngành BHXH tỉnh Phú Yên tập huấn sử dụng công nghệ thông tin – Ảnh: D.T.XUÂN
Trước hết, làm gì cũng đều do con người cả, con người đó phải có tri thức và nhiệt tình trong công việc, tức là vừa “chuyên” vừa “hồng”.
Đầu tiên là những con người trong tập thể lãnh đạo. Đây là tốp người quan trọng, tinh túy nhất. Do vậy, nhóm người này phải được đào tạo cơ bản, đủ trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nói điều này là tránh tình trạng “học giả” bằng thật hoặc là “mua bằng” hay học cho có để “trang trí” đáp ứng “tiêu chuẩn” cán bộ trong điều kiện mới mà Đảng yêu cầu mà thôi.
Bên cạnh việc được đào tạo cơ bản, nhóm người này phải thực sự đoàn kết, thực sự là đầy tớ của dân mọi việc phải lấy quyền lợi của dân đặt lên trên hết, đoàn kết và thẳng thắn tự phê bình và phê bình, đảm bảo sự đồng thuận cao trong tập thể (không phải là xuề xòa, qua chuyện).
Kế đến là lớp cán bộ công chức nói chung. Tốp này cũng phải được đào tạo cơ bản và được giáo dục đạo đức nghiêm túc.
Hiện nay, trong số này nhiều người được đào tạo nhưng không ít người cũng là bằng thật, học giả, chưa đủ trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cái tệ hại nhất của tốp người này là ý thức kỷ luật rất yếu 8 giờ vàng ngọc thì khoảng 1 giờ là trà lá cơ quan, 1 giờ đọc báo và chuyện dạo, không biết bao nhiêu thời gian ngồi không, nghĩ vẩn vơ, chưa kể đầu giờ sáng cà phê, cuối giờ chiều rủ nhau say xỉn. Họ tìm đủ mọi cách để uống; nào là rửa chức, rửa xe, rửa điện thoại di động, rửa áo, rửa dép, rửa giày, nếu không có gì rửa thì hợp tác xã… tìm đủ mọi cách để uống, uống đến mất trí mới thôi.
Sắp đến, phải giáo dục ý thức của công chức đồng thời mạnh dạn tiếp nhận số sinh viên mới ra trường thay dần số công chức không đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, nhiều em tốt nghiệp đại học khá giỏi về quê xin không được việc, trong lúc đó nếu là con cháu hay quen biết “sếp” nào đó thì tại chức cũng vào rất dễ dàng.
HỒ THÁI HÒA
(Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên)