Được tiếp cận môđun CĐ 2 về “Đánh giá kết quả học tập ở tiểu học”, bản thân tôi đánh giá cao 5 nội dung bao gồm gần như rất cụ thể và mang tính lý luận chặt chẽ đối với nhiều vấn đề mà thầy cô giáo, những người đứng lớp đang thực hiện. Ở đây tôi quan tâm nhất đến nội dung “Tổng hợp thông tin đánh giá ghi sổ liên lạc và học bạ”.
Theo tôi, việc tìm hiểu cách ghi chép vào học bạ và sổ liên lạc là điều rất cần thiết không những cho giáo viên mà còn cho nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh (PHHS) và ngay cả bản thân của từng em học sinh (HS). Điều quan trọng là nội dung phản ánh về việc học tập và rèn luyện của HS cần cho đối tượng nào thì phải có một loại sổ sách phù hợp. Theo tôi, những loại sổ sách mà ngành giáo dục đã quy định cho các trường tiểu học trong thời gian qua là đủ. Điều đáng lưu ý là phải có sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất công dụng của từng loại sổ sách mang tính toàn quốc hoặc chí ít cũng trong phạm vi một tỉnh.
Hướng dẫn cách đánh giá kết quả học tập của học sinh – nét mới mà Dự án phát triển GVTH trang bị cho cán bộ quản lý, giáo viên bậc TH – Ảnh: THÚY HẰNG
Việc giáo viên chủ nhiệm (GVCN) ghi chép kết quả học tập của HS lớp mình để phản ánh đến các đối tượng cần thiết như cán bộ quản lý, PHHS, GVCN lớp sau và ngay cả cho chính bản thân để có sự phối hợp điều chỉnh, phát triển hành vi học tập của HS, theo tôi cần được quy định cụ thể qua các loại sổ sau:
Học bạ: đây là hồ sơ rất quan trọng ghi chép kết quả học tập và rèn luyện của một HS trong cả một quá trình học tập ở một bậc học. Loại hồ sơ này được nhà trường quản lý rất kỹ (không thể để mất) và GVCN chỉ được mượn để ghi chép khoảng 3 lần (đầu năm, đầu học kỳ 2 và cuối năm) rồi gửi trả lại cho nhà trường ngay sau khi hoàn tất. Hiệu trưởng là người trực tiếp ký duyệt và quản lý nên nội dung phản ánh trong học bạ mang tính thống kê là đúng. Do đó những cột mục trong học bạ đang sử dụng là vừa đủ không cần phải liệt kê thêm hoặc ghi nhận xét khá chi tiết như ở trong môđun.
Điều tôi muốn đề nghị ở đây là giáo dục nên có cuộc hội thảo hoặc tập huấn cho cán bộ quản lý để thống nhất những nội dung cần thiết được phản ánh vào từng cột mục nhằm tránh những ghi chép quá chung chung hoặc quá vụn vặt không phản ánh được tổng quát quá trình học tập cùng định hướng cho sự phát triển của từng em HS. Điều này không có nghĩa là thầy cô giáo bậc tiểu học quá yếu không thể có những ghi chép theo quy định được mà thật ra cả một năm học, suốt một quá trình học tập và rèn luyện dài ngày làm sao có những nhận xét thật cô đọng khái quát được những thông tin mang tính bản chất về học lực và hạnh kiểm của một HS.
Nếu chúng ta đòi hỏi trong học bạ phải được ghi chép cụ thể, chi tiết những thông tin về quá khứ và tương lai của từng HS thì có lẽ nên dành cho sổ liên lạc.
Sổ liên lạc: Tôi rất nhất trí với việc xem sổ liên lạc như là một cầu nối giữa GVCN và gia đình các em HS. Do vậy sổ liên lạc phải được phản ánh một cách đầy đủ nhất các nội dung thông tin như đã được trình bày trong tiểu môđun nhằm giúp cho cha mẹ các em biết thực lực việc học tập của con em mình mà có những hỗ trợ cần thiết. Các cột mục trong phiếu liên lạc hiện nay đang sử dụng ở ngành giáo dục tỉnh ta là quá sơ lược, không giúp ích gì nhiều cho PHHS. Theo tôi cần biến Phiếu lạc lạc thành Sổ liên lạc mới giúp người giáo viên có điều kiện ghi nhận xét thật cụ thể từng môn học trong quá trình phát triển của HS. Làm như thế chắc chắn gia đình các em sẽ nắm bắt được và kết hợp cùng nhà trường tạo điều kiện cho con em mình học tập tốt hơn.
Sổ chủ nhiệm: Theo tôi, sổ chủ nhiệm được trình bày theo quy định của ngành mà cán bộ quản lý giáo dục đã thực hiện là phù hợp. Đây là tài liệu không những cần cho GVCN năm học này mà còn rất cần cho GVCN năm học sau. Có nắm được diễn biến học tập của từng em trong năm học trước, sẽ giúp cho GVCN năm học sau có điều kiện lưu tâm hơn về quá trình học tập của HS mình, từ đó, ngành GD-ĐT mới có nhiều biện pháp phù hợp để giúp các em học tập tiến bộ. Do vậy, đề nghị nên có chỉ thị thống nhất cho các trường sau mỗi năm học sẽ thu lại sổ chủ nhiệm để giao lại cho GVCN lớp sau. Làm được điều này sẽ giúp cho tập thể sư phạm từng đơn vị có cùng chung trách nhiệm cộng đồng trong việc định hướng, điều chỉnh và phát triển năng lực học tập của HS.
NGUYỄN NGỌT
Hiệu trưởng Trường TH Lạc Long Quân, TP Tuy Hòa