Thứ Ba, 08/10/2024 12:28 CH
Đào tạo tín chỉ trong các trường đại học, cao đẳng:
Cả thầy và trò gặp khó
Thứ Ba, 30/11/2010 13:30 CH

Đào tạo tín chỉ được coi là hướng đi tích cực trong đào tạo của bậc đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai đại trà hình thức đào tạo này, hầu hết các trường đều gặp khó khăn.

 

SV-thuc-hanh101130.jpg

Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Phú Yên. - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Theo các sinh viên, cái lợi lớn nhất của việc học tập theo hình thức đào tạo tín chỉ là giảm đáng kể những môn học có tính bắt buộc, tăng các môn học dưới dạng tín chỉ và người học có thể hoàn toàn chủ động sắp xếp thời gian để hoàn thành các môn học tín chỉ. Nếu sinh viên nào có học lực khá giỏi sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian. Ngoài việc chủ động, tiết kiệm thời gian trong học tập, sinh viên còn có thể chuyển đổi chuyên ngành mình đang theo học một cách dễ dàng và không phải học lại từ đầu. Nếu biết sắp xếp những tín chỉ giống nhau giữa hai ngành một cách hợp lý, sinh viên có thể tốt nghiệp được hai chương trình trong một thời gian, giảm đáng kể so với hình thức đào tạo theo niên chế.

 

CHƯA QUEN CÁCH HỌC, CÁCH THI

 

Sự phân bố gần như ngược lại với việc đào tạo theo niên chế, đặt người học vào sự phân hóa tương đối rõ nét. Tuy nhiên, khi vận dụng vào thực tế, đào tạo tín chỉ đã gây khó cho người dạy lẫn người học.

 

Năm học 2009-2010, Trường Đại học Phú Yên chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ. Kết quả có đến 57,9% sinh viên hệ cao đẳng, 61% sinh viên hệ đại học xếp loại học lực yếu. Theo Trường Đại học Phú Yên, nguyên nhân là do chất lượng đầu vào của sinh viên thấp, chưa có phương pháp học tập thích hợp với hệ thống tín chỉ nên gặp nhiều khó khăn trong học tập, ảnh hưởng đến kết quả học.

 

Một giảng viên của Trường Đại học Phú Yên cho biết, do sinh viên đã quen với cách học ở phổ thông theo kiểu một chiều “thầy đọc trò chép”, khi chuyển sang học theo tín chỉ, sinh viên phải tăng thời gian tự học, phải tự vận động nhiều hơn nên cảm thấy nhiều áp lực. Đồng tình với ý kiến trên, nhà giáo ưu tú Hoàng Văn Tý, Trường Cao đẳng Xây dựng số 3, cho rằng việc yêu cầu sinh viên năm thứ nhất phải ngay lập tức có khả năng tự học, tự nghiên cứu là điều khó khăn. Điều này dễ dẫn đến tình trạng quá tải đối với sinh viên.

 

Trong khi đó, nhiều sinh viên than thở việc bố trí giờ học của các trường cũng như công tác thư viện chưa hỗ trợ nhiều cho người học trong đào tạo tín chỉ. Thanh Thúy, sinh viên Trường Đại học Phú Yên cho biết: “Đối với các môn lý luận đại cương, việc học hết sức khó khăn bởi tụi em phải tự tìm tài liệu đọc thêm, nhưng không phải lúc nào cũng có thể tìm được đúng tài liệu mà giảng viên yêu cầu tham khảo”.

 

Chương trình đào tạo tín chỉ giúp sinh viên chủ động trong việc lựa chọn kiến thức để trang bị cho bản thân và lựa chọn tiến trình học phù hợp với năng lực. Tuy nhiên, dù học theo tín chỉ nhưng sinh viên hoàn toàn không được chủ động về mặt thời gian và môn tự chọn, vì nhà trường không đủ giảng viên và cơ sở vật chất để đáp ứng.

 

CẦN THỜI GIAN

 

Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên Trần Văn Chương cho biết, qua thực tế một năm triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tồn tại lớn nhất của trường là việc đổi mới phương pháp giảng dạy, cả về cách định hướng lẫn đánh giá đều chưa thành thạo; giảng viên chưa quen với cách đánh giá theo hệ thống tín chỉ; đội ngũ cố vấn học tập chưa có kinh nghiệm trong việc tư vấn cho sinh viên. Sinh viên lúng túng trong việc đăng ký học phần. Một số sinh viên chưa xác định được năng lực, điều kiện của bản thân, do đó đăng ký toàn bộ các học phần kể cả những học phần tự chọn. Điều này dẫn đến một bộ phận sinh viên có điểm tích lũy thấp. Ngoài ra, hệ thống phòng học, phòng thực hành chưa đáp ứng được việc tổ chức các lớp học phần; tài liệu học tập tại thư viện còn thiếu; chưa trang bị được phần mềm quản lý đào tạo… ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo”.

 

Để có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nói chung và đào tạo theo tín chỉ nói riêng, theo lãnh đạo Trường Đại học Phú Yên, Bộ GD-ĐT cần ban hành các chương trình khung đào tạo các ngành theo hệ thống tín chỉ; tổ chức nhiều lớp tập huấn quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho từng đối tượng từ lãnh đạo nhà trường đến giảng viên, sinh viên.

 

Ngoài Trường Đại học Phú Yên, trên địa bàn Phú Yên còn có Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa và Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 thực hiện đào tạo tín chỉ. Theo sinh viên các trường này, học tín chỉ khó nhất là phải tự học. Trong khi đào tạo theo tín chỉ không tổ chức thi lại, nếu thi trượt sẽ phải học lại. Hồng Luân, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa cho biết: “Dù học theo tín chỉ nhưng tụi em chưa được chủ động về mặt thời gian, chọn giáo viên và môn học vì nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu này”. Đào tạo tín chỉ lấy người học làm trung tâm nên sinh viên hoàn toàn có quyền lựa chọn thời gian học tập hợp lý, giáo viên phù hợp… Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học, cao đẳng hiện nay chưa đáp ứng được điều kiện này vì thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp...

 

Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 50 trường đại học, cao đẳng đang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Theo các trường, thật khó vận dụng triệt để hình thức đào tạo tín chỉ trong ngày một ngày hai. Vì vậy, người dạy lẫn người học cần có thời gian để “thấm” được tính ưu việt của hình thức đào tạo này.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek