Thứ Ba, 08/10/2024 12:39 CH
Áp lực học sinh giỏi quốc gia
Chủ Nhật, 28/11/2010 15:00 CH

Ngành GD-ĐT Phú Yên luôn tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho các trường phổ thông thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhưng từ năm 2007, Bộ GD-ĐT bỏ quy định tuyển thẳng đại học đối với học sinh giỏi quốc gia khiến học sinh phải cân nhắc khi tham gia các đội tuyển đi thi.

 

dia-ly101128.jpg

Đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý tỉnh Phú Yên năm học 2010-2011 đang được bồi dưỡng - Ảnh: M.THÚY

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết, để được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh phải trải qua vòng tuyển chọn cấp trường, rồi đến cấp huyện, cấp tỉnh. Khi được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, ngoài 5 tiết học buổi sáng ở trường, học sinh trong đội tuyển còn phải học bồi dưỡng 4 tiết vào buổi chiều. Năm học 2010-2011, đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia của Phú Yên có 58 học sinh. Đây là những học sinh xuất sắc nhất được “sàng lọc” từ kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Học sinh thuộc đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia được bồi dưỡng trong hai tháng (8/11/2010 đến 8/1/2011) tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.

 

Trần Hoàng Lâm, thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý cho biết: “Được tuyển chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi là một vinh dự nhưng cũng tạo cho em nhiều áp lực”. Hoàng Lâm là học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa). Khi được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, Lâm phải chuyển việc học tập sang Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh trong thời gian tham gia bồi dưỡng. “Buổi sáng em học ở lớp chuyên Lịch sử - Địa lý, buổi chiều học bồi dưỡng. Áp lực lớn nhất đối với em đó là không theo kịp tiến độ giảng dạy của giáo viên trường chuyên, nhất là môn Toán. Em rất sợ trong hai tháng học bồi dưỡng tham gia học sinh giỏi quốc gia, mình sẽ bị “hụt” kiến thức môn Toán, gây khó khăn cho việc thi tốt nghiệp THPT, đại học” - Hoàng Lâm bộc bạch. Cùng chung đội tuyển với Hoàng Lâm, Lê Thị Anh Thư, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa), cũng chuyển việc học tập sang Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh trong thời gian học bồi dưỡng. Không phải là học sinh trường chuyên mà phải học theo chương trình trường chuyên nên Anh Thư cũng gặp không ít khó khăn. Anh Thư thổ lộ: “Thầy cô giáo trường chuyên dạy khá nhanh nên nhiều khi em tiếp thu không kịp. Để theo kịp các bạn, về nhà em phải ôn luyện lại thật kỹ mới hiểu bài một cách thấu đáo. Áp lực học sáng, học chiều khiến em rất mệt mỏi, nhưng phải cố gắng”.

 

Theo học sinh các đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi rất “nặng” nhưng những kiến thức này ít liên quan đến chương trình ôn tập thi tốt nghiệp THPT hoặc thi đại học nên nhiều học sinh phải cân nhắc khi tham gia đội tuyển. Thầy Bùi Ngọc Bửu, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi thi quốc gia, chia sẻ: “Từ ngày bỏ chế độ tuyển thẳng vào đại học... đến nay, học sinh không mặn mà với khát vọng đạt học sinh giỏi, đặc biệt là những môn xã hội ít cơ hội ứng dụng vào kỳ thi đại học”. Cô giáo Nguyễn Thị Yến Nhi, giáo viên bồi dưỡng đội tuyển môn Địa lý thì dè dặt: “Các môn xã hội vốn ít được học sinh đầu tư, từ khi Bộ GD-ĐT bỏ quy định tuyển thẳng đại học khiến học sinh xa lìa dần các kỳ thi quốc gia. Vì dù đoạt giải hay không đoạt giải, các em vẫn phải tiếp tục “chạy đua” lấy lại kiến thức các môn không chuyên mới có cơ hội thi đậu vào đại học. Phải trải sức quá nhiều giữa các môn học, không ít học sinh đành chọn con đường không làm học sinh giỏi quốc gia để tập trung cho kỳ thi đại học là điều dễ hiểu”.   

 

Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, trước đây, học sinh được chọn tham gia đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh khá phong phú, vì chất lượng học sinh giỏi các trường rất cao. Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT bỏ quy định tuyển thẳng vào đại học đối với học sinh giỏi quốc gia khiến nhiều học sinh ưu tú ở các trường phổ thông thiếu động lực phấn đấu để được vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia. Việc giảm sút nhiệt tình của học sinh đối với các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng là lý do quan trọng dẫn đến sự giảm sút chất lượng đội tuyển. Thầy Nguyễn Tấn Hào, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, cho biết kể từ khi có quy định mới về chế độ ưu đãi đối với học sinh đoạt giải quốc gia, phong trào học sinh giỏi có phần đi xuống. Điều này được thầy Hào lý giải do đích đến của học sinh và phụ huynh khi học xong THPT là vào được đại học.

 

Theo các thầy cô giáo, thi học sinh giỏi là một sân chơi nhưng cũng cần có chính sách khuyến khích thỏa đáng để kích thích học sinh tham gia. Bởi cấp học càng cao thì việc phát hiện học sinh giỏi càng khó khăn hơn. Ngoài ra, hiện nay áp lực thi tốt nghiệp và đại học rất lớn nên việc học sinh không mặn mà với thi học sinh giỏi, đặc biệt là tình trạng học sinh lớp 12 bỏ thi học sinh giỏi kéo theo việc giảm tâm huyết của các thầy cô giáo.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek