Thứ Ba, 08/10/2024 21:46 CH
Gần học trò, càng thêm yêu nghề giáo
Thứ Bảy, 20/11/2010 09:30 SA

Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, đó là thành tích rất đáng trân trọng của các cô giáo Đặng Thị Xuân Hương, Đàm Thị Kim Hoa (Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh), Nguyễn Thị Hiền (Trường THPT Nguyễn Huệ). Với các nhà giáo này, nghề dạy học cho họ nhiều thứ nhưng đáng quý nhất là cho họ một trái tim biết thương yêu, một nhân cách cao quý để sống và gắn bó với nghề.

 

huong101120.jpg
Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Xuân Hương. - Ảnh: M.THÚY

 

1. Bằng chất giọng nhẹ nhàng truyền cảm, nhà giáo ưu tú Đặng Thị Xuân Hương đã “lôi” tôi vào câu chuyện 27 năm làm nghề giáo của mình. Cô Hương kể, thế mạnh của cô thời học sinh là các môn khoa học tự nhiên. Điểm môn Văn không cao. Đến năm học cấp 3, chính thầy Nguyễn Thanh Nhã, là người “bắc cầu” cho cô đến với môn Văn. Những giờ học văn của thầy Nhã rất nhẹ nhàng, nhiều cung bậc cảm xúc, đặc biệt là những giờ giảng các tác phẩm của Tố Hữu. Vậy là suốt ba năm học, cô chuyển sang yêu môn Văn tự lúc nào không hay biết. Ngày đó, bạn bè thấy cô đăng ký dự thi ngành Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, ai cũng ngạc nhiên. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp đại học, cô về công tác chính tại ngôi trường mình theo học, thực tập - Trường THPT Nguyễn Huệ. Năm 1990, cô Hương chuyển sang giảng dạy ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Hơn 25 năm gắn bó với trường lớp, bề dày thành tích của cô khá ấn tượng với nhiều danh hiệu cao quý, như liên tục được UBND tỉnh, Sở GD-ĐT tặng bằng khen, giấy khen về thành tích xuất sắc trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia (36 giải), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; giải nhất Viên phấn vàng năm học 2000-2001… Thế nhưng, phần thưởng quý báu nhất với cô Hương chính là sự trưởng thành của các thế hệ học sinh.

 

Cô Hương bộc bạch: “Tính chất nghề nghiệp luôn thôi thúc, đòi hỏi giáo viên phải không ngừng cố gắng. Do vậy, dù có những bài tôi đã giảng hàng trăm lần, nhưng mỗi lần lên lớp, tôi vẫn phải suy nghĩ, vẫn phải làm mới nó, như thế mới là tôn trọng mình và tôn trọng học sinh”. Theo kinh nghiệm của cô Hương, để giảng dạy thành công một tác phẩm, người thầy phải biến những điều khó hiểu thành những điều đơn giản để mọi đối tượng học sinh đều có thể tiếp thu, cảm nhận được. Bởi thế, mỗi tác phẩm cô Hương đều bỏ công nghiền ngẫm để tìm ra cách dạy dễ đi vào lòng học sinh nhất. Với những sáng kiến: Phụ đề trong một số bài giảng văn; Vài suy nghĩ về cách đặt câu hỏi trong giờ giảng văn; Một hướng tiếp cận bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi (dùng để dạy học sinh giỏi); Một vài kinh nghiệm giúp học sinh giỏi nhận diện đề văn; Cách hiểu và tiếp cận một bài thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh… cô Hương đã cùng với các giáo viên tổ Văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đạt được nhiều thành tích cao trong giảng dạy, nhất là trong bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia.

 

Với cô Hương, tuổi tác có già đi, nhưng công việc lúc nào cũng trẻ. Cô xem nghề giáo như máu thịt, nếu vì một lý do nào phải rời nó, cô coi như mất đi niềm hạnh phúc. “Tôi quyết tâm với lòng sẽ không ngừng sáng tạo, đổi mới trong dạy học. Chỉ cần ngày nào còn được nhìn thấy học trò khoanh tay cúi chào là tôi còn tiếp bước trên chặng đường dài không ít chông gai của nghề giáo” - cô Hương khẳng định.

 

2. Mỗi khi nhắc đến cô Nguyễn Thị Hiền (Trường THPT Nguyễn Huệ), không chỉ tập thể cán bộ giáo viên của trường mà có rất nhiều người trong ngành Giáo dục biết đến. Họ biết đến vì cô là một trong những người dạy môn Lịch sử gặt hái được nhiều thành công. Là môn học được học sinh “liệt” vào môn phụ, môn “khó nuốt” nên số học sinh đam mê môn Lịch sử không nhiều. Những giờ học lịch sử thường không thu hút sự quan tâm của học sinh. Làm thế nào để môn Lịch sử không bị coi là “nỗi ám ảnh” của học sinh? Đây là điều cô Hiền luôn trăn trở mỗi khi lên lớp.

 

hien101120.jpg

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền. - Ảnh: Q.ANH

 

Không theo lối mòn - cô đọc, trò chép, cô Hiền chủ động gợi ý để học sinh tích cực tham gia vào việc xây dựng bài. Ví như trước mỗi bài giảng, cô yêu cầu học sinh (chia theo nhóm) tìm hiểu bài trước. Khi đến lớp, học sinh thảo luận, cô giáo là người hướng dẫn và bổ sung những gì còn thiếu để định hướng, giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh. Sau mỗi bài giảng, bao giờ cô cũng tạo điều kiện để học sinh phát biểu, rút ra ý nghĩa lịch sử, liên hệ với thực tiễn cuộc sống. Cô Hiền thổ lộ: “Giáo viên môn Lịch sử không chỉ là người cung cấp cho học sinh những sự kiện lịch sử mà còn phải làm sao để học sinh thêm yêu quý, trân trọng những giá trị lịch sử và có trách nhiệm với quê hương, đất nước; hướng học sinh tới sự thông hiểu, vận dụng kiến thức, tức là biết lựa chọn, phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá các sự kiện và quá trình lịch sử”.

 

Những cố gắng của cô Hiền đã mang đến cho học sinh hứng thú với bài học lịch sử. Vân Anh, học sinh lớp 11 Ban Khoa học Tự nhiên Trường THPT Nguyễn Huệ nói: “Các tiết học lịch sử với cô Hiền không còn là những bài giảng khô khan, nó trở thành cơ hội để chúng em khám phá về lịch sử đất nước và thế giới”. Từ một môn học mà nhiều học sinh cho là nhàm chán và buồn tẻ, cô Hiền đã biến nó thành lượng kiến thức lớn về giá trị lịch sử, cuộc sống. Học trò học giỏi môn Lịch sử không chỉ thuộc Ban Khoa học Xã hội – nhân văn mà còn có khá nhiều “dân” Ban Khoa học Tự nhiên. Cô Hiền bộc bạch: “Niềm vui lớn nhất của người giáo viên là học trò của mình thành đạt. Không phải học sinh “sợ” môn Lịch sử mà là vì môn học này bị hạn chế về “đầu ra” nên học sinh “né”. Tôi biết điều đó, nên không “xúi” học sinh đổ dồn vào các chuyên ngành lịch sử, mà chỉ cố gắng giảng dạy thật tốt để học sinh phải biết sử ta”.

 

3. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 1992, hành trình tìm việc của Nhà giáo ưu tú  Đàm Thị Kim Hoa khá vất vả. Ngày nhận được hợp đồng mỗi tuần dạy 3 tiết tại Trường THPT bán công Nguyễn Trãi (nay là Trường THPT Nguyễn Trãi) cô Hoa mừng quýnh. Đây là bước ngoặt đầu tiên với cuộc đời làm giáo viên của cô. Lúc đó, cô không nghĩ gì hơn ngoài việc dạy học đơn thuần, chưa hình dung mình sẽ có được như ngày hôm nay, tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm theo đuổi nghề giáo. Sau hơn hai năm nỗ lực giảng dạy tại Trường THPT bán công Nguyễn Trãi, cô Hoa được chuyển về Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Với cô, đây là bước ngoặt thứ hai trong hành trình “gieo chữ” của mình, vì được giảng dạy ở trường chuyên vừa vinh dự vừa không ít áp lực. Cô Hoa tâm sự: “Để tự tin lên lớp, tôi phải tự bồi dưỡng chuyên môn nhiều hơn, tích cực học hỏi đồng nghiệp để nâng cao tay nghề”.

 

hoa101120.jpg
Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Kim Hoa. - Ảnh: M.THÚY

 

Nhiệt huyết đang sục sôi thì năm 1998, cô Hoa phát hiện mình mắc căn bệnh hồng ban cánh bướm, nên gần như suy sụp hoàn toàn. Một cô giáo đang căng tràn nhựa sống, bỗng chốc trở nên yếu đuối với chính bản thân mình. Với tôi, thời điểm ấy, gia đình và nhịp sống học đường là động lực để vượt qua chính bản thân và chiến thắng bệnh tật” cô Hoa bày tỏ. Cũng theo cô Hoa, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh là môi trường sư phạm tốt lành, nên từng ngày niềm vui lấn át hết mọi nỗi buồn cho những ai không đứng ngoài cuộc. Hàng ngày, tiếp xúc với học trò, cô Hoa thấy mình như được hồi phục, được tiếp thêm động lực để vui sống, cống hiến.

 

41 tuổi đời, 18 năm tuổi nghề, thành tích mà cô Hoa đạt được khá “dày”, trong đó ấn tượng nhất là cùng với những đồng nghiệp đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ học sinh giỏi Vật lý cấp tỉnh, cấp quốc gia khá hùng hậu. Hầu như năm học nào Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cũng có học sinh môn Vật lý đạt giải quốc gia và các kỳ thi khu vực. Nhận xét về cô giáo Hoa, nhiều học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho biết: “Cô Hoa luôn tận tụy với học trò. Thái độ làm việc nghiêm túc của cô, đôi khi chúng em gọi đùa với nhau bằng một từ “dữ”. Nhưng chính sự “dữ” của cô, giúp chúng em biết cố gắng hơn trong học tập”.

 

Cô Hoa thổ lộ: “Được dạy học trò trường chuyên, tuy vất vả nhưng nếu thật sự tâm huyết, nhiệt tình thì môi trường này cũng là điều kiện để giáo viên hoàn thiện và tự nâng mình lên trong hành trình giảng dạy”.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek