Thứ Ba, 08/10/2024 21:54 CH
Người thầy của học sinh nghèo
Thứ Bảy, 20/11/2010 15:00 CH

Đến khu phố 3, phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) hỏi anh Huỳnh Tưởng thì ai cũng biết. Không bằng cấp sư phạm, không lấy tiền thù lao, “thầy” Tưởng đã chắp cánh ước mơ cho bao học sinh nghèo đặt chân vào giảng đường đại học.

 

the101120.jpg

Lớp học của thầy Huỳnh Tưởng. - Ảnh: Đ.THẾ

 

THỰC HIỆN ƯỚC MƠ BỎ LỠ

 

Trong ngôi nhà cấp 4 chừng 48m2 nằm yên ả bên cánh đồng, anh Huỳnh Tưởng đang dạy học cho 7 học sinh. Anh Tưởng sinh năm 1962, nhưng nhìn trông già trước tuổi. Vợ anh là giáo viên tiểu học. Anh tốt nghiệp cấp ba năm 1981. Do gia đình đông anh chị em (8 người) nên dù học giỏi, Tưởng đành gác lại ước mơ làm thầy giáo dạy toán để cùng cha mẹ lo toan cuộc sống. Từ đó trở đi, trong tiềm thức của anh vẫn cứ đau đáu về những công thức, ẩn số của môn Toán học. Anh đã dùng con mình để làm học trò giảng dạy. “Không được đào tạo kỹ năng sư phạm, nhưng nhờ chịu khó nghiên cứu sách, báo, tôi đã dạy cho con từ khi đi mẫu giáo cho đến khi vào đại học” - anh Tưởng bộc bạch.

 

Được cha đào tạo, cả ba người con anh Tưởng đều đỗ vào các trường Đại học Bách khoa, Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn tìm đến anh để gởi con học. Anh nhất định từ chối vì “Tôi chỉ dạy con cháu tôi thôi, chứ không có ý định mở lớp dạy thêm, học thêm”.

 

Không thể từ chối mãi bà con và nhất là thương cho những học sinh nghèo, khốn khó nên anh đành nhận lời kèm cặp cho những học sinh nghèo. “Họ cũng như gia đình tôi ngày xưa, muốn con cái mình học hành thành đạt, nhưng ngặt nỗi kinh tế khó khăn không có tiền cho con học thêm” - anh Tưởng thổ lộ. Trong ngôi nhà đơn sơ, với vài chiếc bàn gỗ cũ kỹ, suốt 3 năm qua, anh cần mẫn đọc nhiều sách có liên quan đến môn Toán. Học trò của anh đa số là con nhà nghèo, không phải lo tiền học phí vì anh dạy không lấy tiền. Một số phụ huynh đôi lúc cũng muốn gửi ít tiền bồi dưỡng, nhưng anh nhất quyết không nhận. Vậy là họ tặng thầy những món quà quê để tỏ lòng thành, như nước mắm, cá, mực tươi… Khi được hỏi về nghề “lái đò không công” này, anh Tưởng cười nói: “Tôi dạy dỗ các em như ngày xưa tôi dạy chính con mình”.

 

Làm thế nào để phân biệt được học sinh nghèo, giàu để nhận dạy? Nghe chúng tôi hỏi, anh Tưởng chân chất nói: “Cũng có mấy trường hợp đến xin học và đòi trả học phí rất cao, nhưng tôi thẳng thừng từ chối với họ rằng: Tôi chỉ dạy cho các em nghèo để trả món nợ ao ước làm thầy của hai mươi năm về trước”.

 

TIẾP SỨC CHO HỌC SINH NGHÈO

 

Hơn 3 năm qua, người thầy “bất đắc dĩ” đã kèm cặp, dạy dỗ hơn 20 học sinh. Kết quả ngoài sức mong đợi của các bậc cha mẹ có con em gởi gắm thầy Tưởng. Năm 2008 có 4 học sinh là Nguyễn Văn Duy, Huỳnh Thị Bích Vi, Nguyễn Thị Phượng, Trần Thị Thúy Quỳnh đậu vào các trường đại học Kinh tế, Bách khoa, nông lâm. Năm 2009 có 8 học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Năm 2010 kết quả còn cao hơn hai năm trước với 10 học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Ông Phạm Bơn, cha em Phạm Bạo, một học sinh của thầy Tưởng đã đậu hai trường đại học nói: “Nhà chúng tôi nghèo, lo đi biển kiếm sống từng ngày. Thầy Tưởng đã dạy thêm cho cháu trong 3 năm không lấy một đồng học phí, ơn nghĩa đối với thầy lớn lắm”.

 

Tiếng lành đồn xa, học sinh nghèo tìm đến nhà thầy Tưởng xin học ngày càng nhiều. Vợ chồng anh phải đóng thêm bàn ghế để sắp xếp đủ chỗ ngồi. Nhìn căn nhà đã xuống cấp, mấy bộ bàn ghế bằng gỗ đơn sơ mới thấu hiểu cái “tâm” trong anh. “Nếu dạy thêm để giàu hơn, chắc tôi đã xây nhà cao tầng rồi. Cháu lớn đang làm ở công ty của Nhật Bản (TP Hồ Chí Minh), cháu giữa vừa ra trường cũng sắp có việc làm. Lương “gõ đầu trẻ” của vợ cộng với đàn vịt cũng giúp tôi trang trải cho con gái út đang học đại học. Tôi chỉ cần thế là đủ, hơn nữa tôi dạy là vì niềm đam mê môn Toán. Sau gần 20 năm, những ray rứt hoài bão sư phạm Toán cứ đeo đẳng nên tôi đã đăng ký học từ xa đại học sư phạm Toán và đã tốt nghiệp”, anh Tưởng thổ lộ.

 

Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng phường Phú Thạnh Trần Dũng nhận xét: “Việc làm của anh Huỳnh Tưởng rất đáng trân trọng. Thường trực UBND phường đã có kế hoạch mời anh Tưởng giảng dạy tại trung tâm vào đầu năm 2011”. Còn Chủ tịch Hội Khuyến học Phú Yên Lê Văn Hữu thì bảo: “Việc làm của anh Tưởng rất hữu ích trong khuyến học khuyến tài. Hội Khuyến học tỉnh sẽ mời anh Tưởng báo cáo tham luận tại Đại hội Đại biểu Hội Khuyến học tỉnh lần thứ II (2010-2015) vào tháng 12/2010”.

 

HOÀNG THẾ - HẢI SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek