Thứ Tư, 09/10/2024 01:22 SA
Gieo chữ ở vùng lũ
Thứ Ba, 16/11/2010 13:30 CH

Về vùng lũ xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) nghe chuyện người dân chạy lũ, chuyện giáo viên, học trò vượt lũ đến trường mới cảm nhận hết nỗi gian truân trong sự nghiệp “trồng người” nơi đây.

 

so-2-101116.jpg

Học sinh Lê Văn Thịnh được cô giáo Lê Thị Kim Thảo (Trường tiểu học số 2 Hòa Thịnh) đặc biệt quan tâm  vì hoàn cảnh gia đình khó khăn - Ảnh: M.THÚY

 

GẬP GHỀNH ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG

 

Đường vào xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) đều được trải nhựa, khang trang. Tuy nhiên, có nhiều đoạn mặt đường trũng thấp so với ruộng lúa hai bên đường, trong đó, thấp nhất là đoạn qua cầu Bến Củi. Vì vậy, chỉ một ngày mưa to là nước từ trên núi đổ xuống, sông Bánh Lái dâng lên gây ngập đường, học sinh, giáo viên gặp nhiều khó khăn trong hành trình đến trường.

 

Nhìn sân trường nhão nhoẹt bùn đất, lối vào trơn trượt, tôi loay hoay mãi mới tìm được một lối “an toàn” vào trường. Thầy Tạ Ngọc Ẩn, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh cho biết: “Từ đầu tháng 11 đến nay, nhà trường phải nghỉ dạy hai đợt. Đợt 1 từ ngày 1-5/11; đợt hai từ ngày 8-10/11. Đồ dùng dạy học nhà trường vẫn còn kê trên cao, chưa dám để xuống, vì trường có thể còn bị ngập lụt dài dài”.

 

Năm học 2010-2011, Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh có 381 học sinh thuộc các thôn Phú Hữu, Mỹ Hòa và Cảnh Tịnh. Đường đến trường của học sinh nơi đây không xa, nơi xa nhất chỉ khoảng 2,5km. Tuy nhiên, hễ vào mùa mưa, các con đường đến trường ở nơi đây rất dễ bị tắc tị vì ngập nước. Thầy Ẩn nói: “Thương nhất là học sinh ở thôn Cảnh Tịnh. Mỗi khi trời mưa, học sinh ở khu vực này phải vượt các bờ tràn để đến trường rất nguy hiểm. Vào những ngày mưa lớn, học sinh nào không có phụ huynh đến đón thì nhà trường phân công giáo viên đưa học sinh về nhà”.

 

Trường tiểu học số 2 Hòa Thịnh - một trong 8 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của huyện Tây Hòa, được kiên cố hóa, khang trang, song từ đầu tháng 11 đến nay do đường đến trường của học sinh bị ngập lụt nên phải nghỉ dạy. Thầy Nguyễn Tam, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Hòa Thịnh cho biết: “Toàn trường có 739 học sinh, trong đó có khoảng 310 học sinh thuộc các thôn Mỹ Điền, Mỹ Cảnh, Mỹ Lâm và một phần thôn Cảnh Tịnh. Những thôn này chỉ mưa một ngày là đường bị ngập, học sinh không đến được trường”.

 

Đường ngập, học sinh “lười” đến trường. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, đảm bảo sĩ số học sinh, giáo viên phải đến từng nhà vận động các em đến trường. Chỉ khi nào nước lớn, bất khả kháng các trường mới đồng loạt cho học sinh nghỉ học. Bởi theo các trường, nếu cứ bị ngập nước phải nghỉ học thì vào mùa mưa học sinh xã Hòa Thịnh phải nghỉ liên tục, như thế khó đảm bảo chương trình, kiến thức cho học sinh.

 

Không chỉ học sinh, giáo viên tại các trường này cũng vất vả không kém. Phần lớn giáo viên các trường không phải là người địa phương, vào mùa mưa lũ học sinh nghỉ nhưng giáo viên vẫn phải bám trường. Chỉ tay vào vết nước ngấn trên tường, cô Nguyễn Thị Thanh Trang, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh nói: “Hết mưa lũ, nước rút là trường lại tiến hành dạy bù vào các ngày thứ bảy, chủ nhật để đảm bảo tiến độ chương trình”.

 

VÌ HỌC SINH THÂN YÊU

 

Ngập lụt phải nghỉ học đã đành, một số học sinh vì hoàn cảnh khó khăn nên dẫn đến nghỉ học. Để “níu” chân học sinh đến trường, giáo viên vừa phải nỗ lực trong dạy học, vừa phải tích cực vận động, động viên các gia đình cho con em đến trường. Cô Lê Thị Kim Thảo, Trường tiểu học số 2 Hòa Thịnh bộc bạch: “Trời mưa, học sinh nghỉ; sau lũ lụt học sinh cũng nghỉ. Giáo viên phải đến nhà vận động để học sinh trở lại trường”. Lớp cô Thảo có học sinh Lê Văn Thịnh (lớp 3), nhà ở thôn Mỹ Phú, nguy cơ bỏ học rất cao. Mỗi ngày đến lớp, học sinh được cô Thảo “điểm danh” đầu tiên là Thịnh, vì hoàn cảnh của Thịnh đặc biệt khó khăn. Thịnh không có cha, mẹ đi làm thuê, vắng nhà thường xuyên nên không có điều kiện chăm sóc con cái. Trời nắng thì không sao, hễ mưa xuống là Thịnh hay nghỉ học. Vậy là từ lớp 1 đến nay, các giáo viên của trường phải thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ Thịnh về mọi mặt để em tiếp tục đến trường. Trường hợp của Lê Thị Tường Vi, học sinh lớp 4 Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh cũng rất đáng thương. Mẹ mất, ba làm ăn xa, Vi ở cùng bà ngoại ở thôn Cảnh Tịnh. Do hoàn cảnh gia đình và điều kiện đi lại khó khăn nên ngay từ năm học lớp 1 Vi đã có nguy cơ bỏ học. Để giúp Vi tiếp tục đến trường, ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm giúp đỡ động viên em về tinh thần lẫn vật chất.

 

Không chỉ có Thịnh, Vi, nhiều học sinh khác ở xã Hòa Thịnh gặp khó khăn đều được nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội đồng giáo dục xã và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương cùng chung tay giúp đỡ. Nguyễn Thị Năm, học sinh lớp 2 Trường tiểu học số 1 Hòa Thịnh thổ lộ: “Em có em trai đang học lớp 1. Năm nào hai chị em cũng được các thầy cô giáo tặng sách vở, viết. Có hôm hai chị em không đi học được, thầy cô còn đến nhà chở đi nữa. Em sẽ cố gắng học giỏi và không nghỉ học”.

 

Cùng với tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp, giáo viên ở xã Hòa Thịnh còn tổ chức dạy phụ đạo, bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh. Những việc làm này không ồn ào mà cứ lặng lẽ như những giọt nước dần thấm sâu vào lòng đất. Thành quả sau những năm dày công “gieo trồng” của các thầy cô giáo vùng lũ này đó là nhận thức của học sinh và phụ huynh từng bước thay đổi. Họ biết cách chăm lo hơn đến việc học tập của con em mình. Thầy Ẩn thổ lộ: “Giáo viên chúng tôi ai cũng yêu nghề mến trẻ, quyết tâm vượt khó, bảo ban nhau nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ có sự đoàn kết nhất trí này mà việc duy trì sĩ số luôn đảm bảo 100%. Tuy nhiên, do điều kiện dạy và học khó khăn nên trong những năm qua cũng đã xảy ra tình trạng “giáo viên đến rồi lại chuyển đi” ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo”.

 

Theo các trường, có những học sinh khi thấy thầy giáo, cô giáo và các cô bác trong hội đoàn thể đến nhà thì chạy trốn không chịu ra gặp, nhưng chính sự kiên trì vận động, thuyết phục, phân tích thiệt hơn, học sinh đã trở lại lớp học. Từ năm 2003 đến nay, xã Hòa Thịnh liên tục được công nhận là xã giữ vững chuẩn quốc gia về công tác phổ cập giáo dục tiểu học - Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Nhiều năm liền, xã không còn học sinh bỏ học giữa chừng. Có được những kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực của các thầy cô giáo và chính quyền địa phương.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek