Thứ Sáu, 11/10/2024 03:29 SA
Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật:
Cần xóa định kiến và trở ngại tâm lý
Thứ Bảy, 28/08/2010 07:30 SA

Trong vài năm gần đây, số lượng học sinh khuyết tật học hòa nhập trong các trường đã tăng lên, năng lực học tập của các em có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, việc học hòa nhập hiện vẫn còn không ít khó khăn.

 

tieu-hoc100828.jpg

Một giờ học của học sinh Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.THÚY

 

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO TRẺ ĐẾN TRƯỜNG

 

Phú Yên hiện có khoảng 1.000 học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Trong đó, nhiều nhất là bậc tiểu học với hơn 700 học sinh. Phần lớn học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường tiểu học đều chậm phát triển trí tuệ với biểu hiện: trí nhớ kém, các kỹ năng thực hành chậm chạp, yếu ớt, không tự chủ được các hành vi sinh hoạt thông thường. Ngoài ra, còn có các trường hợp khuyết tật vận động, khuyết tật chi, cơ thể dị dạng, khó khăn trong phát âm... Một số học sinh khuyết tật mức độ nhẹ theo kịp chương trình chung, lên lớp mỗi năm và lên lớp đúng độ tuổi. Song khoảng 70% học sinh khuyết tật học hòa nhập đều có học lực yếu và phải lưu ban.

 

Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương và hay cười của cô bé T.V, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa), ít ai biết cô bé này chậm phát triển về trí tuệ. Năm học lớp 1, cô bé được nhà trường phân vào lớp cô giáo Nguyễn Thị Nam Liên. Ngay bài học đầu tiên, cô Liên đã phát hiện cô bé tiếp thu chậm nên chủ động trao đổi với cha mẹ T.V. Được sự hướng dẫn tận tình của cô giáo và sự quan tâm của gia đình, bây giờ cô bé T.V viết chữ rất đẹp, làm được các phép toán, vui vẻ hòa đồng với bạn bè cùng lớp.

 

Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương Vũ Khắc Ngọc Diện cho biết: “Năm học 2010-2011, trường có 5 học sinh khuyết tật học hòa nhập. Các học sinh này chủ yếu chậm phát triển trí tuệ với biểu hiện trí nhớ kém. Trước khi phân bố lớp cho các em, ban giám hiệu nhà trường phải làm công tác tư tưởng cho cả giáo viên lẫn phụ huynh và học sinh, đồng thời nghiên cứu thật kỹ phương pháp học tập, sinh hoạt của học sinh để giúp các em hòa nhập; mời phụ huynh đến gặp mặt những học sinh học hòa nhập; trò chuyện với học sinh của lớp để các em hiểu, thông cảm và chia sẻ, giúp học sinh mới không mặc cảm, sớm hòa nhập”.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Nam Liên, người có kinh nghiệm trong công tác giáo dục trẻ học hòa nhập ở Trường tiểu học Trưng Vương chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất trong công tác giáo dục trẻ học hòa nhập là việc xóa định kiến của phụ huynh học sinh và giúp các em cởi bỏ trở ngại tâm lý lạc lõng giữa bạn bè cùng lớp. Để công tác giáo dục trẻ học hòa nhập tốt hơn, tôi nghĩ phụ huynh có con em đang học cần vượt qua rào cản tâm lý, sự tự ái và nỗi lo sợ bị phân biệt đối xử, còn những phụ huynh có con bình thường cần có cái nhìn nhân ái hơn, thông cảm, chia sẻ, bớt kỳ thị. Giáo dục trẻ học hòa nhập không có nghĩa là “xếp chỗ” cho trẻ khuyết tật trong lớp mà giáo viên cần biết được tâm sinh lý và trở ngại của các em ở đâu, năng khiếu và sở thích của các em là gì. Thậm chí, mình phải đi sâu vào góc khuất tâm lý của mỗi em để hiểu, từ đó mới có phương pháp giáo dục cho tốt”.

 

KHÔNG ÍT KHÓ KHĂN

 

Mục tiêu của chiến lược giáo dục trẻ khuyết tật là đến năm 2015, hầu hết trẻ khuyết tật Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng, được trợ giúp để phát triển tối đa tiềm năng, tham gia và đóng góp tích cực cho xã hội. Do đó, hàng năm, Bộ Giáo dục-Đào tạo đều chỉ đạo các sở Giáo dục – Đào tạo thống kê số trẻ khuyết tật trên địa bàn và lập kế hoạch tiếp nhận, huy động trẻ đi học. Tuy nhiên, khi đưa trẻ khuyết tật vào học hòa nhập, nhà trường, giáo viên gặp không ít khó khăn.

 

Nhiều hiệu trưởng các trường đang có học sinh học hòa nhập cho biết, trở ngại lớn nhất từ công tác giáo dục hòa nhập hiện nay là khi nhà trường phát hiện học sinh có dấu hiệu “lạ” hơn so với các bạn khác, yêu cầu gia đình dẫn học sinh đi khám để nhà trường biết rõ nhằm có sự hỗ trợ phù hợp thì nhiều phụ huynh lo sợ bị phân biệt đối xử nên đã giấu bệnh của con. Còn phụ huynh có con bình thường lại yêu cầu nhà trường đổi chỗ ngồi hoặc tách các trẻ học hòa nhập ra để tránh ảnh hưởng con em mình. Mặt khác, trong lớp có học sinh khuyết tật, giáo viên phải thu xếp một thời gian nhất định cho các em. Điều này ảnh hưởng đến những học sinh bình thường, vì các em mất không ít thời gian cho bạn. Nhiều khi phụ huynh không chấp nhận, cứ muốn chuyển con qua những lớp không có trẻ khuyết tật học hòa nhập.

 

Bên cạnh đó, hầu hết giáo viên đều không có kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy trẻ khuyết tật mà chỉ dựa trên kinh nghiệm, tự mày mò qua những lần tiếp xúc với trẻ. “Hơn nữa, những giáo viên giảng dạy lớp có trẻ khuyết tật thường vất vả hơn nhưng chưa có chế độ đãi ngộ. Do vậy, nhà trường gặp khó khăn khi phân công giáo viên dạy các lớp có trẻ khuyết tật” -Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương Vũ Khắc Ngọc Diện bày tỏ.

 

Ông Nguyễn Trọng Thiện, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục - Đào tạo Phú Yên cho biết, những năm gần đây, số học sinh khuyết tật học tập tại các trường phổ thông ngày càng tăng, nhưng hầu hết các trường nhận học sinh khuyết tật trên tinh thần “chiếu cố”, còn vấn đề giáo dục hòa nhập chưa có quy chế cụ thể. Mấy năm gần đây, Phú Yên nhờ được sự hỗ trợ của dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên các trường tiểu học đã được tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng dạy trẻ khuyết tật nên việc triển khai dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật có phần thuận lợi. Đầu năm học, các trường khi nhận trẻ khuyết tật phải theo dõi biểu hiện của các em vài ngày đầu, khảo sát, thống kê phân loại học sinh khuyết tật. Sau đó, tùy vào khả năng của từng em, nhà trường phân bố vào các lớp phù hợp.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek